Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tọa đàm đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cáo chất lượng hiệu quả hoạt động của mô hình các câu lạc bộ pháp luật
Ngày cập nhật 26/04/2016

Ngày 21 tháng 4 năm 2016, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mô hình câu lạc bộ pháp luật với sự tham gia của 50 đại biểu là lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế; Công chức Tư pháp – Hộ tịch một số xã, phường, thị trấn và đại điện Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”. Tọa đàm do đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp chủ trì.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, hiện nay có nhiều mô hình Câu lạc bộ với những tên gọi khác nhau, như: Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”... Thông qua hoạt động của mình, các Câu lạc bộ đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh kết quả đạt được, không ít câu lạc bộ hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Từ thực tế đó, Tọa đàm nhằm mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu có ý kiến đánh giá xác thực nhất về thực trạng, hiệu quả hoạt động của các mô hình Câu lạc bộ pháp luật, trong đó chủ yếu là Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng chống tội phạm. Qua đó, xây dựng giải pháp, đồng thời báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền các vấn đề liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ pháp luật.

Trên tinh thần đó, Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc từ những người làm công tác quản lý Nhà nước đến những người trực tiếp là thành viên của các Câu lạc bộ. Khẳng định hiệu quả của các Câu lạc bộ pháp luật trong việc góp phần thiết thực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật cho các thành viên, nhiều Câu lạc bộ còn mở rộng phạm vi hoạt động của mình đến bà con xung quanh. Điển hình là Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý” của phường Phú Hội đã có những phương pháp mang lại kết quả tích cực. Bà Lê Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Hội cho biết “Để thuận lợi cho người dân tham gia sinh hoạt, Câu lạc bộ nhiều khi tổ chức sinh hoạt vào buổi tối, ngay tại các địa điểm khu dân cư, thậm chí tại các chợ để chị em tiểu thương cùng tham gia”. Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng chống tội phạm của trường THPT Nguyễn Chí Thanh phối hợp với Đoàn trường thực hiện sinh hoạt và tuyên truyền pháp luật cho học sinh, chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật trong trường học.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, bất cập trong hoạt động, cụ thể: Thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt, tình trạng một địa phương có nhiều Câu lạc bộ khác nhau với thành phần, nội dung sinh hoạt có lúc trùng nhau dẫn đến hiệu quả không cao, kinh phí để duy trì tổ chức và hoạt động… Trong đó, vấn đề kinh phí hỗ trợ cho Câu lạc bộ được các đại biểu tập trung thảo luận.  Đại diện Sở Tư pháp cho biết, theo cơ chế từ trước đến nay, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý” chủ yếu hoạt động dựa trên nguồn kinh phí do Trung tâm Trợ giúp pháp lý hỗ trợ; Câu lạc bộ “Phòng chống tội phạm” do nguồn kinh phí từ Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” thuộc Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, các nguồn kinh phí này hiện nay rất hạn chế và hầu như các Câu lạc bộ không được cấp, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý.

Từ thực tiễn trên, để duy trì hoạt động các Câu lạc bộ pháp luật một cách hiệu quả, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đa số thống nhất đề nghị xem xét sáp nhập các mô hình Câu lạc bộ pháp luật tại một địa phương để tận dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh trùng lập; các cơ quan quản lý Nhà nước có văn bản hướng dẫn kịp thời để các Câu lạc bộ pháp luật có hướng hoạt động phù hợp…

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp ghi nhận kết quả hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và sẽ tổng hợp, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp để củng cố, tăng cường năng lực hoạt động cho các câu lạc bộ pháp luật. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh một số yêu cầu đối với các cơ quan, địa phương, cụ thể: Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ cho hoạt động của các câu lạc bộ bằng nhiều hình thức; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ cho các Câu lạc bộ pháp luật, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ; Công chức Tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn, tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật theo quy định của pháp luật về ngân sách và quy định về mức chi đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.636.540
Lượt truy cập hiện tại 8.691