Ông Mai Xuân Lạc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 22/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố ngày 06/7/2015 và Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Ngoài sự cần thiết ban hành Luật, Báo cáo viên đã vận dụng những kinh nghiệm thực tiễn công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để đi sâu phân tích những điểm mới cơ bản của Luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có 16 điểm mới cơ bản: Thống nhất hai Luật hiện hành về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thành một Luật; về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật; về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; bổ sung quy trình xây dựng chính sách; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác; sửa đổi, bổ sung một số quy định về soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật; mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội; về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; về việc ban hành văn bản quy định chi tiết; về đăng Công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật; về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; về các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 171).
Ông Nguyễn Hữu Lạc, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh trực tiếp báo cáo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ngày 09/6/2015 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ngày 23/6/2015 Chủ tịch nước ký Lệnh số 02/2015/L - CTN công bố Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/1999. Luật MTTQ Việt Nam ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Qua quá trình triển khai và thi hành Luật, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên. MTTQ Việt Nam các cấp đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng thiết thực, hướng về cơ sở, nhất là các khu dân cư. Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, thông qua việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, giới thiệu Hội thẩm nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở... Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam chủ trì được nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng có hiệu quả. Mối quan hệ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. MTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và các quy định về MTTQ Việt Nam tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gồm 8 chương, 41 điều so với Luật năm 1999, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) tăng thêm 4 chương, 23 điều. đã sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại một điều (Điều 8, nay là Điều 19 mới) của Luật MTTQ năm 1999. Báo cáo viên đã lần lượt giới thiệu những vấn đề trọng tâm của các chương, điều, khoản, đặc biệt lưu ý một số vấn đề hạn chế trong quá trình phối hợp, triển khai thực hiện Luật trong đời sống xã hội hiện nay./.