Quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử
1. Chị Hoa có con gái 15 tuổi. Do yêu cầu công việc, chị thường xuyên đi công tác trong và ngoài nước. Chị dự định khoảng tháng 8 này sẽ sắp xếp công việc để làm hộ chiếu cho con gái. Sau khi trao đổi với con về vấn đề này, con gái chị có đề nghị muốn được cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Chị Hoa chưa hiểu rõ hộ chiếu có gắn chíp điện tử là gì và chỉ muốn làm hộ chiếu như thông thường, tuy nhiên con gái chị thì nhất quyết yêu cầu mẹ mình làm hội chiếu gắn chíp điện tử. Chị Hoa đề nghị cho biết, pháp luật có quy định người từ bao nhiêu tuổi thì có quyền yêu cầu vấn đề trên không và hộ chiếu có gắn chíp điện tử là gì?
Khoản 4 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định: Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
Khoản 1 Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định công dân Việt Nam có các quyền sau đây:
a) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định;
b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử;
c) Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
d) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác;
e) Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 đã giải thích về “Hộ chiếu có gắn chíp điện tử” và người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Công dân Việt Nam có nghĩa vụ gì trong việc xuất cảnh, nhập cảnh
2. Từ ngày 01/7/2020, công dân Việt Nam có nghĩa vụ gì trong việc xuất cảnh, nhập cảnh?
Khoản 2 Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam Công dân Việt Nam năm 2019 quy định công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài;
b) Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam Công dân Việt Nam;
c) Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh;
d) Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
Quy định về người chưa đủ 14 tuổi có thể tự mình làm thủ tục xuất nhập cảnh được không?
3. Lê Thanh Hoàng 14 tuổi, đang sống với ông bà ngoại (ông Hòa, bà Thy), bố mẹ Hoàng đã ly hôn và người mẹ hiện đang sống ở nước ngoài. Nhiều lần Hoàng muốn làm thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để đi thăm mẹ. Ông Hòa, bà Thy đã già yếu, đi lại khó khăn và có dự định trong thời gian tới để Hoàng tự đi làm thủ tục này. Ông Hòa hỏi: Trường hợp này, Hoàng có thể tự mình làm thủ tục xuất nhập cảnh được không?
Khoản 3 Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định: Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Điều 22 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về “Mất năng lực hành vi dân sự”:
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Điều 23 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”:
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Điều 136 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về “Đại diện theo pháp luật của cá nhân:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định trên, Hoàng là người chưa đủ 14 tuổi nên phải thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.
Quy định người dưới 14 tuổi không được cấp hội chiếu có gắn chíp điện tử có đúng không?
4. Ông Bình dự định tháng 8 năm nay sẽ làm hộ chiếu cho con gái 12 tuổi và ông muốn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử cho con gái. Tuy nhiên, ông nghe nói người dưới 14 tuổi không được cấp hội chiếu có gắn chíp điện tử. Thông tin này có đúng không?
Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
1. Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
a) Hộ chiếu ngoại giao;
b) Hộ chiếu công vụ;
c) Hộ chiếu phổ thông;
d) Giấy thông hành.
2. Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.
3. Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Theo quy định tại khoản 2 nêu trên, hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi. Thông tin mà ông Bình nêu là chính xác.
Hộ chiếu phổ thông có thời hạn bao lâu và có được gia hạn không?
5. Chị Hoa (20 tuổi) dự định vài tháng tới sẽ làm hộ chiếu phổ thông để đi du lịch. Chị đề nghị cho biết, hộ chiếu phổ thông có thời hạn bao lâu và có được gia hạn không?
Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy dịnh thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
1. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
2. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
3. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Theo quy định trên, hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn.
Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của những người nào thì thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao?
6. Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của những người nào thì thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao?
Khoản 13, 14 Điều 8 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định đối tượng là vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của những người sau đây được cấp hộ chiếu ngoại giao:
1. Vợ hoặc chồng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đi theo hành trình công tác.
2. Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người sau đây cùng đi theo hoặc thăm người này trong nhiệm kỳ công tác: Người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Trên đây là các trường hợp có vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi được cấp hộ chiếu ngoại giao.
Những người nào đang công tác trong các cơ quan cấp tỉnh thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao?
7. Anh Hòa đề nghị cho biết, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, những người nào đang công tác trong các cơ quan cấp tỉnh thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao?
Điều 8 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, gồm:
1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan khác do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập, Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị.
2. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, Ủy viên Thường trực cơ quan của Quốc hội; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Quốc hội; trợ lý, thư ký của Chủ tịch Quốc hội.
3. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Chủ tịch nước.
4. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ thành lập; người đứng đầu Tổng cục hoặc tương đương; sĩ quan tại ngũ, đang công tác có cấp bậc hàm Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân trở lên; đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Thủ tướng Chính phủ.
5. Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
6. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
7. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
9. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
10. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
11. Người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
12. Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự.
13. Vợ hoặc chồng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đi theo hành trình công tác.
14. Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại khoản 11 nêu trên.
15. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại, lễ tân nhà nước hoặc tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xem xét cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền cho những người không thuộc diện được cấp hội chiếu ngoại giao.
Căn cứ quy định trên, ở cấp tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp hộ chiếu ngoại giao.
Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ không?
8. Chị Phương đang công tác tại cơ quan A, đề nghị cho biết, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ không?
Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ, gồm:
1. Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
a) Người đứng dầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội;
c) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh;
d) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
đ) Người giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
4. Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.
5. Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại khoản 4 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.
6. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xem xét cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền cho những người không thuộc diện được cấp hộ chiếu công vụ.
Như vậy, theo quy định trên, không phải các trường hợp viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập đều được cấp hộ chiếu công vụ; chỉ các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 nêu trên mới được cấp hộ chiếu công vụ.
Quy định điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
9. Chị Sương đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Chị cho biết, cuối năm nay, ông H là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập dự kiến đi du lịch nước ngoài. Ông H nhờ chị Sương tìm hiểu có thể cấp hộ chiếu công vụ được không? Chị Sương hỏi, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì trường hợp của ông H có được cấp hộ chiếu công vụ không?
Điều 10 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ như sau:
Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ;
2. Được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
Căn cứ quy định trên, mặc dù ông H thuộc đối tượng được cấp hội chiếu công vụ theo điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, tuy nhiên mục đích làm hộ chiếu của ông là để đi du lịch, không phải đi thực hiện nhiệm vụ công tác theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền. Do đó, ông không đủ điều kiện để cấp hộ chiếu công vụ.
Thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như thế nào?
10. Thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định như thế nào?
Điều 11 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ như sau:
1. Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Ban, Ủy ban, cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cơ quan khác do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập; Văn phòng Trung ương Đảng; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Tổng Kiểm toán nhà nước.
3. Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.
4. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
5. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
6. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
7. Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
8. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
9. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
10. Đối với nhân sự thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì thực hiện theo các quy định liên quan.
11. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu.
Trên đây là là những người có thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
Nếu cấp lại hộ chiếu công vụ, cần những giấy tờ gì và có nộp lại hộ chiếu công vụ đã cấp không?
11. Chị Thủy cho biết, hộ chiếu công vụ của chị đến tháng 9/2020 là hết hạn. Nếu cấp lại hộ chiếu công vụ, chị cần những giấy tờ gì và có nộp lại hộ chiếu công vụ đã cấp không?
Điều 12 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định việc cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước như sau;
1. Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định dưới dây tại Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền.
2. Giấy tờ liên quan đến đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu bao gồm:
a) Quyết định cử hoặc văn bản cho phép người ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp;
b) Văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền cử người ra nước ngoài đối với đối tượng là vợ hoặc chồng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đi theo hành trình công tác; vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cùng đi theo hoặc thăm người này trong nhiệm kỳ công tác; vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài, đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.
Quyết định, văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao đối với vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cùng đi theo hoặc thăm người này trong nhiệm kỳ công tác; vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài, đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.
c) Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp lần gần nhất; trường hợp hộ chiếu bị mất phải có thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp của người được cấp hộ chiếu;
d) Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị sử dụng dưới 12 tháng đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu;
đ) Bản chụp Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác và xuất trình bản chính để đối chiếu;
e) Bản chụp Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi đối với trường hợp chưa đủ 18 tuổi và xuất trình bản chính để đối chiếu;
g) Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người đại diện nộp thay; người đại diện nộp thay phải xuất trình giấy tờ tùy thân.
3. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai, ảnh chân dung, giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu; cấp giấy hẹn trả kết quả.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền thực hiện cấp, gia hạn hộ chiếu, cấp công hàm hỗ trợ xin thị thực và trả kết quả; trường hợp chưa cấp, gia hạn hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
5. Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan theo quy định tại khoản 4 nêu trên thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Căn cứ quy định trên, chị Thủy đề nghị cấp hộ chiếu công vụ thì phải nộp các giấy tờ như trên, trong đó bao gồm cả hộ chiếu công vụ cấp lần gần nhất.
Những trường hợp nào được cấp hộ, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài?
12. Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, những trường hợp nào được cấp hộ, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài? Trường hợp hộ chiếu hết thời hạn sử dụng trong thời gian công tác ở nước ngoài thì có được cấp, gia hạn ở nước ngoài không?
Khoản 1 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
- Người có hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ bị mất, hỏng, hết trang hoặc hết thời hạn sử dụng trong thời gian công tác ở nước ngoài;
- Người đang là thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài có thay đổi về chức vụ;
- Người đang ở nước ngoài được bổ nhiệm làm thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài;
- Vợ, chồng, con chưa đủ 18 tuổi đang ở nước ngoài đi thăm, đi theo, con mới sinh ở nước ngoài của thành viên Cơ quan đại diện hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.
Theo quy định trên, trường hợp hộ chiếu hết thời hạn sử dụng trong thời gian công tác ở nước ngoài thuộc trường hợp được cấp, gia hạn hộ chiếu ở nước ngoài.
Trường hợp sinh con ở nước ngoài và làm hộ chiếu thì phải có giấy tờ gì?
13. Chị Phượng có chồng là phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài. Hiện tại chị đang mang thai 4 tháng và dự định theo chồng ra nước ngoài. Chị hỏi, trường hợp chị sinh con ở nước ngoài và làm hộ chiếu cho cháu thì phải có giấy tờ gì?
Khoản 2 và 3 Điều 13 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
Người đề nghị cấp, gia hạn hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan dưới đây tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Giấy tờ liên quan đến việc cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài được quy định như sau:
- Quyết định cử hoặc văn bản cho phép người ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp đối với trường hợp: Người có hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ bị mất, hỏng, hết trang hoặc hết thời hạn sử dụng trong thời gian công tác ở nước ngoài; Vợ, chồng, con chưa đủ 18 tuổi đang ở nước ngoài đi thăm, đi theo, con mới sinh ở nước ngoài của thành viên Cơ quan đại diện hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.
Trường hợp con mới sinh ở nước ngoài thì phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh;
- Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền về việc bổ nhiệm chức vụ hoặc thay đổi vị trí công tác đối với trường hợp: Người đang là thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài có thay đổi về chức vụ; người đang ở nước ngoài được bổ nhiệm làm thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài;
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị sử dụng dưới 12 tháng đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu;
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp lần gần nhất; trường hợp hộ chiếu bị mất phải có đơn báo với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai, ảnh chân dung, giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu; cấp giấy hẹn trả kết quả.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, gia hạn hộ chiếu, cấp công hàm hỗ trợ xin thị thực và trả kết quả; trường hợp chưa cấp hộ chiếu, phải kéo dài thời gian để xác minh hoặc chưa gia hạn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Căn cứ quy định trên, để làm hộ chiếu công vụ cho con của chị Phương được sinh ở nước ngoài thì cần các giấy tờ: Tờ khai theo mẫu; Quyết định cử hoặc văn bản cho phép người ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp; bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của cháu bé.
Thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu cần giấy tờ gì?
14. Anh Thành dự định tháng 7 tới sẽ làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông. Anh đề nghị cho biết cần giấy tờ gì để làm hộ chiếu?
Khoản 1 và 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan dưới đây; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền;
c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Như vậy, anh Thành đối chiếu với quy định trên để chuẩn bị giấy tờ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông (nếu thực hiện từ ngày 01/7/2020).
Việc làm hộ chiếu có thể thực hiện tại cơ quan nào?
15. Anh Nghĩa dự định khoảng tháng 8/2020 sẽ làm hộ chiếu (lần đầu) cho mẹ anh để ra nước ngoài chữa bệnh. Việc làm hộ chiếu cho mẹ anh Nghĩa có thể thực hiện tại cơ quan nào?
Khoản 3, 4, 5 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
1. Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
2. Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:
a) Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
b) Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
c) Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
d) Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
3. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Theo quy định trên, đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu của mẹ anh Nghĩa thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Ngoài ra, nếu mẹ anh có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh thì anh có thể lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Thời hạn làm hộ chiếu là bao lâu và có thể yêu cầu nhận kết quả qua dịch vụ chuyển phát không?
16. Chị Trang dự định thời gian tới sẽ làm hộ chiếu phổ thông cho con gái tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh . Chị đề nghị cho biết, thời hạn làm hộ chiếu là bao lâu và có thể yêu cầu nhận kết quả qua dịch vụ chuyển phát không?
Khoản 7, 8 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
1. Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả kết quả cho người đề nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả kết quả cho người đề nghị. Đối với trường hợp được đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Trường hợp chưa cấp hộ chiếu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
2. Người đề nghị cấp hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan nộp hồ sơ thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Theo quy định trên, nếu chị Trang làm hộ chiếu cho con gái kể từ ngày 01/7/2020 thì thời hạn giải quyết của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh là trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Chị có thể yêu cầu nhận kết quả qua dịch vụ chuyển phát và phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông tại Canada có yêu cầu phải có giấy tờ xác định quốc tịch Việt Nam không và có thể thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở Canada không?
17. Anh Ngọc đang cư trú tại Hoa Kỳ. Trong tháng 7/2020 anh có chuyến công tác dài hạn tại Canada và anh dự định làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông tại Canada. Anh đề nghị cho biết, hồ sơ có yêu cầu phải có giấy tờ xác định quốc tịch Việt Nam không và có thể thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở Canada không?
Khoản 1 và 2 Điều 16 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài như sau:
1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan theo quy định và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
2. Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước người đó cư trú. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi.
Căn cứ các quy định trên, khi làm hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, anh Ngọc phải xuất trình trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nếu không có các giấy tờ này thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch. Nếu anh Ngọc Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước người đó cư trú là Hoa Kỳ; trường hợp anh làm từ lần thứ hai thì có thể thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở Canada.
Thời gian kéo dài để xác định căn cứ cấp hộ chiếu được quy định như thế nào?
18. Chị Yến làm hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông tại cơ quan đại diện Việt Nam ở Hàn Quốc. Hết thời hạn hẹn trả kết quả, chị Yến nhận được trả lời cần kéo dài thời gian để xác định căn cứ cấp hộ chiếu. Chị đề nghị cho biết, Thời gian kéo dài để xác định căn cứ cấp hộ chiếu được quy định như thế nào?
Khoản 4, 5 Điều 16 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu và 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu lần thứ hai trở đi, nếu đủ căn cứ để cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại nơi tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu trả kết quả cho người đề nghị và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Trường hợp chưa đủ căn cứ để cấp hộ chiếu hoặc cần kéo dài thời gian để xác định căn cứ cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả lời bằng văn bản cho người đề nghị, nêu lý do.
2. Thời gian kéo dài để xác định căn cứ cấp hộ chiếu theo quy định trên như sau:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản theo mẫu về Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để xác minh theo thẩm quyền;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả lời bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời của Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu và trả kết quả cho người đề nghị; trường hợp chưa cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả lời bằng văn bản cho người đề nghị, nêu lý do.
Như vậy, chị Yến căn cứ quy định trên để biết về thời gian kéo dài để xác định căn cứ cấp hộ chiếu đối với trường hợp của chị.
Những người nào được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn?
19. Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, những người nào được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn?
Điều 17 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, gồm:
1. Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay.
2. Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu.
3. Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân.
4. Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.
Trên đây là các trường hợp được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.
Trường hợp người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay thì làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn như thế nào?
20. Chị Bình hỏi, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, trường hợp người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay thì làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn như thế nào?
Khoản 1 Điều 18 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định cấp hộ chiếu phổ thông cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay được quy định như sau:
1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp đơn báo mất hộ chiếu, tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp nếu có;
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, quyết định cấp hộ chiếu, trả kết quả cho người đề nghị và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trong trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
3. Trường hợp chưa đủ căn cứ để cấp hộ chiếu thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản theo mẫu về Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để xác minh, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người đề nghị;
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả lời bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc cấp hộ chiếu;
5. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu và trả kết quả cho người đề nghị; trường hợp chưa cấp thì trả lời bằng văn bản, nêu lý do;
6. Trường hợp thông qua thân nhân ở trong nước điền vào tờ khai theo mẫu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an tiếp nhận, kiểm tra, trả lời cho thân nhân và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị; trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu nhận ảnh của người đề nghị, cấp hộ chiếu phổ thông, trả kết quả.
Trên đây là quy định cấp hộ chiếu phổ thông cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay được quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn đối với người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu thực hiện như thế nào?
21. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn đối với người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu thực hiện như thế nào?
Khoản 2 Điều 18 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định cấp hộ chiếu phổ thông cho người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu được quy định như sau:
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận quyết định trục xuất của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại kèm 02 ảnh chân dung của người bị trục xuất;
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trục xuất của nước sở tại, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi thông tin của người bị trục xuất theo mẫu về Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an;
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xác minh, trả lời bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu phổ thông có thời hạn theo thông báo của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông cho người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu được thực hiện như trên.
Các trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh? Việc chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh có thời hạn không?
22. Ông Minh đề nghị cho biết, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, các trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh? Việc chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh có thời hạn không?
Điều 21 và 22 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định những trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
- Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
Thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh đối với trường hợp trên được tính đến thời điểm chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh.
Thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính theo thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đó.
- Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo quy định trên, chỉ những trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi nêu trên mới chưa dược cấp giáy tờ xuất nhập cảnh. Thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh được quy định cụ thể theo từng trường hợp như trên.
Trường hợp mất giấy tờ xuất nhập cảnh có báo với cơ quan chức năng không? Người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh có trách nhiềm gì trong sử dụng giáy tờ xuất nhập cảnh?
23. Chị Lan hỏi: Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, trường hợp mất giấy tờ xuất nhập cảnh có báo với cơ quan chức năng không? Người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh có trách nhiềm gì trong sử dụng giáy tờ xuất nhập cảnh?
Điều 23 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định trách nhiệm của người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
1. Giữ gìn, bảo quản giấy tờ xuất nhập cảnh; báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi bị mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm thủ tục cấp mới khi giấy tờ xuất nhập cảnh bị hư hỏng, thay đổi thông tin về nhân thân, đặc điểm nhận dạng, xác định lại giới tính.
2. Chỉ được sử dụng một loại giấy tờ xuất nhập cảnh còn giá trị sử dụng cho mỗi lần xuất cảnh, nhập cảnh.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, phải nộp lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng do người đứng đầu cơ quan quyết định.
4. Khi thay đổi cơ quan làm việc, phải báo cáo cơ quan, người quản lý hộ chiếu nơi chuyển đi và chuyển đến để thực hiện việc quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định.
Trên đây là quy định về trách nhiệm của người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh. Trong đó, người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi bị mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
Quy định nộp lại hộ chiếu công vụ
24. Chị Hoàng hỏi: Thời gian sắp tới, khoảng tháng 8/2020, chị có chuyến công tác ở nước ngoài và được cấp hộ chiếu công vụ. Sau khi kết thúc chuyến công tác thì chị phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan nào?
Khoản 1 Điều 24 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định: Cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định dưới đây hoặc cơ quan, người được ủy quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
1. Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Ban, Ủy ban, cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cơ quan khác do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập; Văn phòng Trung ương Đảng; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Tổng Kiểm toán nhà nước.
3. Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.
4. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
5. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
6. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
7. Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
8. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
9. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
10. Đối với nhân sự thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì thực hiện theo các quy định liên quan.
11. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu.
Các cơ quan trên có trách nhiệm sau đây:
- Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của mình;
- Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của người thân, của người thuộc phạm vi quản lý của mình cùng đi theo hành trình công tác hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.
Theo quy định trên, sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, chị Lan có trách nhiệm nộp lại hộ chiếu công vụ cho Cơ quan, người đã cho phép, quyết định cử chị đi công tác hoặc người được ủy quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Việc bàn giao hộ chiếu công vụ phải có ký nhận không? Trường hợp không giao nộp hộ chiếu công vụ thì cơ quan có trách nhiệm quản lý hộ chiếu công vụ sẽ làm gì?
25. Anh Hùng đề nghị cho biết, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, việc bàn giao hộ chiếu công vụ phải có ký nhận không? Trường hợp không giao nộp hộ chiếu công vụ thì cơ quan có trách nhiệm quản lý hộ chiếu công vụ sẽ làm gì?
Khoản 2 Điều 24 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định trình tự, thủ tục quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như sau:
1. Lập sổ theo dõi việc giao, nhận hộ chiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hộ chiếu khi được lưu giữ tại cơ quan quản lý hộ chiếu;
2. Bàn giao hộ chiếu cho người được cấp khi có quyết định cử đi công tác nước ngoài. Việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận;
3. Chuyển hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu mới khi người được cấp hộ chiếu được điều chuyển công tác;
4. Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền về việc người được cấp hộ chiếu cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu không đúng quy định;
5. Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc hộ chiếu do cơ quan mình quản lý bị mất, bị hỏng;
6. Chuyển cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao để hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người không còn thuộc đối tượng được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ;
7. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với việc sử dụng và quản lý hộ chiếu không đúng mục đích.
Theo quy định trên, việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận. Trường hợp cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu sau khi kết thúc công tác thì Cơ quan, người có thẩm quyền báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền về vấn đề này.
Quy định việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành không?
26. Anh Quyền hỏi: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 có quy định việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành không?
Điều 25 và Điều 26 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định như sau:
1. Người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong trường hợp đi nước ngoài theo quyết định cử hoặc văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 06 tháng.
2. Việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi công tác nước ngoài phù hợp với quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài.
3. Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu phổ thông được sử dụng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh, nhập cảnh, trừ trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
4. Công dân Việt Nam được cấp giấy thông hành được sử dụng giấy thông hành để qua lại biên giới và hoạt động tại nước láng giềng theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên giới, trừ trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Như vậy, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 đã quy định rõ mục đích sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh như trên.
Quy định các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu
27. Chị Thu là công chức cơ quan A. Chị đã được cấp hộ chiếu công vụ. Chị dự định vào cuối năm sẽ xin thôi việc để theo chồng. Chị đề nghị cho biết, trong trường hợp này chị có bị thu hồi hộ chiếu công vụ không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020), công chức theo định của pháp luật về cán bộ, công chức là đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ.
Điều 27 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu như sau:
1. Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất
2. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
3. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn thời hạn đối với trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng.
4. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đã cấp cho người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
Theo quy định trên, nếu chị Thu không còn là công chức, nghĩa là chị không thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ thì hộ chiếu công vụ đã cấp cho chị sẽ bị thu hồi, hủy giá trị sử dụng.
Quy định trong thời hạn bao lâu thì người bị mất hộ chiếu phổ thông phải nộp đơn báo mất hộ chiếu?
28. Chị Quỳnh đề nghị cho biết, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định trong thời hạn bao lâu thì người bị mất hộ chiếu phổ thông phải nộp đơn báo mất hộ chiếu?
Khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định:
Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng;
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn báo mất hộ chiếu phổ thông, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thông báo theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và người gửi đơn. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thực hiện hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.
Theo quy định trên, Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất cho cơ quan chức năng như hướng dẫn ở trên. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng.
Quy định khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông
29. Chị Hoài bị mất hộ chiếu phổ thông ở trong nước và đã báo với cơ quan chức năng. Chị đề nghị cho biết, theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, trường hợp chị tìm lại được hộ chiếu thì có được khôi phục giá trị sử dụng không?
Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông như sau:
1. Hộ chiếu phổ thông đã bị hủy giá trị sử dụng do bị mất ở trong nước, sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực do nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục.
2. Người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm theo hộ chiếu và nộp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
3. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai với thông tin trong hộ chiếu và cấp giấy hẹn trả kết quả.
4. Việc khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
Căn cứ quy định trên, nếu hộ chiếu sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực do nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục.
Hộ chiếu phải còn hạn sử dụng bao lâu mới được xuất cảnh?
30. Anh Hùng dự định xuất cảnh vào tháng 9/2020. Anh đề nghị cho biết, theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì hộ chiếu phải còn hạn sử dụng bao lâu mới được xuất cảnh?
Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020) quy định điều kiện xuất cảnh như sau:
1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện nêu trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Căn cứ quy định trên, một trong những điều kiện để được xuất cảnh là hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên.