Mấy hôm nay, mẹ của chị Ngọc bị đau dạ dày, ăn uống không ngon miệng, dẫn tới cơ thể ngày càng xanh xao, ốm yếu. Thấy vậy, chị Ngọc muốn đưa mẹ mình đi thăm khám để điều trị, tuy nhiên khi biết phải nhịn ăn sáng, xét nghiệm máu, nội soi dạ dày, khám tổng quát thì mẹ của chị tỏ ý không muốn đi vì sợ gây mê, sợ đau, sợ tốn kém…Thấy vậy chị Ngọc an ủi mẹ:
- Để kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa, mẹ phải thực hiện nội soi dạ dày thì mới biết bệnh ốm đau thế nào! Việc nội soi gây khó chịu, bị đau nhưng mẹ phải cố gắng, để trị dứt điểm bệnh của mình ạ!
Vừa hay lúc này có chị Lam - y tá tại Phòng y tế của huyện đến thăm, chị Ngọc nhân cơ hội này nhờ chị Lam giải thích, vận động mẹ đi điều trị để sớm khỏi bệnh. Biết được sự lo lắng của mẹ chị Ngọc, chi Lam nhẹ nhàng giải thích về phương pháp nội soi dạ dày và những ưu điểm của phương pháp này cho mẹ chị Ngọc nghe.
- Phương pháp này giúp bệnh nhân không bị lo âu, ám ảnh trước và sau khi soi. Cũng như hạn chế được các hành động nguy hiểm có thể xảy ra từ phía người bệnh như giãy giụa, giật dây soi gây tổn thương ống tiêu hóa. Từ đó giúp kỹ thuật thăm khám được dễ dàng hơn, hình ảnh soi được rõ nét hơn, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Chính vì vậy, đây là phương pháp rất tiên tiến, hiện đại và không gây đau quá cho người bệnh như phương pháp cũ – chị Lam nhấn mạnh.
Mẹ chị Ngọc nghe xong cũng cảm thấy an tâm phần nào, bà nói:
- Dạo này, bụng dạ hay đau thất thường mà đi khám, bác sĩ khuyên lên bệnh viện huyện thực hiện nội soi dạ dày. Mình có bệnh thì phụ thuộc vào bác sĩ, người ta bảo sao thì mình phải nghe thế…
Nghe mẹ chị Ngọc nói vậy, chị Lam vội ngắt lời:
- Bác nói thế, không chính xác hoàn toàn đâu ạ! Một trong những quyền cơ bản của người bệnh là được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh, tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể thì tại Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh như sau:
1. Lựa chọn phương pháp khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra, trừ trường hợp quy định của pháp luật.
2. Chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh.
- Bác biết không? Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã xác định lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao. Đặc biệt, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh
Chị Lam nói tiếp:
- Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thì người bệnh có nhiều quyền như quyền được khám bệnh, chữa bệnh cụ thể; được thông tin, giải thích về tình trạng sức khỏe; phương pháp, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; được hướng dẫn cách tự theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa tai biến; được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh, tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Rồi các quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe và tôn trọng bí mật riêng tư trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cung cấp và giải thích chi tiết về các khoản chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu….Toàn là những quyền cơ bản, gắn trực tiếp với người bệnh giúp cho khám chữa bệnh thuận tiện, an toàn, chính xác…
Mẹ chị Ngọc cảm thấy rất hài lòng với câu trả lời của chị Lam, nhưng bà vẫn thắc mắc trong trường hợp, sau khi khám xong nếu mình không muốn chữa bệnh thì có được không.
Chị Lam trả lời:
- Có chứ bác! Đây cũng là một trong các quyền quan trọng của người bệnh là được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định trong luật. Nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối chữa bệnh của mình sau khi đã được người hành nghề tư vấn, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh. Thậm chí cả trong quá trình chữa bệnh rồi, người bệnh được rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của bác sĩ nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
Mẹ chị Ngọc hỏi:
- Thế người bệnh có những nghĩa vụ gì, hả cháu?
Chị Lam giải thích:
- Theo quy định của pháp luật, người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh như cần cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề; chấp hành và yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, các nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghe chị Lam giải thích, mẹ của chị Ngọc tấm tắc rằng nhà nước có nhiều chính sách tiến bộ quá! Như vậy, người dân sẽ thấy yên tâm để đi khám bệnh, chữa bệnh. Bà quay sang chị Ngọc và nói:
- Ngày mai, con dẫn mẹ đi khám nhé, nghe chị Lam nói, mẹ cảm thấy yên tâm lắm con ạ!
Cả ba cùng cười vui vẻ, kết thúc một ngày dài với nhiều niềm vui.