Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tiểu phẩm pháp luật: Tìm hiểu quy định của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Ngày cập nhật 13/12/2023

Hàng ngày, mỗi buổi chiều, các ông trong ngõ nhỏ của xóm thường tụ tập uống trà, bàn chuyện thế sự. Trong xóm này, hầu như các gia đình đều là công chức, viên chức. Thanh niên trong xóm lớn lên đi đều đến các thành phố lớn để lập nghiệp, chỉ còn lại các ông, các bà đã nghỉ hưu hoặc gần sắp đến tuổi nghỉ hưu. Con cháu bận làm ăn xa nên các ông bà hàng xóm rất thân thiết với nhau, có thời gian lại cùng nhau tâm sự, hàn huyên, nói chuyện.

Chiều nay, trong lúc đợi các bà vợ đi chợ, chuẩn bị cơm nước, các ông cũng tập trung tại nhà ông Năm để đánh cờ, nói chuyện.

Tại nhà ông Năm, thường ông có thói quen mở đài nghe thông tin thời sự vào các buổi chiều. Vừa đánh cờ, vừa nghe đài, vừa nói chuyện là thú vui mà các ông lúc nào cũng không muốn bỏ lỡ. Đang mải nghĩ nước cờ tiếp theo thì nghe trên đài có đoạn nói về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Ông Năm: Luật Công chứng đã được ban hành nhưng nay có sửa đổi, chắc là có nhiều điểm mới lắm đây.

Ông Vinh: Chắc là thế rồi ông ạ.

Ông Hải: Vậy công chứng điện tử được hiểu như thế nào hả các ông?

Ông Bốn: (một người am hiểu về pháp luật, có nhiều năm công tác liên quan đến pháp luật) lấy điện thoại ra: “Chờ tôi chút, tôi tìm trên mạng xem. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đây rồi! (Và đọc lớn cho mọi người nghe): Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Công chứng điện tử là việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử tạo ra văn bản công chứng điện tử.” các ông ạ.

Ông Vinh: Thế mình có biết được Giá trị pháp lý của văn bản công chứng không?

Ông Bốn: Đương nhiên là biết rồi. Để tôi đọc tiếp cho các ông nghe: Điều 5 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng:

“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký bằng chữ ký số và có xác nhận của cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.”

Ông Hải: Ổ, đúng là nên biết về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Chúng có liên quan đến những vấn đề hợp đồng, giao dịch hàng ngày này. Vậy, dự thảo Luật có cấm các hành vi nào liên quan đến công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không?

Ông Năm: Sao phải cấm nhỉ?

Ông Vinh: Cấm là đúng, hành vi nào vi phạm thì phải cấm chứ!

Ông Năm, Ông Hải (gật gù đồng ý): Ừ nhỉ, thế ông đọc xem dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cấm các hành vi nào vậy.

Ông Bốn: Khoản 1 Điều 7 dự thảo  Luật Công chứng (sửa đổi) quy định nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:

“a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích hoặc nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác.

c) Công chứng hợp đồng, giao dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

d) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

đ) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc công chứng hoặc thực hiện việc công chứng không đúng quy định pháp luật;

e) Ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;

g) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để đăng ký hành nghề công chứng, đề nghị thành lập, nhận chuyển nhượng hoặc đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng;

h) Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng;

i) Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình;

k) Tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký;

l) Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc phải làm trong giờ hành chính theo quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và có hưởng lương từ công việc đó.

m) Công chứng viên tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới thương mại, đại lý thương mại; tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, giao dịch mà mình nhận công chứng;

n) Công chứng viên đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với công chứng viên khác để thành lập, duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng nhưng không tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng đó; góp vốn, nhận vốn góp, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là công chứng viên để thành lập, duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng;

o) Vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.”

Ông Bốn tiếp tục: Khoản 2 Điều 7 dự thảo  Luật Công chứng (sửa đổi) quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau đây:

“a) Giả mạo người yêu cầu công chứng;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng hoặc để đề nghị bổ nhiệm công chứng viên;

c) Có hành vi gian dối, không trung thực trong quá trình yêu cầu công chứng, làm chứng, phiên dịch;

d) Cản trở hoạt động công chứng;

đ) Đầu tư, góp vốn, nhận góp vốn, liên kết, hợp tác với công chứng viên hoặc tổ chức, cá nhân khác để thành lập, duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng.”

Ông Năm: Vậy, đối với việc bổ nhiệm công chứng viên được quy định như thế nào, Bác thử tìm hiểu xem sao?

Ông Bốn: Vâng. Theo quy định của Điều 8 dự thảo  Luật Công chứng (sửa đổi)  quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên như sau:

“1. Người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có bằng cử nhân luật và có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

c) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;

d) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

đ) Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên quy định tại điểm a, b, đ khoản 1 Điều này.”

Ông Vinh: Vậy, việc đào tạo nghề công chứng được thực hiện như thế nào bác nhỉ?

Ông Bốn: Theo quy định tại Điều 9 dự thảo  Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về đào tạo nghề công chứng như sau:

“1. Người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng.

2. Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Những người sau đây được được đăng ký tham dự khoá đào tạo nghề công chứng 06 tháng:

a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, thẩm tra viên chính ngành toà án, thẩm tra viên chính ngành thi hành án dân sự, chấp hành viên trung cấp ngành thi hành án dân sự, kiểm sát viên, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, điều tra viên trung cấp, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính trong lĩnh vực tư pháp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật từ 05 năm trở lên;

b) Người đã là thẩm phán cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự, chấp hành viên cao cấp ngành thi hành án dân sự, kiểm sát viên cao cấp, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, điều tra viên cao cấp, trợ giúp viên pháp lý hạng III, thanh tra viên cao cấp trong lĩnh vực tư pháp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

c) Luật sư, thừa phát lại đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

d) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật.

4. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề công chứng được cơ sở đào tạo nghề công chứng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.

5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về cơ sở đào tạo nghề công chứng, chương trình khung đào tạo nghề công chứng và việc công nhận tương đương đối với những người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài.”

Ông Hải: Hay nhỉ, bữa nay cái gì nhà nước cũng thông tin công khai, ngay chỉ mới là dự thảo mà cũng đầy đủ nội dung nhỉ!

Ông Bốn: Đúng rồi, truyền thông để lấy ý kiến. Mọi người có quyền đóng góp ý kiến mà?

Ông Vinh: Vậy, chúng ta có được tham gia góp ý trực tuyến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) này không?

Ông Bốn: Đương nhiên là được rồi, tôi đang đọc dự thảo cho các ông nghe nãy giờ đó.

Ông Năm: Hay quá, vậy chúng ta cùng bàn luận những nội dung khác liên quan đến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để tham gia góp ý dự thảo này cho hết thời gian luôn.

Ông Bốn, ông Hải, ông Vinh: Cùng đồng thanh, được đó.

Cứ thế, các ông bàn luận sôi nổi về các quy định của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), cho đến khi trời tối, mỗi người về nhà của mình để chuẩn bị dùng bữa tối./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.248
Lượt truy cập hiện tại 10.068