Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Chế độ thai sản theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có gì mới
Ngày cập nhật 13/12/2023

Anh Thắng và chị My có thời gian tìm hiểu nhau đã lâu, cả hai dự định sang năm chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, khi hai anh chị đi thăm khám tiền hôn nhân thì phát hiện sức khỏe của chị My không đảm bảo, rất khó để mang thai. Vì tình cảm giữa hai người rất tốt và hiện nay pháp luật đã có quy định về việc mang thai hộ nên anh chị vẫn quyết định sẽ đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới.

Trong một lần ngồi nói chuyện cùng các đồng nghiệp tại văn phòng, chị My có tâm sự về câu chuyện của bản thân mình. Mọi người đều rất thông cảm với hoàn cảnh của chị My. Đột nhiên chị Lan – đồng nghiệp của chị My thắc mắc:

- Mà mọi người ơi, nếu mà em My nhờ người mang thai hộ thì có được hưởng chế độ thai sản như những người khác không nhỉ?

- Chắc là không đâu, người nào mang thai thôi chứ nhỉ? Chứ đã nhờ mang thai hộ thì sao mà được hưởng?

Cứ như vậy mọi người rôm rả nói chuyện, nghe mọi người bàn luận chị My cũng băn khoăn, không biết mình nhờ người khác mang thai hộ thì có được hưởng chế độ thai sản không nhỉ?

Ôm thắc mắc trong lòng, chị My đi về nhà, vừa đi đường vừa nhớ lại lời mọi người nói, chị chợt nhớ ra mình có một người bạn là chị Minh đang công tác ở Ủy ban nhân dân phường nên chị quyết định tối nay sẽ ghé nhà chị Minh. Vừa là để hỏi thăm sức khỏe, vừa là để giải đáp khúc mắc trong lòng.

Vậy là tối hôm đó, chị My cùng anh Thắng đến nhà chị Minh. Vừa tới nơi, chị Minh đã đon đả mời hai người vào nhà. Sau khi nghe chị My bày tỏ thắc mắc của mình, chị Minh liền tươi cười trả lời:

- Chà, hai người may thật đó, hôm nay Minh vừa tham dự buổi truyền thông về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, chế độ thai sản cũng là một trong số các vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều nhất đó.

- Ôi, bây giờ có cả hoạt động như vậy nữa à Minh? Chị My hỏi

- Ừ, đúng rồi, đây là hoạt động nhằm thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” – được phê duyệt theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đó.

- Ồ, ra là vậy, thế dự thảo Luật quy định như thế nào về trường hợp của mình vậy? – chị My sốt ruột hỏi

- À, tại Điều 53 chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ quy định như sau:

Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng;

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

2. Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 06 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc con đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 6 tháng bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật này.

- Ồ hay quá – chị My reo lên – như vậy là mình vẫn được đảm bảo quyền lợi, được hưởng chế độ thai sản dù cho bản thân nhờ người khác mang thai hộ đúng không Minh?

- Đúng vậy đó My, mà không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người mẹ nhờ mang thai, dự thảo Luật cũng bổ sung và bảo vệ quyền cho người mang thai hộ nữa đấy. Cụ thể thì Điều 52 dự thảo quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ như sau:

1. Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai theo quy định tại Điều 49 của Luật này.

2. Lao động nữ mang thai hộ khi đình chỉ thai nghén được nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

 3. Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 48 của Luật này thì được:

a) Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này.

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

b) Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều này và điểm a khoản này, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 59 của Luật này, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

4. Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật này

- Thế hai bạn đã tìm được người mang thai hộ chưa? – chị Minh hỏi

- Rồi Minh ơi, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật về mang thai hộ thì chúng mình cũng đã tìm được người phù hợp. Thật may là người đó cũng làm việc cùng công ty với mình luôn.

- Vậy thì thuận tiện quá rồi. Vậy My có biết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định như thế nào về thời gian hưởng chế độ khi khám thai và những quyền lợi khác về thai sản không?

- Mình vẫn chưa tìm hiểu vấn đề này, Minh nói cho mình nghe với.

- Ừ nè, tại Điều 49 về thời gian hưởng chế độ khi khám thai quy định như sau:

1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần từ 01 đến 02 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất điều chỉnh thời gian nghỉ việc khám thai của lao động nữ mỗi lần từ 01 đến 02 ngày so với mỗi lần 01 ngày như trước kia.

- Ngoài ra, Điều 50 về thời gian hưởng chế độ khi đình chỉ thai nghén quy định như sau:

1. Khi đình chỉ thai nghén thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) Tối đa 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) Tối đa 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi;

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

- Vậy tốt quá rồi Minh ơi, hi vọng dự thảo Luật sẽ sớm được thông qua và ban hành. Mà qua lần này, có lẽ mình cũng cần phải nghiêm túc tìm hiểu các quy định pháp luật, đặc biệt là các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, để bồi dưỡng kiến thức, phục vụ cuộc sống và công việc của mình.

- Đúng vậy đó My ơi, nếu có gì không rõ cứ hỏi mình nhé!

Vậy là mọi người cùng cười vui vẻ và tiếp tục thảo luận về những quy định mới tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.248
Lượt truy cập hiện tại 9.518