1. Em trai anh Cảnh bị nghiện ma túy. Sau khi thuyết phục em trai tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy thì anh Cảnh lo lắng do gia đình thuộc hộ nghèo không thể lo chi phí cai nghiện. Nên anh Cảnh hỏi: Nhà nước có chế độ, chính sách gì đối với trường hợp của em trai anh không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 1, khoản 2 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định như sau:
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường đối với các đối tượng sau:
a) Thương binh;
b) Người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Người thuộc hộ nghèo;
d) Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa;
đ) Trẻ em mồ côi;
e) Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Căn cứ quy định trên, em trai anh Cảnh sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường.
2. Chị Hoa ở xã HP, thị xã HT hỏi: Em trai tôi nghiện ma túy và đang trong thời gian chờ làm thủ tục đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy. Vậy, trong thời gian này gia đình tôi có trách nhiệm gì không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý người nghiện ma túy có trách nhiệm:
a) Không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật;
b) Bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
c) Báo cáo kịp thời với cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật;
d) Cơ sở quản lý có trách nhiệm quản lý, giáo dục, tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác đối với người nghiện ma túy.
Như vậy, gia đình chị Hoa có trách nhiệm quản lý người nghiện ma túy theo viện dẫn trên.
3. Anh Tiến ở xã HP, thị xã HT hỏi: Con tôi phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, con trai tôi đang ốm nặng. Vậy, cháu có được hoãn chấp hành quyết định không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 1, khoản 2 Điều 57 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định như sau:
1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận trên cơ sở ý kiến đề nghị của Công an cấp xã.
2. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành. Công an cấp xã có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu để xác định thời điểm các điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn.
Như vậy, con trai anh Tiến đang ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thì sẽ được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Chị Thanh ở phường HV, thị xã HT hỏi: Phụ nữ đang mang thai phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có được miễn chấp hành quyết định không?
Khoản 1, khoản 3 Điều 57 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định như sau:
1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận trên cơ sở ý kiến đề nghị của Công an cấp xã.
3. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại Khoản 1 Điều này mà người đó tự nguyện cai nghiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không nghiện ma túy;
c) Phụ nữ đang mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.
Như vậy, phụ nữ đang mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên được miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Con trai chị Thoa đã chấp hành một nửa thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện. Do đó, chị Thoa hỏi: Tôi được biết thời gian cai nghiện có thể được giảm từ 01 đến 03 tháng. Vậy, để giảm thời hạn chấp hành 3 tháng thì con trai tôi có phải đảm bảo điều kiện gì không?
Khoản 1 Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định điều kiện giảm thời hạn cai nghiện bắt buộc như sau:
a) Giảm thời hạn từ 01 đến 03 tháng đối với người đã chấp hành một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, có ít nhất 03 tháng gần nhất được xếp loại từ khá trở lên quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện tại cơ sở;
b) Giảm thời hạn từ 03 đến 06 tháng đối với người đã chấp hành một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, lập công, có ít nhất 03 tháng gần nhất được xếp loại từ khá trở lên theo quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện tại cơ sở.
Căn cứ quy định trên, để được giảm thời hạn cai nghiện bắt buộc từ 01 đến 03 tháng, con trai chị Thoa phải chấp hành một nửa thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện có ít nhất 03 tháng gần nhất được xếp loại từ khá trở lên quy chế quản lý, đánh giá kết quả học tập, cai nghiện tại cơ sở.
6. Anh Sanh ở phường TH, thành phố H hỏi: Con trai tôi (18 tuổi) đang cai nghiện ma túy bắt buộc bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù. Vậy, cháu có phải chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 3 Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định điều kiện miễn chấp hành phần thời gian thi hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
a) Người trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định nếu người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công;
b) Người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài từ 06 tháng trở lên;
c) Phụ nữ mang thai;
d) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đang cai nghiện bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo thì được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, con trai anh Sanh được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
7. Em trai anh Vĩnh đang điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện M. Do đó, anh Vĩnh hỏi: Ngoài định mức tiền ăn hàng tháng thì các chế độ khác của người cai nghiện như quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ ăn, mặc và đồ dùng sinh hoạt cá nhân như sau:
1. Định mức tiền ăn hàng tháng của người cai nghiện bằng 0,8 mức lương cơ sở hiện hành. Ngày lễ, Tết dương lịch người cai nghiện được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết nguyên đán người cai nghiện được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường; chế độ ăn đối với người cai nghiện bị ốm do Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định theo chỉ định của nhân viên y tế điều trị, nhưng không thấp hơn 03 lần tiêu chuẩn ngày thường.
2. Định mức tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với người cai nghiện nữ hàng năm của người cai nghiện bằng 0,9 mức lương cơ sở hiện hành.
3. Các định mức quy định tại Khoản 1 Khoản 2 nêu trên là mức tối thiểu, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh định mức cho phù hợp.
Như vậy, ngoài định mức tiền ăn hàng tháng, pháp luật còn quy định về định mức tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với người cai nghiện nữ hàng năm của người cai nghiện bằng 0,9 mức lương cơ sở hiện hành.
8. Chồng chị Huyền bị tai nạn trong thời gian lao động tại cơ sở điều trị cai nghiện ma túy. Do đó, chị Huyền hỏi: Việc chi trả chi phí điều trị cho chồng tôi được quy định như thế nào?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Khoản 3 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chi trả chi phí điều trị như sau:
a) Trường hợp người cai nghiện được tạm đình chỉ thi hành quyết định đưa về gia đình điều trị, thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám, chữa bệnh.
b) Trường hợp người cai nghiện có bảo hiểm y tế thì kinh phí khám, chữa bệnh cho người cai nghiện do bảo hiểm y tế chi trả theo quy định. Trường hợp người cai nghiện không có bảo hiểm y tế thì kinh phí khám, chữa bệnh cho người cai nghiện do ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi của cơ sở cai nghiện ma túy. Cơ sở cai nghiện bắt buộc trực tiếp thanh toán tiền viện phí cho bệnh viện nơi người cai nghiện được điều trị.
c) Trường hợp người cai nghiện bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì cơ sở cai nghiện phải tổ chức điều trị và làm thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.
Căn cứ quy định nêu trên, cơ sở cai nghiện phải tổ chức điều trị cho chồng chị Huyền và làm thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.
9. Chị Sen ở phường AD, thành phố H hỏi: Con trai tôi đang điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện H. Vậy, thời gian lao động của người cai nghiện là bao nhiêu giờ trong một ngày?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 68 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ lao động, lao động trị liệu như sau:
1. Thời gian lao động, lao động trị liệu của người cai nghiện ma túy không quá 08 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
2. Trường hợp cơ sở cai nghiện tổ chức lao động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động để tổ chức lao động thì phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật lao động; người cai nghiện phải đăng ký với cơ sở cai nghiện và được hưởng thành quả của lao động theo quy định.
Căn cứ quy định nêu trên, Thời gian lao động của người cai nghiện ma túy không quá 08 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
10. Con trai chị Trang (16 tuổi) đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện L. Do đó, chị Trang hỏi: Tôi có thể thăm con trai bao nhiêu lần trong một tháng?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 69 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện như sau:
1. Người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
Người cai nghiện có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng, tổ chức phòng riêng để học viên thăm gặp vợ hoặc chồng.
2. Cơ sở cai nghiện xây dựng quy chế thăm gặp theo theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Người cai nghiện được nhận và gửi thư, nhận tiền, quà (trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm). Cơ sở cai nghiện có trách nhiệm kiểm tra thư và các loại quà trước khi trao cho người cai nghiện. Riêng tiền hoặc giấy tờ có giá, người cai nghiện phải gửi vào bộ phận lưu ký của cơ sở cai nghiện bắt buộc và được sử dụng theo quy chế của cơ sở cai nghiện.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Trang sẽ được thăm con trai một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
11. Chồng chị Dung đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện T. Do đó, chị Dung hỏi: Bố chồng tôi vừa qua đời. Vậy, chồng tôi có được về chịu tang bố? Nếu được phép thì thời gian chịu tang là bao lâu?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 70 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ chịu tang như sau:
1. Khi bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì người cai nghiện được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
2. Trình tự thủ tục giải quyết chế độ chịu tang:
a) Gia đình người cai nghiện làm đơn đề nghị cho người cai nghiện về chịu tang, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người cai nghiện cư trú gửi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: họ tên, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mối quan hệ với người cai nghiện, thời gian đề nghị cho người cai nghiện được về chịu tang và cam kết quản lý, giám sát không để người cai nghiện sử dụng ma túy trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong thời gian về chịu tang theo Mẫu.
b) Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Giám đốc cơ sở cai nghiện có trách nhiệm xem xét, quyết định việc cho người cai nghiện về chịu tang.
Quyết định cho phép về chịu tang phải gồm các nội dung: họ tên, thời gian được về chịu tang; trách nhiệm của gia đình trong việc đón, đưa trả về cơ sở cai nghiện, quản lý người cai nghiện trong thời gian về chịu tang. Quyết định được gửi cho gia đình người cai nghiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để phối hợp quản lý và lưu trong hồ sơ người cai nghiện theo Mẫu.
3. Gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đón người cai nghiện về và bàn giao người cai nghiện lại cho cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời gian chịu tang, mọi chi phí đưa, đón người cai nghiện do gia đình người cai nghiện chi trả. Việc giao và nhận người cai nghiện giữa cơ sở cai nghiện bắt buộc với gia đình phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ của người cai nghiện.
4. Cơ sở cai nghiện phải kiểm tra sức khỏe, tình trạng sử dụng ma túy khi tiếp nhận người cai nghiện. Trường hợp quá thời hạn được nghỉ chịu tang mà người cai nghiện không trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chồng chị Dung được phép về để chịu tang bố. Thời gian về chịu tang tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. .
12. Anh Ngự ở xã HP, thị xã HT, tỉnh TTH hỏi: Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy thì có bị kỷ luật không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 71 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ khen thưởng, kỷ luật như sau:
1. Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có tiến bộ hoặc có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng bằng một trong các hình thức sau:
a) Biểu dương khen thưởng;
b) Đề nghị giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại;
c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy chưa đến mức bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau:
a) Phê bình;
b) Cảnh cáo;
c) Đưa vào quản lý tại khu dành riêng đối với người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.
3. Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ban hành quy chế khen thưởng, kỷ luật đối với người cai nghiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy chưa đến mức bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức như viện dẫn trên.
13. Con trai anh Phong (13 tuổi) bị nghiện ma túy và đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện K. Do đó, anh Phong hỏi: Con trai tôi có được tiếp tục học văn hóa không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chế độ học văn hóa như sau:
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc học văn hóa đối với người chưa phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; đối với các bậc học khác thì tùy thuộc khả năng và điều kiện thực tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc để tổ chức dạy, học theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở cai nghiện bắt buộc phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo tại địa phương tổ chức thi học kỳ, kết thúc năm học, chuyển cấp và cấp văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc giảng dạy và học tập tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, con trai anh Phong sẽ được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
14. Chị Trinh có con trai (14 tuổi) đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện DC. Do đó, chị Trinh hỏi: Thời gian lao động trị liệu mà cháu phải tham gia là bao lâu?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 74 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định chế độ lao động trị liệu như sau:
1. Người cai nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia lao động trị liệu theo quy trình cai nghiện do cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức, thì thời gian lao động trị liệu như sau:
a) Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi thì thời gian lao động không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 20 giờ trong một tuần.
b) Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì thời gian lao động không quá 06 giờ trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tuần.
2. Khi tổ chức lao động trị liệu, cơ sở cai nghiện phải bố trí công việc, nơi làm việc cho người cai nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ Luật lao động và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, thời gian lao động trị liệu của con trai chị Trinh không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 20 giờ trong một tuần.
15. Anh Huấn ở xã HP, thành phố H hỏi: Người sau cai nghiện ma túy khi tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định về chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy như sau:
1. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Thủ tục miễn giảm được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
2. Người sau cai nghiện khi tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn.
3. Người sau cai nghiện được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
4. Căn cứ vào Khoản 1, 2, 3 nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ của người sau cai nghiện; hướng dẫn, hỗ trợ người sau cai nghiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người sau cai nghiện khi tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn.