1. Anh N V An hỏi xin cho biết việc phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia tiến hành tố tụng đối với vụ án người dưới 18 tuổi phải đảm bảo yêu cầu như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định như sau:
1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
a) Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
b) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
c) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
2. Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Như vậy, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải đảm bảo các yêu cầu quy định như trên.
2. Chị Lý Thị N hỏi: xin cho biết pháp luật quy định việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, như sau:
1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy chứng sinh;
b) Giấy khai sinh;
c) Chứng minh nhân dân;
d) Thẻ căn cước công dân;
đ) Sổ hộ khẩu;
e) Hộ chiếu.
2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.
3. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Như vậy, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi được quy định như trên.
3. Bà Nguyễn Thị X hỏi: cháu trai của tôi 17 tuổi bị công an bắt vì lý do ăn trộm tiền, khi gia đình được công an báo cho biết sự việc, thì công an đã lấy lời khai nhận tội của cháu, đồng thời nói cho gia đình biết để chuẩn bị mời luật sư cho cháu. Xin cho biết việc lấy lời khai của công an như vậy có đúng pháp luật không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định Thông báo về hoạt động tố tụng, như sau:
1. Trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Việc thông báo cho gia đình của người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự; việc thông báo cho người đại diện của người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc thông báo các hoạt động tố tụng khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Việc thông báo phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người ra thông báo và người được thông báo. Trường hợp cần bảo đảm sự có mặt kịp thời của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản.
3. Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi khi nhận được thông báo phải thông tin kịp thời về việc có mặt và tham gia tố tụng của họ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết.
Như vậy, việc lấy lời khai của cháu bà X trước khi có thông báo cho gia đình như vậy là không đúng quy định.
4. Anh Trần Văn L hỏi: tôi đang là giáo viên tại trường cấp 2 X, có 01 học sinh đang bị điều tra về tội trộm cắp, theo tôi thấy học sinh trên là người tốt không thể phạm tội, xin hỏi nhà trường có thể tham gia bảo vệ học sinh trong quá trình điều tra không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 9 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định về bảo đảm việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, Đoàn thanh niên, cơ quan, tổ chức khác, như sau:
1. Sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi về việc có mặt và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt của họ phải có văn bản trả lời cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về họ tên, thông tin, địa chỉ liên lạc của người được cử để tham gia tố tụng; trường hợp cần thiết có thể báo tin trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi bằng văn bản.
2. Người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác phải có mặt đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo. Trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể hoãn việc thực hiện hoạt động tố tụng hoặc yêu cầu đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác cử ngay người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi.
Như vậy theo quy định trên thì trường cấp 2 X được quyền cử đại diện tham gia quá trình tố tụng đối với học sinh của trường.
5. Anh Ngô Văn T hỏi: xin cho biết việc bảo đảm quyền lợi của người phạm tội, người bị xâm hại dưới 18 tuổi về quyền được có người bào chữa, người bảo vệ lợi ích hợp pháp khi tham gia tố tụng được quy định như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 10 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng; trường hợp những người này không mời thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết như sau:
a) Chỉ định người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự;
b) Yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; yêu cầu cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
2. Người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án, trừ các trường hợp sau:
a) Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự;
c) Người bào chữa có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể bào chữa.
3. Trường hợp đã thay đổi người bào chữa được chỉ định mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn từ chối người bào chữa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối, đưa vào hồ sơ vụ án và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Trường hợp hủy bỏ việc đăng ký bào chữa quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.
Trường hợp người bào chữa không thể tham gia các hoạt động tố tụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định tại các điều 251, 291, 421, các điều luật khác có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc yêu cầu, đề nghị các tổ chức có liên quan cử người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.
4. Ngoài sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề nghị Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức khác nơi tiến hành tố tụng cử người tham gia tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định, người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán khi có đề nghị của người bị buộc tội, người bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết.
6. Anh Nguyễn Văn N hỏi: đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, trường hợp nào pháp luật cho phép áp dụng biện pháp áp giải?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo)
Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Lao động thương binh xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải, như sau:
1. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.
2. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi bị tạm giữ, tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không cần thiết tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
4. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo đã có giấy triệu tập đến lần thứ hai nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị can, bị cáo đang bị tạm giam từ nơi bị giam, giữ đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Như vậy, căn cứ Khoản 4 thì biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi được nêu rõ như trên.