Qua Báo cáo, thảo luận, trao đổi giữa các thành viên Đoàn Kiểm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Đỗ Xuân Lân – Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật - Trưởng Đoàn Kiểm tra ghi nhận những nổ lực, kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cơ quan, địa phương đã tổ chức tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ba cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động được địa phương triển khai bài bản, nghiêm túc theo quy định, từ đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử đến triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Ngày pháp luật, triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù, tổ chức phổ biến pháp luật trong nhà trường, huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời theo Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Tư pháp và các cơ quan được chú trọng. Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm củng cố, kiện toàn.
Nguồn lực ngày càng được quan tâm, năm sau cao hơn năm trước. Bước đầu thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác này; phân định rõ kinh phí thường xuyên và không thường xuyên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đánh giá chung về hiệu quả, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã góp phần bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở, gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương và đời sống hằng ngày của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh cần tạo được sự chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; ý thức tự tìm hiểu, học tập, nghiên cứu pháp luật của cán bộ, nhân dân để hình thành thói quen xử sự theo pháp luật. Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng, sự gắn kết của các thành viên Hội đồng với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công tác. Có sự rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật sau các khóa bồi dưỡng, tập huấn nhằm bảo đảm phát huy đầy đủ nguồn lực.
Từ thực tế trên, Đoàn Kiểm tra cũng khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cụ thể: Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với địa bàn. Quán triệt, rà soát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, phân công rõ vai trò của từng thành viên Hội đồng, của cơ quan thường trực Hội đồng. Phát huy vai trò của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này. Đa dạng hóa mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn kết phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức lối sống văn hóa, nhân cách con người Việt Nam. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác tuyên giáo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng các vấn đề xã hội quan tâm. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đề xuất các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này.
Đáp từ, đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trân trọng cảm ơn các ý kiến của Đoàn Kiểm tra, tiếp thu và sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc. Đồng chí cho rằng, các ý kiến, vấn đề mà Đoàn Kiểm tra nêu ra, không chỉ đơn thuần để kiểm tra, chất vấn mà qua đó còn là các gợi ý sát thực để tỉnh nghiên cứu, có thêm giải pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà.