Theo thông tin từ Hội thảo công bố tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dâm cư do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức vừa qua tại thành phố Huế, gần đây, nước ta xuất hiện tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến sinh con trai nhiều hơn con gái ở mức không bình thường. Theo quy luật tự nhiên, cứ sinh được 100 cháu gái, tương ứng được khoảng 103 đến 107 cháu trai. Nhưng ở Việt Nam, năm 2006 cứ sinh được 100 cháu gái thì tương ứng sinh được 110 cháu trai và năm 2017 là 112 cháu trai. Như vậy, đã xảy ra tình trạng “Mất cân bằng giới tính khi sinh”. Các chuyên gia quốc tế tính toán rằng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng “dư thừa” từ 2.3 đến 4.3 triệu nam giới. Hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ không thể kết hôn, chịu cuộc sống độc thân, đơn lẻ suốt đời. Hậu quả kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an ninh và an sinh xã hội… chắc chắn sẽ nặng nề. Tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái; mại dâm, tội phạm tình dục; bạo hành giới,… có thể gia tăng. Tình trạng này tác động xấy đến sự phát triển bền vững của đất nước; trực tiếp hoặc gián tiếp thách thức chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nguyên nhân gốc rễ của lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh là do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, trọng năm kinh nữ; sự lạm dụng thành tựu khoa học – công nghệ hỗ trợ sinh sản; trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp và các gia đình hiện nay thường sinh ít con. Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tuyên truyền, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật, pháp luật và hành chính. Bên cạnh đó, hương ước có từ rất lâu đời; là những quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư thỏa thuận, tự nguyện xây dựng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư. Tâm lý “ưa thích con trai”, bất bình đẳng giới dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh liên quan sâu sắc đến phong tục, tập quán của cộng đồng nên cần có sự ứng xử đối với vấn đề này như một vấn đề về văn hóa. Do đó, giải pháp thông qua hương ước để cộng đồng tự điều chỉnh các hành vi dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh chính là cách tiếp cận “mềm” thích hợp và hiệu quả.
Quy trình để lồng ghép việc kiểm soát “mất cân bằng giới tính khi sinh” vào hương ước, quy ước được thực hiện theo trình tự:
Thứ nhất, thu thập thông tin về chênh lệch tỷ lệ bé trai và bé gái sinh ra sống trên địa bàn.
Thứ hai, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư vệ việc có đưa nội dung kiểm soát “mất cân bằng giới tính khi sinh” vào hương ước, quy ước hay không?
Thứ ba, thành lập Tổ soạn thảo hương ước.
Thứ tư, xây dựng nội dung “kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” để đưa vào hương ước, quy ước.
Thứ năm tổ chức lấy ý kiến dự thảo hương ước hoặc nội dung kiểm soát “mất cân bằng giới tính khi sinh” trong hương ước.
Thứ sáu, hoàn thiện và thông qua hương ước trong cộng đồng.
Quy trình trên được áp dụng trong các trường hợp: Chỉ bổ sung vào hương ước hiện hành một nội dung là kiểm soát “mất cân bằng giới tính khi sinh”; bổ sung vào hương ước hiện hành một số nội dung, trong đó có kiểm soát soát “mất cân bằng giới tính khi sinh”; xây dựng hương ước hoàn toàn mới.
Việc lồng ghép việc kiểm soát “mất cân bằng giới tính khi sinh” vào hương ước phải bảo đảm nguyên tắc là xuất phát từ tình hình thực tế ở cộng đồng có xảy ra vấn đề này và người dân có đồng thuận đưa vấn đề này vào hương ước; rà soát các phong tục, tập quán liên quan đến vấn đề bình đẳng giới nói chung và sinh con trai hay con gái nói riêng để giữ gìn, phát huy hay phê phán, loại bỏ; không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Trong tổ chức thực hiện, chỉ áp dụng hương ước khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ, mang tính nguyên tắc tại thời điểm quan hệ xã hội phát sinh; đề cao tinh thần tự nguyện, tự giác, phát huy vai trò của các thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư trong giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước; khi có sự mâu thuẩn, chồng chéo với quy định của pháp luật hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, hương ước phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn.