Tại Công ty K, anh Phúc – Giám đốc Công ty, gọi giật giọng: “Cô Tuyết đâu rồi. Tuyết ơi Tuyết!!!”
Chị Tuyết trả lời anh Phúc “Dạ anh gọi em ah? Có chuyện gì không anh?”
Phòng này có mỗi cô tên Tuyết thôi đấy, tôi không gọi cô thì gọi ai nữa? Tôi đã bảo cô nghiên cứu tài liệu về các nội dung liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, sáng nay báo cáo tôi, kết quả sao rồi? cô báo cáo tôi xem như thế nào?
Chị Tuyết lên tiếng: “Dạ e, mải nghe điện thoại gọi đến nên không để ý anh gọi”. Em đã xem các nội dung liên quan đến dự thảo rồi, anh muốn nghe nội dung nào ạ?”
Anh Phúc: Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định thì tài sản mà pháp luật quy định phải xử lý bằng hình thức đấu giá gồm những tài sản nào?
Chị Tuyết: Dạ, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Tài sản mà pháp luật quy định phải xử lý bằng hình thức đấu giá, bao gồm:
a) Tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
e) Tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
g) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
h) Tài sản là quyền sử dụng kho số viễn thông, quyền sử dụng tên miền internnet theo quy định của pháp luật về viễn thông;
i) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
k) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
l) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải xử lý bằng hình thức đấu giá.”.
Anh Phúc: Được đó, vậy là cô có đọc dự thảo Luật. Vậy, tôi hỏi cô thêm một số vấn đề nữa liên quan đến đào tạo nghề đấu giá nhé! Cô trả lời được không?
Chị Tuyết: Dạ, em đọc sếp nghe dự thảo:
- Khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Đào tạo nghề đấu giá
1. Người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Luật này được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá.
2. Thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Người thuộc trường hợp quy định tại Điều 12 Luật này thì được giảm một phần hai thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá.”
3. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá.”.
- Khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Người được giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá
1. Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người có thời gian làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp từ 05 năm trở lên.
2. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.”.
- Khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như sau:
“2. Thời gian tập sự hành nghề đấu giá là 06 tháng. Tổ chức đấu giá tài sản thông báo danh sách người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức mình cho Sở Tư pháp nơi tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, Sở Tư pháp ghi tên người tập sự vào danh sách người tập sự hành nghề đấu giá. Thời gian tập sự hành nghề đấu giá được tính từ ngày người tập sự được ghi tên.”
Anh Phúc: Tuy cầm điện thoại đọc nhưng có tiến bộ đó, có xem nội dung dự thảo Luật. Vậy, cô nói thử xem trong dự thảo Luật có nội dung gì đặc biệt mà cô quan tâm không?
Chị Tuyết: Dạ, theo em thì khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định bổ sung Điều 43a sau Điều 43 như sau:
“Điều 43a. Điều hành cuộc đấu giá theo trình tự đặc biệt
Trường hợp đấu giá tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều 41 trong trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc khoản 2 Điều 42 trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và điều hành việc trả giá theo một trong các cách thức sau đây:
1. Đấu giá theo số lượng tài sản được thực hiện qua giai đoạn xác định số lượng tài sản trúng đấu giá và giai đoạn xác định vị trí tài sản trúng đấu giá.
Trong giai đoạn xác định số lượng tài sản trúng đấu giá, người tham gia đấu giá đăng ký số lượng tài sản tại mỗi vòng theo bước giá xác định trước. Giai đoạn xác định số lượng tài sản trúng đấu giá kết thúc khi số lượng tài sản đăng ký mua của tất cả người tham gia đấu giá bằng hoặc ít hơn số lượng tài sản được đấu giá. Tại giai đoạn xác định vị trí tài sản trúng đấu giá, người trả giá tại vòng cuối cùng của giai đoạn xác định số lượng tài sản trúng đấu giá tiếp tục trả giá để chọn vị trí tài sản trúng đấu giá.
2. Đấu giá theo vị trí tài sản được thực hiện đồng thời đối với tất cả tài sản đấu giá. Người tham gia đấu giá được quyền thay đổi tài sản đấu giá ở các vòng trả giá khác nhau. Để tiếp tục duy trì quyền trả giá người tham gia đấu giá không phải là người trả giá cao nhất tại vòng trước đó phải trả giá cho tài sản đấu giá đã trả giá ở vòng trước đó hoặc trả giá cho tài sản đấu giá khác. Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn người tham gia đấu giá nào trả giá hoặc không còn người tham gia đấu giá nào còn quyền trả giá đối với tất cả tài sản đấu giá.”
Anh Phúc: Tốt, cô biết tại sao tôi bắt cô phải nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản không?
Chị Tuyết: Dạ, vì liên quan Công ty, sau này phục vụ cho các công việc của Công ty.
Anh Phúc: Cô biết thế là được, những lần trước bảo cô nghiên cứu tài liệu thì cứ viện đủ lý do. Lần này rút kinh nghiệm và chịu khó đọc là tốt rồi. Thôi cô về phòng tiếp tục làm việc nhé.
Chị Tuyết bước ra khỏi phòng sếp, trong lòng đầy vui mừng./.