Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Luật Báo chí và Luật Đấu giá tài sản
Ngày cập nhật 27/03/2017

Ngày 23 tháng 3 năm 2017, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Báo chí và Luật Đấu giá tài sản với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu là Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các phòng, ban liên quan. Hội nghị do đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nhấn mạnh: Luật Báo chí thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, cụ thể hóa đầy đủ, chính xác cương lĩnh của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013. Báo chí là phương tiện thông tin tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Luật Đấu giá tài sản tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo hướng từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bổ trợ tư pháp, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản. Với tầm quan trọng đó, hai đạo luật này có những quy định liên quan thiết thực đến các cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp. Vì vậy, Hội nghị triển khai nhằm quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của các luật đến các đại biểu; qua đó triển khai công tác tổ chức thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả. Để thực hiện mục đích đưa pháp luật đi vào cuộc sống, các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần có kế hoạch tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến hai luật này bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật. 

Hội nghị nghe đồng chí Lê Sỹ Minh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Luật Báo chí năm 2016 và đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp triển khai Luật Đấu giá tài sản. Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 05 tháng 4 năm  2016; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 và thay thế Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/1999/QH10. Luật gồm 6 chương 61 điều quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Luật có những điểm mới cơ bản, như: Bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp cho báo chí; về cải chính; bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội...

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017. Luật gồm 8 chương, 81 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Luật tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; thúc đẩy dịch vụ đấu giá tài sản phát triển trong hệ thống các ngành, lĩnh vực dịch vụ theo cơ chế thị trường; tăng cường cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá, trách nhiệm của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản./.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.623.423
Lượt truy cập hiện tại 677