1. Ông Nhân sống gần một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Gần đây ông nhận thấy cảnh quan môi trường xung quanh cơ sở này có dấu hiệu xấu đi, do đó ông đã đề nghị chủ cơ sở có biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chủ cơ sở từ chối và cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường đất là của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Trường hợp này, hành vi của chủ cơ sở có phù hợp quy định pháp luật hay không?
Trả lời:
Điều 11 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường đất như sau:
1. Việc triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
2. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm, suy thoái đất và được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm phải bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường, cản trở dòng chảy; trả lại đất đúng với trạng thái mặt đất theo yêu cầu của cơ quan giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Căn cứ quy định nêu trên, trách nhiệm bảo vệ môi trường đất không chỉ thuộc về cơ quan, tổ chức mà còn là trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Do đó, chủ cơ sở phải có biện pháp bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường theo quy định.
2. Anh Lý là người dân địa phương, anh được biết khu đất gần nhà anh là khu vực có kho chứa hóa chất đã đóng cửa và di dời đi nơi khác. Anh muốn biết đối với khu đất này có cần phải đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất hay không?
Trả lời:
Điều 12 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất như sau:
1. Khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất bao gồm:
a) Khu vực bị nhiễm độc hóa chất trong chiến tranh;
b) Khu vực có khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, làng nghề đã đóng cửa hoặc di dời;
c) Khu vực có cơ sở sản xuất đã đóng cửa hoặc di dời thuộc một trong các loại hình sau: khai thác, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết); lọc, hóa dầu; nhiệt điện (trừ sử dụng khí, dầu DO); tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; có công đoạn mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất nguy hiểm; sản xuất pin, ắc quy;
d) Khu vực ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
2. Điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất bao gồm điều tra, đánh giá sơ bộ và điều tra, đánh giá chi tiết.
Căn cứ quy định nêu trên thì khu vực có kho chứa hóa chất đã đóng cửa hoặc di dời là khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất theo quy định.
3. Chị Hoa đang tìm hiểu một số quy định về vùng môi trường, chị được biết môi trường được phân theo nhiều vùng khác nhau. Chị hiện đang sinh sống tại nội thành của đô thị loại I, vậy, khu vực này được xếp vào vùng môi trường nào?
Trả lời:
Điều 22 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định chung về phân vùng môi trường như sau:
1. Việc phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác được thực hiện theo tiêu chí về yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
2. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
a) Khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;
b) Nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
c) Khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản;
d) Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
đ) Vùng lõi của di sản thiên nhiên (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Vùng hạn chế phát thải bao gồm:
a) Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt quy định tại khoản 2 Điều này (nếu có);
b) Vùng đất ngập nước quan trọng đã được xác định theo quy định của pháp luật;
c) Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;
d) Khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;
đ) Khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.
4. Vùng khác là khu vực còn lại trên địa bàn.
Căn cứ quy định nêu trên, khu nội thành của đô thị loại I theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
4. Khu vực nơi gia đình bà Cúc sinh sống đang có một dự án xây dựng diễn ra. Do đây là một dự án quan trọng nên cần có sự tham vấn trong đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên bà Cúc không được tham dự buổi tham vấn dù nơi bà sống bị ảnh hưởng tiếng ồn từ các hoạt động của dự án gây ra. Trường hợp này, việc bà Cúc không được tham vấn có phù hợp với quy định pháp luật không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định tham vấn trong đánh giá tác động môi trường như sau:
1. Đối tượng tham vấn:
a) Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.
Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp được thực hiện thông qua hình thức tham vấn họp lấy ý kiến;
b) Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án; Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý; cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi; cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với các dự án có liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng (nếu có).
Việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua hình thức tham vấn bằng văn bản.
Như vậy, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của tiếng ồn do dự án gây ra là đối tượng tham vấn theo quy định pháp luật. Việc không mời bà Cúc đến tham vấn là chưa phù hợp với các quy định về bảo vệ môi trường.
5. Ông Đức là chủ một dự án xây dựng được yêu cầu thực hiện tham vấn trong đánh giá tác động môi trường. Ông được biết việc tham vấn hiện nay được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông muốn biết pháp luật quy định như thế nào về các hình thức tham vấn?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định tham vấn trong đánh giá tác động môi trường như sau:
3. Hình thức tham vấn:
a) Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử:
Trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án;
b) Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến:
Chủ dự án chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trước thời điểm họp ít nhất là 05 ngày. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến.
Chủ dự án có trách nhiệm trình bày nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại cuộc họp tham vấn. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp tham vấn cộng đồng theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
c) Tham vấn bằng văn bản:
Chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến các đối tượng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này kèm theo văn bản tham vấn theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản có trách nhiệm phản hồi bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tham vấn. Trường hợp không có phản hồi trong thời hạn quy định được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, pháp luật hiện nay quy định 03 hình thức tham vấn gồm: Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử; Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến và tham vấn bằng văn bản.
6. Bà Minh là thành viên của làng nghề tại địa phương. Bà được biết có thông tin địa phương đang xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Bà không rõ nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề có bao gồm thông tin về quy mô sản xuất của làng nghề hay không?
Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề như sau:
3. Nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm:
a) Thông tin chung về làng nghề;
b) Loại hình, quy mô sản xuất của làng nghề;
c) Tình trạng phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; các công trình bảo vệ môi trường của làng nghề;
d) Kế hoạch xây dựng, triển khai, vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý khí thải, nước thải, khu vực tập kết chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn (nếu có) và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác;
đ) Chương trình quan trắc, giám sát chất thải theo quy định;
e) Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường; nhu cầu kinh phí thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề;
g) Kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại địa phương hoặc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề cũng bao gồm thông tin chung về làng nghề và loại hình, quy mô sản xuất của làng nghề.
7. Anh Hiếu là thành viên của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Để đảm bảo công việc hiệu quả anh thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các hộ gia đình trong làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có môt số hộ phản đối và cho rằng đó không phải là nhiệm vụ của anh Hiếu. Vậy trường hợp này, việc anh Hiếu nhắc nhở các hộ gia đình như trên có phù hợp với quy định pháp luật hay không?
Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề như sau:
4. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề được Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập; hoạt động theo quy chế do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành và có trách nhiệm sau đây:
a) Tham gia quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Phổ biến, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện các quy định bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 Nghị định này;
c) Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;
d) Tham gia, phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở trong làng nghề khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
đ) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về hiện trạng hoạt động, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; khi phát hiện dấu hiệu về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong làng nghề;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề có trách nhiệm phổ biến, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; do đó, việc làm của anh Hiếu là phù hợp với quy định của pháp luật
8. Gần đây, một số người dân phát hiện cơ sở sản xuất giấy thủ công của bà Trâm (thuộc làng nghề của địa phương) không có hệ thống thoát nước thải theo quy định gây ô nhiễm môi trường và đã nhắc nhở bà. Tuy nhiên bà Trâm cho rằng công trình bảo vệ môi trường của cơ sở đã đáp ứng yêu cầu nên không cần xây thêm hệ thống thoát nước thải nữa. Vậy, trường hợp này, công trình bảo vệ môi trường của cơ sở của bà Trâm có đảm bảo theo quy định pháp luật không?
Trả lời:
Điều 34 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề như sau:
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công trình bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề.
2. Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
3. Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
5. Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công trình bảo vệ môi trường của cơ sở của nhà bà Trâm không có hệ thống thoát nước thải là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
9. Công ty A.C chuyên sản xuất các sản phẩm có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, do đó, công ty yêu cầu nhân viên thiết kế dán nhãn hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy để dán lên sản phẩm. Tuy nhiên dán nhãn được thiết kế không ghi tên chất ô nhiễm khó phân hủy. Điều này có phù hợp với quy định pháp luật hay không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy
2. Dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ của nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Nội dung thể hiện trên nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm: tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị hoặc thông tin về việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến chất ô nhiễm khó phân hủy và các thông tin khác theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, dán nhãn hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu về vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ và nội dung thể hiện trên nhãn bao gồm: tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy. Nếu dán nhãn được thiết kế không ghi tên chất ô nhiễm khó phân hủy thì chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
10. Bà Lâm dự định mở mới khu kinh doanh tại khu đất của gia đình. Tuy nhiên bà thắc mắc muốn biết hiện nay pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung?
Trả lời:
Điều 47 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định chung về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung như sau:
1. Các phân khu chức năng trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải được quy hoạch bảo đảm các điều kiện sau: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng và cộng sinh công nghiệp.
2. Các dự án trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
3. Khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn.
4. Khuyến khích thành lập mới hoặc chuyển đổi các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Như vậy, bà Lâm cần đảm bảo quy định chung về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
11. Anh Nam dự định thực hiện mô hình nông nghiệp “vườn – ao – chuồng”, theo đó, anh muốn sử dụng nước thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên vợ anh cho rằng pháp luật về môi trường không cho phép sử dụng chất thải chăn nuôi làm nước tưới. Anh phân vân muốn biết thông tin do vợ anh cung cấp có đúng hay không?
Trả lời:
Điều 51 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác như sau:
1. Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi nông hộ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
2. Việc sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc làm thức ăn cho thủy sản được thực hiện như sau:
a) Chất thải chăn nuôi chỉ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thuỷ sản khi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Việc vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại phải sử dụng phương tiện, thiết bị đảm bảo kín khít, không bị tràn đổ, rò rỉ, không gây ô nhiễm môi trường.
3. Việc sử dụng chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại để sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng.
Căn cứ quy định nêu trên, anh Nam có thể sử dụng nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi nông hộ làm nước tưới cho cây trồng, tuy nhiên phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
12. Anh Tiến dự định đầu tư một cơ sở dịch vụ hỏa táng tại địa phương. Ngoài các điều kiện, yêu cầu về xây dựng, anh thắc mắc không rõ cơ sở dịch vụ hỏa táng có cần đảm bảo các điều kiện về khoảng cách từ cơ sở hỏa táng tới khu dân cư hay không?
Trả lời:
Điều 55 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng như sau:
1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy định của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, trừ trường hợp đặc thù quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Địa điểm mai táng không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt; cơ sở hỏa táng phải đặt ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu dân cư;
b) Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ hỏa táng phải có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
c) Khí thải phát sinh từ việc hỏa táng phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
d) Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở mai táng, hỏa táng phải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;
đ) Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ theo quy định pháp luật về xây dựng; có hệ thống thu gom và thoát nước riêng cho nước mưa;
e) Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
3. Việc mai táng, hỏa táng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo tại khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo và các cơ sở tôn giáo khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, dự án đầu tư cơ sở dịch vụ mai táng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó có khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào cơ sở hỏa táng tới khu dân cư.
13. Ông Xê là cán bộ hưu trí của địa phương, gần đây ông được biết pháp luật có quy định về vệc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn. Ông muốn biết quy định cụ thể về điều này để có thể tuyên truyền, phổ biến cho gia đình và bạn bè nhằm góp phần bảo vệ môi trường địa phương tốt hơn?
Trả lời:
Điều 68 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn như sau:
Việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường và một số quy định cụ thể sau:
1. Sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn quy định tại Điều 138 Nghị định này.
2. Giảm thiểu chất thải rắn phát sinh thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm.
3. Việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ;
b) Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng;
c) Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ;
d) Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật;
đ) Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật;
e) Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
4. Khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.
5. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện theo quy định của Nghị định này về thu gom, vận chuyển chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.
Như vậy, ông Xê căn cứ quy định trên để tuyên truyền, phổ biến cho gia đình và bạn bè nhằm góp phần bảo vệ môi trường địa phương.