Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở tại huyện Phú Lộc được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, chú trọng. Đã ban hành kịp thời các kế hoạch năm, kế hoạch chuyên đề, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc; các xã, thị trấn và Phòng, Ban có xây dựng kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch. Củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản luật mới; các ngành phối hợp tăng cường phổ biến pháp luật trong nhà trường, phổ biến qua Đài Phát thanh – Truyền hình huyện. Xây dựng mô hình phổ biến pháp luật có hiệu quả, như: Hoạt động của các câu lạc bộ, trung tâm, tổ tư vấn pháp luật – hướng nghiệp ở các xã, thị trấn biên giới để phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới; xây dựng "Túi xách pháp luật" từ cấp Chi Hội đến Hội cơ sở Nông dân để hội viên nông dân khi cần thì có tài liệu tham khảo (đã xây dựng được 107 túi sách), Tủ sách pháp luật tại trường học. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thiết thực trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương, như: Biên giới biển, bảo vệ môi trường, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...
Công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng từ khâu tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Các Tổ hoà giải trên địa bàn huyện được kiện toàn, củng cố theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về sáp nhập, chia tách, thành lập thôn mới, Tổ dân phố mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với 129 Tổ, 729 thành viên. Tổ chức 06 đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở với khoảng 700 lượt người tham dự. Kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở và các chế độ hỗ trợ cho Tổ hòa giải, hòa giải viên được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. 6 tháng đầu năm 2018, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận 163 vụ việc hòa giải và đã hòa giải thành 125 vụ, hòa giải không thành 33 vụ, đang hòa giải 05 vụ. Trong đó, xã Vinh Giang Hòa giải thành 12/13 vụ việc, 01 vụ việc tranh chấp đất đai hòa giải không thành và đã hướng dẫn các bên giải quyết theo quy định pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại huyện Phú Lộc nói chung và xã Vinh Giang nói riêng còn một số khó khăn, hạn chế, như: Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phát huy hết hiệu quả; năng lực, kỹ năng tuyên truyền của một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu; một số hòa giải viên hạn chế về kỹ năng, kiến thức pháp luật… Trên cơ sở đó, huyện cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường hỗ trợ tài liệu, tập huấn nghiệp vụ, nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa một cách hiệu quả hơn, quy định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành trong công tác này.
Đồng chí Phan Văn Quả - Trưởng đoàn Kiểm tra đánh giá cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại huyện Phú Lộc cũng như xã Vinh Giang, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm; việc thực hiện các chế độ, chính sách trong công tác hòa giải ở cơ sở nghiêm túc, được chú trọng. Đối với các kiến nghị, Đoàn ghi nhận và sẽ có báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị huyện chú trọng một số nhiệm vụ để nâng cao hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, như: Nội dung tuyên truyền pháp luật chú ý thêm văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, của huyện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; tổ chức sơ kết, biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung chỉ đạo để nâng cao kết quả hòa giải thành; chú trọng Hòa giải thành ngoài tòa án.