Theo đó, Kế hoạch nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 05-KL/TW, Chỉ thị số 48-CT/TW và các Chiến lược, Chương trình, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020, góp phần đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm. Phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người được đặc xá, tù tha, tha tù trước thời hạn có điều kiện xuống dưới 15%; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và 50% số đối tượng truy nã mới phát sinh; 100% tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, thụ lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn thực hiện. Không để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành, không để phát sinh “điểm nóng” về trật tự xã hội.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2020, cụ thể:
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức đánh giá kết quả, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW, Chỉ thị 48-CT/TW; các Nghị quyết số 37/2012/QH13, số 63/2013/QH13, số 96/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, đoàn thể, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội pham theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm về công tác phòng, chống tội phạm;
- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và xử lý theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; quyết tâm ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật;
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng vùng, miền, đặc điểm dân cư. Củng cố, nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, câu lạc bộ quần chúng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”, tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, giáp ranh; Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 21/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020;
- Tập trung thực hiện các hoạt động phòng ngừa tội phạm, đổi mới công tác tuyên truyền, sử dụng các mạng xã hội để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; chú trọng các nhóm đối tượng có nguy cơ bị xâm hại và đối tượng có nguy cơ phạm tội cao như người chưa thành niên, phụ nữ, người không nghề hoặc có nghề nhưng không ổn định, người có tiền án, tiền sự, chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đối tượng không tham gia các tổ chức chính trị, xã hội; tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự…;
- Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật kiến nghị, phản ánh của người dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ./.