Tham dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban tổ chức hội nghị; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh; Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh; Hội luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh; đại diện lãnh đạo ban dân vận các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế; phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế…
Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; xác định phương hướng, đề xuất giải pháp để tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của công tác dân vận, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải, đối thoại tại tòa án, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Kết luận số 43-KL/TW ngày 07 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương số 25-NQ/TW, góp phần giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm, lồng ghép với công tác dân vận cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đến nay, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên ở cơ sở; số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 – 07 hòa giải viên/tổ. Từ năm 2014 đến năm 2019, các tổ hòa giải trên cả nước đã hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%), hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.
Hội nghị cũng đã nghe phát biểu của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án; việc xây dựng mô hình, kinh nghiệm trong hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận, nhất là dân vận khéo, dân vận chính quyền, đối thoại các vụ việc tại tòa án; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở… Để hiểu rõ hơn nữa công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, Hội nghị đã được xem phóng sự “Hòa giải thành cần dân vận khéo”.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Phạm Thị Ái Nhi, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã trình bày tham luận về “Kết quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí đã nêu lên một số kết quả đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục và kiến nghị, đề xuất để hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị thời gian tới Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, quan tâm, tạo điều kiện để các hòa giải viên thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó coi hòa giải là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại./.