Những ngày cuối năm, trong khi mọi người tất bật, ngược xuôi để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy thì chị Thủy lại buồn bã, chỉ ở nhà và thở dài. Chị vốn đang làm công nhân cho một công ty dệt may, tuy nhiên, do sức khỏe sa sút, không đảm bảo nên chị đành phải xin nghỉ việc. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, chị phát hiện ra, trong suốt quá trình làm việc, công ty không hề đóng bảo hiểm xã hội cho chị như đã thỏa thuận. Chị Thủy đã làm đơn khiếu nại gửi đến giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn của công ty để đề nghị xem xét lại hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho chị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong lúc buồn bã chưa biết phải tìm cách nào tiếp theo thì chị nghe tiếng xôn xao cười nói ngoài cổng. Gác lại phiền muộn trong lòng, chị tò mò đi ra xem thử. Vừa nghiêng đầu ra khỏi tường rào thì chị thấy chị Hoa – hàng xóm nhà sát bên cạnh chị vừa về tới nhà, chị cất tiếng hỏi:
- Chị Hoa ơi, các chị mới đi đâu về mà vui thế?
- Ồ, em Thủy đấy à? Mấy chị em trong Hội phụ nữ phường mới đi dự buổi truyền thông về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi về ấy mà. Có nhiều điều mới nên các chị em đang bàn luận để chiều nay tiếp tục góp ý đấy – chị Hoa vui vẻ đáp.
- Vậy à chị? – chị Thủy tiếp lời – Thế dự thảo Luật có bổ sung quy định nào về việc chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động không chị?
- Có chứ em, dự thảo mới nhất quy định thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng kế tiếp nếu doanh nghiệp chọn đóng theo tháng, đồng thời tách riêng và làm rõ các hành vi chậm đóng, trốn đóng. Chậm đóng áp dụng trong hai trường hợp. Một là chủ doanh nghiệp đã đăng ký cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà sau ngày cuối cùng của tháng tiếp theo (nếu đóng theo tháng) vẫn chưa đóng hoặc đóng chưa đủ tiền. Hai là nộp trong vòng 90 ngày sau thời hạn quy định. Theo dự luật, thời hạn quy định là trong 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, chủ doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động. Ba hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội gồm: Chủ sử dụng chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định; đăng ký và đóng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bắt buộc; chủ doanh nghiệp đã đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho lao động, có khả năng nhưng không đóng.
Chị Hoa vừa đáp vừa lật giở cuốn tài liệu mới được phát – Để chị đọc cụ thể cho em nghe nhé, Điều 36 dự thảo Luật quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
1. Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đăng ký.
b) Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trong vòng 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.
2. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng lao động chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
b) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
c) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng.”
- Dự thảo quy định chi tiết quá chị nhỉ - chị Thủy đáp – Chị ơi, thế nếu mà trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì sẽ bị xử lý như thế nào ạ?
- Vấn đề này cũng đã được quy định trong dự thảo đấy em. Điều 37 dự thảo Luật quy định về việc xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như thế này:
“1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 36 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.
3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.
4. Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
5. Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Nghe chị Hoa nói xong, chị Thủy bất giác thở dài. Như hiểu được chị Thủy có tâm sự trong lòng nên chị Hoa dò hỏi:
- Em đang có chuyện gì khó nói đúng không? Kể cho chị nghe, biết đâu chị có thể giúp được.
Nghe vậy chị Thủy liền kể việc bản thân mình cho chị Hoa nghe. Sau khi nghe xong, chị Hoa nói:
- Nếu em đã làm đơn gửi giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn của công ty để đề nghị xem xét lại hành vi không đóng bảo hiểm xã hội thì em có thể khiếu nại lên Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để được hỗ trợ. Trong trường hợp các cơ quan đơn vị trên không giải quyết cho em hoặc giải quyết mà chị thấy chưa thỏa đáng thì em có thêm một quyền nữa là gửi đơn yêu cầu tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu giải quyết.
- Thật hả chị - nhưng mà kiện cáo thì mệt mỏi lắm chị ơi – mong sao họ cố gắng giải quyết giúp em, chứ mấy hôm nay vì việc này mà em mất ăn mất ngủ.
- Đúng rồi em, đó là quyền lợi của mình mà. Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định giao cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội sau khi đã xử lý hành chính mà vẫn vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố.
Chị Hoa tiếp lời:
- Mặc dù Luật hiện hành trao quyền cho công đoàn khởi kiện ra Tòa án nhưng phải được người lao động ủy quyền. Sự chồng chéo trong các luật khiến hầu như chưa có vụ nào bị xử lý về tội danh trốn đóng, dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố gần 400 vụ. Một nửa trong số này cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, tại dự thảo Luật lần này, nhiều chế tài xử lý cũng được góp ý, đề nghị áp dụng với chủ sử dụng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn chây ì không đóng hoặc đóng không đủ tiền. Với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên thì người đại diện pháp luật, người được ủy quyền sẽ bị hoãn xuất cảnh.
Chị Thủy buồn bã trả lời:
- Vâng ạ, hi vọng sau khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực, với những chế tài mạnh mẽ và cụ thể sẽ góp phần làm giảm thiểu được tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như em.
- Chị cũng hi vọng như vậy. Thế nên bây giờ, nhiệm vụ của chúng ta là cần phải thiết thực tham gia góp ý cho dự thảo Luật. Em biết không, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Cho nên chúng ta càng nghiên cứu, nghiêm túc góp ý thì cũng là một cách để góp sức vào xây dựng nền pháp lý của nước nhà đấy.
- Vâng ạ, vậy chiều nay chị gọi em cùng đi với nhé, em cũng muốn tham gia ạ - chị Thủy tươi cười đáp. Dường như trong ánh mắt của chị đã ánh lên sự tin tưởng và niềm hi vọng rằng mọi vấn đề của chị rồi cũng sẽ được giải quyết tốt đẹp./.