Nhân dịp hôm nay có việc lên Ủy ban nhân dân phường, ông gặp được chị Tình, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, ông liền cất tiếng chào trước:
- Chào chị Tình, phường ta sắp tổ chức hội nghị gì mà thấy các anh chị ở Ủy ban nhân dân tất bật quá vậy chị?
- Chào bác Bính! – chị Tình vui vẻ trả lời – dạ, vài hôm nữa phường chúng ta sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi! Việc tổ chức Hội nghị truyền thông, góp ý, lấy ý kiến dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” được phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo hội nghị thành công, bây giờ chúng cháu đang chuẩn bị tài liệu, giấy mời đấy ạ!
- Ồ, vậy ư? Thế thì hay quá, nhưng mà chị Tình này, không rõ dự thảo Luật lần này có thay đổi, bổ sung gì nhiều không nhỉ? Tôi đang quan tâm đến các quy định liên quan tới dự án tái định cư sau khi bị thu hồi đất mà chưa rõ như thế nào đây!- ông Bính vừa nói vừa lộ vẻ băn khoăn.
- Vậy à bác? Hôm trước cháu cũng được nghe các báo cáo viên cấp tỉnh truyền thông một số nội dung tại dự thảo Luật, để cháu mở tài liệu ra xem nhé!
Nói rồi chị nhanh chóng tìm cuốn tài liệu đã được cấp phát và tra cứu tới quy định về tái định cư.
- A đây rồi, tại Điều 106 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - bản lấy ý kiến Nhân dân - quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
2. Khu tái định cư bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường;
b) Hạ tầng xã hội: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ.
c) Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
3. Lựa chọn địa điểm tái định cư thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi;
b) Tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi đối với trường hợp tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi không có đất để bố trí tái định cư;
c) Tại địa bàn khác có điều kiện tương đương với trường hợp tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí tái định cư.
Ông Bính trầm ngâm:
- Như vậy là so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật có điểm gì mới không chị?
- Dạ, so với Luật hiện hành thì tại dự thảo đã quy định rất rõ về các điều kiện đảm bảo cho khu tái định cư cũng như thứ tự ưu tiên về địa điểm tái định cư thực. Việc quy định cụ thể góp phần ổn định và đảm bảo quyền lợi cho người dân, hộ gia đình thuộc trường hợp bị thu hồi đất đấy ạ.
- Ra là vậy, thế thì tốt quá, nhưng chị xem thử cho bác có quy định nào nói rõ hơn về việc bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở không? Chẳng giấu gì chị, con trai tôi cũng đang thuộc diện di chuyển chỗ ở do đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng đô thị nên thành ra là tôi cũng muốn tìm hiểu thêm.
- Vâng ạ! Chị Tình tươi cười đáp, so với Luật hiện hành thi tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi – bản lấy ý kiến Nhân dân đã quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Tại Điều 107 quy định về Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được bố trí tái định cư.
2. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư.
Nội dung thông báo gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.
3. Người có đất ở bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, dự án nhà ở thì được bố trí tái định cư tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất ở để thực hiện các mục đích khác thì được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có quỹ đất, quỹ nhà tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng. Có cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn.
4. Phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt phải được công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư.
5. Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
6. Trường hợp người có đất ở thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
Trường hợp người có nhà ở chung cư bị thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về nhà ở chung cư không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
7. Chính phủ quy định cụ thể suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và địa phương.”
Sau khi đọc xong, dường như hiểu được ông Bính vẫn còn chưa nắm rõ, chị Tình liền tiếp lời:
- Bác ạ, nhìn chung, tại dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể khu tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi; quy định cụ thể địa điểm bố trí tái định cư; ưu tiên tái định cư tại chỗ. Bổ sung quy định khu tái định cư phải đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại - dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang. Bổ sung quy định bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở có đủ điều kiện bồi thường về đất mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở. Đặc biệt là quy định về trường hợp người có đất ở thu hồi mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ bố trí tái định cư được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Riêng trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi thì sẽ được xem xét hỗ trợ để giao thêm đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở trong.
Ông Bính vừa gật gù vừa nói:
- Tốt quá rồi, cám ơn chị Tình nhé, à mà vài hôm nữa Hội nghị tôi có được tham gia không?
- Dạ có chứ a! các bác Bí thư, Tổ trưởng là đầu mối, cánh tay nối dài của cơ quan nhà nước tới với người dân ở cơ sở nên các bác là đối tượng đầu tiên để chúng cháu mời dự ạ. Sau hội nghị, hi vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của các bác và người dân ạ!
- Tất nhiên rồi – ông Bính hồ hởi đáp – nhất định tôi sẽ nghiên cứu và vận động mọi người cùng tham gia góp ý.
Hai hai bác cháu cùng vui vẻ, câu chuyện về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã kết thúc một buổi sáng đẹp trời của ngày làm việc đầu tuần.