Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hòa giải tranh chấp liên quan đến nhiều người cùng bảo lãnh
Ngày cập nhật 14/11/2017

Chị Sương, chị Dung và chị Quế cùng đứng ra bảo lãnh cho chị Mai  vay 300 triệu đồng từ bà Khanh. Phạm vi bảo lãnh là nghĩa vụ trả số tiền gốc 300 triệu đồng, được chia đều cho 3 người. Đến hạn trả nợ, chị Mai không có khả năng trả nợ nên Chị Sương, chị Dung và chị Quế họp bàn về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho chị Mai. Do chị Quế chưa có đủ tiền nên chị Sương thực hiện nghĩa vụ của chị và chị Quế. Riêng chị Dung được bà Khanh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, sau đó bà Khanh vẫn yêu cầu Chị Sương phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ số tiền mà chị Mai đã vay. Chị Sương không đồng ý vì đó không phải là phần nghĩa vụ mà chị thực hiện bảo lãnh. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Trong trường hợp này, hòa giải viên phải áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải ?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 338 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định nhiều người cùng bảo lãnh:

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Điều 341 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:

1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Như vậy, hòa giải viên phải căn cứ Điều 338, 341 Bộ luật Dân sự (năm 2015) giải thích cho các bên hiểu quy định về nhiều người cùng bảo lãnh và miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi Chị Sương, chị Dung và chị Quế cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh. Bên có quyền là bà Khanh có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình. Trường hợp chị Dung phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bà Khanh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho chị Dung thì chị Dung không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ 100 triệu đối với bà Khanh. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ tiền vay (số tiền gốc) của chị Mai lúc này là 200 triệu đồng. Số tiền này đã được chị Sương thay mặt những người bảo lãnh trả nợ cho bà Khanh. Do đó, việc bà Khanh yêu cầu chị Sương phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ số tiền gốc 300 triệu đồng là không đúng pháp luật. Để tránh việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, gây mất trật tự tại khu dân cư, các bên có liên quan nên thỏa thuận việc thực hiện bảo lãnh phù hợp và đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận việc giải các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.636.521
Lượt truy cập hiện tại 8.681