Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật gồm 6 Chương với 59 Điều, 3 phụ lục, quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư, phát triển, tạo rào cản ra nhập thị trường của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ đang gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển. Để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch; thành lập Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải triển khai, như:
- Rà soát, tổng hợp danh mục các quy hoạch đã được phê duyệt còn hiệu lực, các quy hoạch đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh, thẩm định mà chưa được phê duyệt, các quy hoạch đã được lập, điều chỉnh mà chưa được thẩm định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 3 năm 2018 để tổng hợp báo cáo Chính phủ; chủ động rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền các quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2018;
- Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng, ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo thẩm quyền bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch bị bãi bỏ;
- Chủ động nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch theo thẩm quyền, thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
- Tập trung nguồn lực tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2020;
- Phối hợp với cơ quan lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng theo quy trình quy định của Luật Quy hoạch;
- Xây dựng kế hoạch vốn lập quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong quý II năm 2018 để trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kế hoạch vốn lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước;
- Được sử dụng nguồn 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hoặc nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của cấp tỉnh để tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 ngay trong năm 2018 theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật được xây dựng nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật năm 2009; kế thừa những quy định còn phù hợp; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với luật pháp quốc tế; đảm bảo thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, triển khai thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể: Bãi bỏ khoản 10 Điều 8; sửa đổi, bổ sung các khoản 4, 5, 7, 8, 13 và 15 Điều 8 về thực hiện nhiệm vụ lãnh sự; bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 10 về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 15 về kinh phí; bổ sung khoản 3 vào Điều 16 về trụ sở, cơ sở vật chất; sửa đổi, bổ sung Điều 17 về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 19 về người đứng đầu cơ quan đại diện; Sửa đổi, bổ sung Điều 20 về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện; bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 21 về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện; sửa đổi, bổ sung tên Điều 26; bổ sung điểm d vào khoản 1, bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào Điều 26 về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện; sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 32 về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; sửa đổi, bổ sung Điều 34 phối hợp công tác giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài và cơ quan đại diện.