Năm 1990, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập (tách ra từ Sở Tư pháp Bình Trị Thiên cũ) với 9 biên chế, đến nay, tổ chức, biên chế đã được kiện toàn gồm 6 phòng, 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 84 công chức, viên chức. Đội ngũ công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Trong 30 năm qua, ngoài các mặt công tác đã xác định từ ngày thành lập: công tác văn bản, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp,… Ngành Tư pháp ngày càng được tín nhiệm giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như: theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp, thừa phát lại và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật. Với trọng trách ngày càng cao, ngành Tư pháp tại địa phương đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, kết quả năm sau cao hơn năm trước, vai trò, vị trí công tác tư pháp trong đời sống xã hội ngày càng nâng cao, vị thế của ngành ngày càng được khẳng định.
Trong tổ chức thực hiện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ, Sở Tư pháp luôn định hướng chú trọng cơ sở gắn với phương châm “Không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Quán triệt chủ trương “tư pháp phải gần dân, phải phục vụ nhân dân”, các hoạt động đều hướng đến người dân, hướng đến cơ sở, lấy việc phục vụ Nhân dân là mục tiêu, trong đó, quan tâm đối tượng yếu thế là trọng tâm trong xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, hoàn thiện hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển mọi mặt của tỉnh nhà. Với mục tiêu đó, nhiệm vụ này trong những năm qua luôn được chú trọng thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, đạt kết quả cao với tỷ lệ 100% văn bản do Ngành trực tiếp xây dựng, thẩm định đều đúng pháp luật, có tính khả thi cao. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng được chú trọng với thành lập các Đoàn kiểm tra (6 - 8 đoàn/năm) trực tiếp kiểm tra hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành. Thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện, xử lý kịp thời các văn bản có sai sót về hình thức, nội dung, kiến nghị thu hồi văn bản trái pháp luật. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai đồng bộ với các kế hoạch rà soát, hệ thống theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực, góp phần giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn trong việc áp dụng văn bản pháp luật đúng quy định. Nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Ngành tại địa phương không ngừng được nâng cao về mặt chất lượng, thời hạn thực hiện rút ngắn, tuân thủ đầy đủ quy trình theo quy định của pháp luật, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp với Sở Tư pháp để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thật sự là “cầu nối” giữa chính sách, pháp luật với người dân, doanh nghiệp, giúp truyền tải đầy đủ, chính xác, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đến với nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người dân được thực hiện một cách tốt nhất. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng, chú trọng rà soát, nghiên cứu, đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ chế phối hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đồng bộ. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật dần đi vào chiều sâu, thực chất và chú trọng hướng về cơ sở. Quan tâm lựa chọn nội dung gắn với từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực, địa bàn, quan tâm các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật, địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, chú trọng đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế trong xã hội, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Không chỉ mang tính một chiều, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua đồng thời chú trọng việc ghi nhận những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những “điểm vênh” giữa chính sách, pháp luật và đời sống để phản ánh lại với cơ quan chức năng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận được thực hiện nghiêm túc, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, kết quả số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng tăng (năm 2017 có 111/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2018 có 124/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2019 có 135/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật). Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy vai trò trong việc giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hiện nay toàn tỉnh có 1.301 Tổ hòa giải với 7.536 hòa giải viên tại các thôn, bản, tổ dân phố, thực hiện hòa giải với tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm từ 80% trở lên.
Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết được khối lượng lớn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Đặc biệt chú trọng nắm bắt thông tin từ thực tiễn của người dân để giải quyết và chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều vụ việc phát sinh về hộ tịch, giúp bảo đảm các quyền cơ bản về nhân thân cho công dân. Công tác quốc tịch được triển khai thực hiện thống nhất, nổi bật là công tác nhập Quốc tịch Việt Nam của người Lào di cư tự do đang sinh sống tại huyện A Lưới tồn tại từ nhiều năm đã được giải quyết. Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp được đẩy mạnh với tỷ lệ cấp phiếu đúng hạn đạt từ 96-99%.
Công tác bổ trợ tư pháp được tăng cường nhằm đắp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Việc đổi mới tư duy về hoạt động công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp đã làm thay đổi cơ bản về công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, qua đó đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay Đoàn luật sư tỉnh có 61 luật sư, 27 tổ chức hành nghề luật sư, 04 Chi nhánh và 03 Văn phòng giao dịch tổ chức hành nghề luật sư; tại địa bàn tỉnh có 07 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng Công chứng và 05 Văn phòng công chứng) với 19 công chứng viên; có 02 tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp với 10 đấu giá viên. Thực hiện Đề án về chế định Thừa phát lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế, đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện đăng ký 37 vi bằng. Trong công tác giám định tư pháp, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập, 11 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc với 73 giám định viên. Về hòa giải viên thương mại, hiện trên địa bàn tỉnh có 06 người (trong đó có 04 luật sư) đăng ký hành nghề hòa giải viên thương mại vụ việc. Về quản tài viên, có 02 luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên và đăng ký hành nghề cá nhân.
Công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện hiệu quả theo quy định Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý tại các địa phương. Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được hưởng các quyền của mình.
Để triển khai các nhiệm vụ ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng công tác cải cách hành chính. Hàng năm, Sở Tư pháp ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuyên truyền cải cách hành chính, kiểm tra công vụ. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với các Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thực hiện liên thông Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống Đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ Tư pháp. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai thành công việc liên thông trên môi trường mạng đối với thủ tục đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh trong việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin tại địa bàn tỉnh với việc triển khai ứng dụng các phần mềm trong giải quyết, xử lý hồ sơ Lý lịch tư pháp, qua đó đã giải quyết triệt để tình trạng quá hạn hồ sơ ở các năm trước. Công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp luôn được xếp vị trí cao trong kết quả chấm điểm cải cách hành chính đối với khối cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó liên tục 02 năm (2015-2016), Sở Tư pháp dẫn đầu trong bảng đánh giá, xếp hạng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đúng pháp luật, đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp luôn coi trọng công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phản ánh và phòng, chống tham nhũng. Hàng năm đều tổ chức các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; tiếp công dân theo lịch và tiếp công dân thường xuyên. Thực hiện tiếp nhận đơn thư và thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, không có đơn thư tồn đọng, kéo dài. Qua việc thực hiện nghiêm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị phản ánh và phòng, chống tham nhũng đã góp phần mang lại niềm tin đối với người dân, được nhân dân tín nhiệm.
Ghi nhận những nỗ lực và thành tích đạt được, trong nhiều năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Cờ Thi đua ngành Tư pháp, nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tập thể các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và các cá nhân nhận Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về những đóng góp nổi bật đối với sự phát triển của Ngành.
Bên cạnh việc nhìn nhận công tác tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng lớn mạnh, Đảng ủy, Lãnh đạo Sở đồng thời vẫn xác định rõ: đi đôi với sự phát triển sẽ là là khó khăn, thách thức; càng làm nhiều thì càng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết được các khó khăn, thách thức chính là cách thức để Ngành ngày càng lớn mạnh, cán bộ, công chức ngày càng trưởng thành hơn. Từ thực tiễn đó, trong hiện tại cũng như thời gian tới, Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Tư pháp và tập thể công chức, viên chức ngành vẫn không ngừng tiếp tục nỗ lực, học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay. Nhìn lại quá trình 30 năm xây dựng, phát triển của Ngành tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự sáng suốt, định hướng đúng đắn, mạnh dạn đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, cùng với sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết, phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.