Một buổi sáng mùa đông trời se lạnh, khi đang thong thả thưởng thức ly trà ấm trước hiên nhà, ông Ba chợt nhìn thấy ông Đồng – tổ trưởng tổ dân phố quần áo chỉnh tề, tay cầm theo cặp tài liệu, cùng một số người trong Ủy ban nhân dân phường vừa đi vừa thảo luận sôi nổi. Nhìn dáng điệu này, ông Ba đoán có lẽ các ông bà ấy vừa tham gia một hội nghị hay cuộc họp nào đó.
Đợi mọi người tản ra, ông Ba vội vàng chạy ra cổng gọi ông Đồng và đon đả:
Ông Ba: Ông tổ trưởng mới đi đâu về mà quần là áo lượt thế ạ, vẫn đang còn sớm mời ông vào nhà tôi làm chén nước trà đã!
Ông Đồng nghe tiếng ông Ba mời mình thì cũng vui vẻ bước vào nhà. Nâng ly trà nóng trên tay, ông kể:
- Sáng nay có các đồng chí ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh về Ủy ban nhân dân phường chúng ta tổ chức hội nghị truyền thông, lấy ý kiến của cán bộ, Nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Tôi đã nghe đài báo đưa tin nhiều rồi nên cũng rất quan tâm, nay có dịp nên tôi cũng xin được tham gia cùng để cho biết đấy ông ạ!
Ông Ba: Thế à? Bây giờ cũng có tổ chức hội nghị truyền thông, lấy ý kiến người dân nữa hả ông?
Ông Đồng: Vậy là ông chưa biết rồi, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Việc tổ chức các Hội nghị truyền thông, góp ý, lấy ý kiến dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ thực hiện Đề án này đấy.
Ông Ba: Ra là vậy, thế thì sáng nay, ông nghe dự thảo Luật ấy có gì mới không? Có điều khoản nào mà ông thấy hay và quan trọng nhất không?
Ông Đồng: Ồ, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có nhiều điểm mới quan trọng lắm đấy, các cán bộ truyền thông mà tôi nghe say sưa quên cả giờ giấc. Trong tài liệu được cấp phát đã có đủ cả, tôi thấy quy định nào cũng cần thiết, nhưng theo tôi, tôi tâm đắc nhất là dự thảo Luật lần này đã có sự bổ sung, mở rộng về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Ông Ba: Là như thế nào vậy? Ông nói rõ hơn tôi nghe thử?
Ông Đồng trịnh trọng đặt ly trà xuống, cẩn thận lấy từ cặp ra một bộ tài liệu, sau khi cẩn thận tra cứu, ông nói:
- Để tôi đọc qua cho ông nghe Điều 3 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực;
e) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
g) Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đi theo chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;
h) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
k) Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 30 của Luật này;
l) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh;
m) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
c) Thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác.
3. Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Nghe ông Đồng đọc xong, ông Ba trầm ngâm: Nói tóm lại, sau khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua, sẽ có thêm 5 nhóm đối tượng được đề xuất bổ sung tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Phải không ông?
Ông Đồng: Đúng rồi đấy, việc mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ Luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước phủ rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Ba: Thì ra là vậy. Thế còn với bảo hiểm xã hội tự nguyện? Dự thảo Luật có bổ sung gì hay là vẫn giữ nguyên những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không ông?
Ông Đồng: À! Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo Luật cũng mở rộng thêm đối tượng như sau:
“…4. Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Ba thắc mắc: Ông Đồng này, nãy giờ tôi thấy dự thảo Luật quy định bổ sung rất nhiều đối tượng, nhưng nếu xảy ra trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải giải quyết như thế nào?
Ông Đồng: Trường hợp này cũng đã được dự thảo Luật quy định rồi, cụ thể như thế này.
“…5. Người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác nhau quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:
a) Người lao động quy định tại các điểm a, k khoản 1 Điều này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
b) Đối tượng quy định tại các điểm b, h khoản 1 Điều này đồng thời cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại điểm a hoặc điểm k khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại các điểm b, h khoản 1 Điều này.
c) Đối tượng quy định tại các điểm h, m khoản 1 Điều này tại hai hay nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tham gia quản lý, điều hành.
d) Đối tượng quy định tại điểm i đồng thời cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại một trong các điểm a, h, k khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại các điểm a, h, k khoản 1 Điều này.
đ) Đối tượng quy định tại điểm i đồng thời cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại một trong các điểm l, m khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại i khoản 1 Điều này.
e) Đối tượng quy định tại các điểm l, m khoản 1 Điều này đồng thời cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại điểm a hoặc điểm k khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a hoặc điểm k khoản 1 Điều này.
g) Dân quân thường trực đồng thời cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điểm i, l khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng Dân quân thường trực.
h) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ và người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
i) Đối tượng quy định tại điểm l và điểm m khoản 1 Điều này đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và không có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”
Ông Đồng: Ông thấy tôi nêu các quy định như vậy thì đã hiểu rõ chưa?
Ông Ba gật gù: Tôi hiểu rồi, thế ông có góp ý gì với Hội nghị về điều khoản này không?
Ông Đồng: Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định này của dự thảo Luật, như tôi đã nói rồi, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là việc hoàn toàn cần thiết, điều này góp phần tăng độ bao phủ của “lưới an sinh” và cũng đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28- NQ/TW năm 2018 về cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ông Ba: Hay quá, có những Hội nghị bổ ích như vậy mà tôi không biết để tham gia. Lần sau nếu địa phương còn tổ chức những hoạt động như vậy, ông nhớ nhắc tôi để tôi tham gia với nhé. Tôi cũng muốn được đóng góp ý kiến của bản thân vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện thể chế của nước nhà.
Ông Đồng: Nhất trí cao!
Cứ như vậy, cả hai ông cùng cười vang và tiếp tục bàn luận sôi nổi về chủ đề những điểm mới tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.