Với chủ đề “TPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Thừa Thiên Huế”, bà Phạm Chi Lan đã giải đáp rõ các vấn đề mà ông Nguyễn Mậu Chi – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đặt vấn đề “TPP là gì, quy mô TPP như thế nào và khi tham gia vào Hiệp định TPP, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thừa Thiên Huế nói riêng sẽ được lợi ích và gặp những thách thức gì? Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ứng phó ra sao để đón nhận những cơ hội phát triển và khắc phục khó khăn, thách thức?”.
Theo đó, TPP gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử, mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường, nhằm mục đích đảm bảo TPP tận hưởng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ và điều khoản thi hành. TPP đưa vào các vấn đề thương mại mới và các vấn đề xuyên suốt. TPP kết nối một nhóm gồm nhiều nước đa dạng về địa lý, ngôn ngữ và lịch sử, kích thước và mức độ phát triển.
Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam có thêm lợi ích từ việc dỡ bỏ rào cản thuế quan với hầu hết các mặt hàng trong xuất khẩu; các nước TPP cam kết mở cửa khá cao cho Việt Nam, khoảng 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực; nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… Trong nhập khẩu, chi phí thấp hơn và nguồn cung đa dạng hơn, đặc biệt là công nghệ, thiết bị và các sản phẩm trung gian. Thông qua cạnh tranh và hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cải thiện công nghệ và kỹ năng quản lý…
Bên cạnh đó, cần xác định Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP. Các doanh nghiệp FDI đóng góp lớn cho xuất khẩu và có tiềm năng mạnh nên sẽ hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp nội. Dịch vụ và công nghiệp phụ trợ của nước ta kém phát triển nên lợi ích sẽ rơi vào bên cung cấp nhiều hơn. Việt Nam phải mở cửa thị trường cho tất cả 57 nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) làm tăng nguy cơ thua trên sân nhà và nhập siêu tăng cao. Trước thực tế đó, thách thức trong cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam có thể nói là tăng lên trong khi năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp có hạn.
Chính vì vậy, để hội nhập quốc tế, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới. Đối với doanh nghiệp, khẩn trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng chiến lược tăng trưởng; xác định giá trị cốt lõi để chọn sản phẩm mục tiêu và thị trường mục tiêu, từ đó lựa chọn phương thức cạnh tranh. Trên cơ sở sản phẩm mục tiêu, thị trường mục tiêu, phương thức cạnh tranh đã chọn để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng các mối liên kết và phát triển mạng lưới cung ứng để tạo lập thị trường. Hết sức coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp thực hiện, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, đó là sẵng sàng đối thoại về các vấn đề pháp lý. Doanh nghiệp cần nắm thông tin về các cam kết hội nhập và chính sách của Chính phủ, những cải cách sẽ thực hiện; tìm hiểu, trao đổi, đối thoại giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội, các bộ, ngành và cơ quan chính quyền. Nắm thông tin, hiểu các cam kết và quy định liên quan của nước bên đối tác. Hiểu cơ sở pháp lý, cơ chế, quy trình giải quyết tranh chấp. Cẩn trọng khi đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh doanh. Cùng nhau bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước dựa trên cơ sở pháp lý và bằng các công cụ pháp lý, chú trọng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
Qua hội thảo, doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đã định hình rõ nét hơn “bức tranh toàn cảnh” khi Hiệp định TPP có hiệu lực, từ đó xây dựng cho mình hướng đi phù hợp trong hội nhập kinh tế quốc tế.