Kết quả chấm vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 15 ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhất vào vòng chung kết, trong đó nhiều ý tưởng, dự án thuộc lĩnh ứng dụng vực công nghệ thông tin của các tác giả, nhóm tác giả trên địa bàn tỉnh. Kết quả chấm vòng chung kết, Ban Tổ chức chọn 06 hồ sơ xuất sắc nhất để đề nghị Cơ quan thường trực cuộc thi (Sở Khoa học và Công nghệ) trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
Trên cơ sở đó, sáng 28/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019. Có 3 dự án, ý tưởng đạt giải cao, gồm: Dự án Gender – Giáo dục Kỹ năng sống thông qua trò chơi (giải nhất); Dự án Giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ (trẻ bình thường và trẻ tự kỷ) - Phương pháp giáo dục con trong thời đại công nghệ 4.0 và Sinh trắc vân tay – khám phá tiềm năng trẻ (giải nhì); Dự án Phát triển dịch vụ du lịch Sen Huế (giải ba).
Các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân đạt Giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh với nguồn kinh phí từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh là: Đặc sản Mộc Truly Hue’s của Phạm Thị Diệu Huyền (Giải A); dự án SAVE BLOOD và “Vỏ đậu vi sinh” – Giải pháp tận dụng hiệu quả phế phẩm vỏ đậu kết hợp với công nghệ vi sinh để phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp nhà phố của Lê Văn Tài (đồng Giải B).
Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 được tổ chức nhằm xây dựng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo cho người dân trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, doanh nghiệp đối với các ý tưởng khởi nghiệp hay và có tiềm năng phát triển.
Năm nay là năm thứ 4 tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Cuộc thi và đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, địa phương trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động triển khai. Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư cộng hưởng đồng hành, hỗ trợ tích cực các hoạt động trong quá trình tổ chức. Đại học Huế và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền về Cuộc thi, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nhằm hoàn thiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, lựa chọn, trao thêm giải cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp phù hợp. Câu lạc bộ khởi nghiệp ở Huế tích cực hưởng ứng cuộc thi, góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ, nhóm sinh viên chưa mạnh dạn tham gia Cuộc thi; một số trường hợp chưa chú trọng xây dựng hồ sơ nên ý tưởng, dự án khởi nghiệp không nêu bật được nội dung cốt lõi muốn giải quyết,... Nhìn chung, mặc dù hồ sơ dự thi năm sau nhiều hơn năm trước nhưng so với số lượng sinh viên, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh thì số lượng hồ sơ còn khiêm tốn. Thực tế, có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp hay, có tiềm năng nhưng chưa tham gia Cuộc thi. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế, cần sự chung tay, quyết tâm hơn nữa của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để các cuộc thi tiếp theo sẽ có nhiều ý tưởng, dự án mang tính khả thi cao tham gia, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế./.