1. Bà Oanh trú tại xã A huyện P, tỉnh T là đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Vừa qua, để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh của con gái nên bà quyết định chuyển đến phường K huyện L tỉnh T cư trú. Vì hiện nay UBND xã A đang chi trả trợ cấp cho bà nên bà băn khoăn sau khi đến cư trú tại nơi ở mới thì bà cần phải làm thủ tục gì để tiếp tục được hưởng trợ cấp?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định thủ tục quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng khi đối tượng thay đổi nơi cư trú giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối tượng thay đổi nơi cư trú có văn bản đề nghị gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại nơi cư trú cũ, sau đó gửi văn bản kèm theo hồ sơ của đối tượng đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú mới của đối tượng;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú mới xác nhận và chuyển hồ sơ của đối tượng đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho đối tượng. Thời gian hưởng ngay sau tháng ghi trong quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cũ của đối tượng.
Căn cứ quy định nêu trên, khi bà Oanh thay đổi nơi cư trú thì phải có văn bản đề nghị gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A huyện P, tỉnh T, nơi bà đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng để thực hiện thủ tục tiếp tục được hưởng trợ cấp tại nơi cư trú mới.
2. Do mắc chứng nghiện rượu nặng nên anh Thắng thường xuyên đe dọa chị Lệ (vợ anh Thắng) đưa tiền để anh mua rượu uống. Mỗi lần uống say anh thường đánh đập, hành hung khiến chị Lệ nhiều lần nhập viện để điều trị. Chị Lệ được biết pháp luật có quy định về việc chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng, chị muốn biết liệu trường hợp của chị có thuộc đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng không?
Trả lời:
Điều 18 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định các đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng như sau:
1. Đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng bao gồm:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
b) Đối tượng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này;
c) Đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.
2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm:
a) Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
c) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;
d) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này là không quá 03 tháng. Trường hợp hết thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng mà hộ gia đình, cá nhân không nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hộ gia đình, cá nhân khác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời hoặc có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội theo quy định.
Căn cứ các quy định nêu trên, chị Lệ là nạn nhân của bạo lực gia đình, do đó, chị thuộc đối tượng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng.
3. Cháu Hải là trẻ lang thang xin ăn, trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú cháu được gia đình chị Hoa nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Cháu Hải thể trạng sức khỏe không tốt nên thường xuyên phải thăm khám tại bệnh viện. Tuy nhiên, do cháu là trẻ lang thang nên không có bảo hiểm y tế. Chị Hoa muốn biết trường hợp cháu Hải không có bảo hiểm y tế nhưng phải điều trị tại bệnh viện thì có được hỗ trợ chi phí hay không?
Trả lời:
Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định các chế độ đối với đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này được hưởng các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
b) Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
c) Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;
d) Hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
2. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ theo quy định sau đây:
a) Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;
c) Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khoản 2 Điều này.
Như vậy, cháu Hải thuộc đối tượng trẻ lang thang xin ăn, trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú, do đó, cháu sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dù không có thẻ bảo hiểm y tế.
4. Do thương cảm với hoàn cảnh của cháu Liên (là trẻ có cả cha và mẹ bị chết mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng) nên anh Hùng quyết định nhận chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Tuy nhiên, do anh chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, bên cạnh đó anh còn đang phụng dưỡng mẹ già nên anh muốn biết việc chăm sóc cháu Liên có được hỗ trợ gì hay không?
Trả lời:
Điều 20 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định các chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng như sau:
1. Hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 1, điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a) Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
b) Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, đối tượng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này.
2. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a) Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;
Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
b) Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).
d) Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:
- Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.
3. Được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
4. Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khoản 3 Điều này.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi nhận nuôi dưỡng và chăm sóc cháu Liên, anh Hùng sẽ được hỗ trợ kinh phí và được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
5. Thời gian gần đây, ông Nhã (trưởng thôn) nhận được nhiều thắc mắc của người dân về việc trong thôn có nhiều đối tượng cần được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng. Một số người dân ngỏ ý nhận nuôi nhưng không rõ thủ tục thực hiện thế nào. Do vậy, ông Nhã thắc mắc việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng phải thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Điều 21 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng như sau:
1. Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định này.
2. Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định này thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trưởng thôn lập danh sách đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và cá nhân hoặc hộ gia đình có đủ điều kiện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc địa bàn thôn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đưa đối tượng và bàn giao cho tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng ngay sau khi có quyết định hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Thủ tục đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 18 Nghị định này thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối tượng hoặc người giám hộ của đối tượng có đơn kèm theo biên bản về vụ việc bạo hành, xâm hại và văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội nơi trẻ em, người lang thang xin ăn không có nơi cư trú ổn định bị bạo hành, xâm hại có trách nhiệm lập hồ sơ;
b) Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra, xác minh và có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đưa đối tượng và bàn giao cho tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng ngay sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông Nhã cần lập danh sách đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và cá nhân hoặc hộ gia đình có đủ điều kiện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc địa bàn thôn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng theo quy định.
6. Do các con đã lớn và đi làm ăn xa nên hiện nay bà Chính đang sống một mình. Bà được biết trong thôn có trẻ em lang thang xin ăn cần được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú nên bà mong muốn được nhận nuôi và giúp đỡ. Tuy nhiên, bà không rõ liệu mình có đủ điều kiện để được nhận hay không và trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng là gì?
Trả lời:
Điều 22 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:
1. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em;
c) Có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em;
đ) Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và b khoản này.
2. Trường hợp ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này không bảo đảm điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này vẫn được xem xét hưởng chính sách quy định tại Điều 12 Nghị định này.
3. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện để trẻ em được đi học, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí;
b) Bảo đảm chỗ ở an toàn, vệ sinh cho trẻ em;
c) Đối xử bình đẳng đối với trẻ em;
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em:
a) Có hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi;
c) Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn đủ khả năng bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
d) Vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Như vậy, bà Chính muốn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải bảo đảm các điều kiện và thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định nêu trên.
8. Chị Ánh là công nhân nhà máy dệt, do kính tế khó khăn nên hiện chị đang thuê phòng trọ để ở. Tuy nhiên, chị không ở ổn định mà thường xuyên đổi chỗ trọ. Vừa qua chị có nghe nói về hoàn cảnh của chị Phú (người khuyết tật đặc biệt nặng) nên chị muốn biết liệu chị có đủ điều kiện để được nhận chăm sóc và nuôi dưỡng chị Phú hay không?
Trả lời:
Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và người cao tuổi đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
1. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm điều kiện và trách nhiệm sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Có sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi;
c) Có nơi ở ổn định và nơi ở cho người khuyết tật, người cao tuổi;
d) Có điều kiện kinh tế;
đ) Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và b khoản này.
2. Trường hợp không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật:
a) Có hành vi đối xử tệ bạc đối với người cao tuổi, người khuyết tật;
b) Lợi dụng việc nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi;
c) Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật;
d) Vi phạm nghiêm trọng quyền của người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Căn cứ quy định nêu trên, do chị Ánh chưa có nơi ở ổn định và điều kiện kinh tế khó khăn nên chị Ánh chưa đủ điều kiện để được nhận chăm sóc và nuôi dưỡng chị Phú.
9. Cháu Phong (17 tuổi) là đối tượng được chăm sóc và nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và hiện cháu đang theo học trường phổ thông trên địa bàn. Tuy nhiên, cháu e ngại rằng mình sau khi được nhận nuôi tại cơ sở trợ giúp xã hội thì chỉ được hỗ trợ ăn ở chứ không được đi học. Cháu muốn biết mình có được tiếp tục đi học hay không?
Trả lời:
Điều 26 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm như sau:
1. Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng trẻ em quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định này từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
3. Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.
4. Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định này từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
5. Đối tượng quy định tại khoản 1 và 3 Điều 24 Nghị định này từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, cháu Phong đang theo học tại trường phổ thông thì sẽ tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
10. Anh Nhân là nhân viên công tác xã hội của thành phố. Vừa qua anh nhận được phản ánh về việc tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội với một số đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp. Anh muốn biết ai là người có thẩm quyền tiếp nhận và hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội gồm những gì?
Trả lời:
Điều 27 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thẩm quyền, hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
1. Thẩm quyền tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội: Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở. Đối với cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện quản lý thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa đối tượng vào cơ sở.
2. Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này, gồm:
a) Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy khai sinh đối với trẻ em, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi phải làm thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch;
c) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp là người khuyết tật;
d) Xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp bị nhiễm HIV;
đ) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
e) Giấy tờ liên quan khác (nếu có);
g) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (nếu vào cơ sở của tỉnh);
h) Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.
3. Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này, bao gồm:
a) Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân của đối tượng (nếu có);
c) Biên bản đối với trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa đến an toàn của đối tượng;
d) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đối tượng đang ở hoặc nơi phát hiện thấy cần sự bảo vệ khẩn cấp;
đ) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở (nếu vào cơ sở của tỉnh);
e) Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.
4. Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội đối với đối tượng tự nguyện, bao gồm:
a) Hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của đối tượng.
Như vậy, người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở, đối với cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện quản lý thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa đối tượng vào cơ sở. Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thực hiện theo quy định nêu trên.
11. Chị Lý nắm được thông tin tại địa bàn sinh sống có một đối tượng là trẻ em bị khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Chị muốn biết thủ tục tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thủ tục tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
1. Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối tượng hoặc người giám hộ có giấy tờ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 27 Nghị định này gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xét duyệt và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 07 ngày làm việc, trừ những thông tin về HIV của đối tượng;
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;
d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội thuộc thẩm quyền quản lý hoặc có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét chuyển hồ sơ đến người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;
đ) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và chuyển hồ sơ của đối tượng đến cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn quản lý; sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;
e) Trường hợp đối tượng không được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, thủ tục tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện theo các quy định pháp luật nêu trên.
12. Cháu Thông hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội. Vừa qua, cháu được giới thiệu làm con nuôi trong gia đình của anh Quân chị Minh. Như vậy, trường hợp này, cháu Thông có bị dừng trợ giúp xã hội hay không?
Trả lời:
Điều 30 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thẩm quyền, điều kiện, thủ tục dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
1. Thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội: Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng. Đối với cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện quản lý thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng.
2. Điều kiện dừng trợ giúp xã hội:
a) Kết thúc quản lý trường hợp theo quyết định của người đứng đầu cơ sở;
b) Người giám hộ, gia đình hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Đối tượng được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật con nuôi;
d) Đối tượng đủ 16 tuổi. Trường hợp từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi;
đ) Cơ sở trợ giúp xã hội không có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp cho đối tượng;
e) Đối tượng không liên hệ trong vòng 1 tháng;
g) Đối tượng đề nghị dừng hoạt động trợ giúp xã hội;
h) Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;
i) Kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội;
k) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục dừng trợ giúp xã hội:
a) Đối tượng sử dụng dịch vụ hoặc người giám hộ, thân nhân hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc cha mẹ nuôi quy định tại điểm b, c, d, g khoản 2 Điều này có đơn đề nghị theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định này gửi người đứng đầu cơ sở dừng trợ giúp xã hội (nếu có);
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng thuộc quyền quản lý; người đứng đầu cơ sở quyết định dừng trợ giúp xã hội;
c) Lập biên bản bàn giao đối tượng về gia đình, cộng đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thanh lý hợp đồng dịch vụ trợ giúp xã hội.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, nếu cháu Thông được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật con nuôi thì cháu sẽ đủ điều kiện để dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội