Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giải đáp tình huống pháp lý về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngày cập nhật 19/08/2021

1. Bà Ngô Thị Vân và ông Cao Văn Đức xảy ra tranh chấp về dân sự. Ông Đức đề nghị tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án để thống nhất giải quyết vụ việc. Bà Vân muốn hỏi bà có buộc phải tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo đề nghị của ông Đức hay không?

Trả lời:

Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

“1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

5. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này.

6. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

7. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

9. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.”

Căn cứ quy định trên, việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải được các bên tự nguyện tham gia. Do đó, nếu bà Vân không tự nguyện tham gia thì Tòa án không tiến hành hòa giải, đối thoại đối với trường hợp này.

2. Chị Nguyễn Thị Vân muốn tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với vụ việc ly hôn của hai vợ chồng chị. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên chị không muốn tiết lộ thông tin với người khác. Vì vậy, chị  muốn hỏi thông tin hòa giải, đối thoại về vụ việc ly hôn của chị có bị Tòa án hoặc hòa giải viên công khai hay không?

Trả lời:

Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

“1. Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

b) Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án về vụ việc ly hôn của vợ chồng chị Vân sẽ được Tòa án, hòa giải viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan bảo mật thông tin theo quy định.

3. Anh Lê Xuân Mai hỏi: khi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, anh có quyền được lựa chọn hoặc thay đổi Hòa giải viên hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về quyền của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

“1. Các bên có các quyền sau đây:

a) Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

b) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này tham gia hòa giải, đối thoại;

c) Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

d) Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

e) Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

g) Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

h) Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

i) Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

k) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật này.”

Căn cứ quy định trên, khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án, anh Lê Xuân Mai có quyền được lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án hoặc đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định.

4. Ông Hoàng Trọng Huy hỏi: khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ông có buộc phải cung cấp toàn bộ chứng cứ liên quan tới vụ việc tranh chấp dân sự của ông hay không?

Trả lời

Khoản 2 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

“2. Các bên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật;

b) Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

c) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thi kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

d) Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

e) Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.”

Như vậy, khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu Hòa giải viên yêu cầu cung cấp chứng cứ thì ông Huy phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo quy định nêu trên.

5. Do tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo cho việc đi lại nên bà Trần Thị Cúc muốn đề nghị Tòa án tổ chức buổi hòa giải, đối thoại vụ việc tranh chấp của bà tại nhà con trai bà. Bà Cúc muốn hỏi trường hợp này, bà có phải chịu khoản phí nào không?

Trả lời:

Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

“1. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

a) Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

b) Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

c) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

3. Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy trường hợp này, nếu bà Cúc lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án thì các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải chịu chi phí theo quy định.

6. Ông Lê Thành Công trước đây được bổ nhiệm Kiểm sát viên và công tác tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố H từ năm 2000. Tháng 6/2021 ông Công nghỉ hưu theo chế độ, sức khỏe và tinh thần của ông vẫn minh mẫn. Ông muốn biết mình có đủ điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên hay không?

Trả lời:

Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên như sau:

“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Công, hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:

a) Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

b) Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

c) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:

a) Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, ông Lê Thành Công không thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm, đồng thời ông đã giữ ngạch Kiểm sát viên và có kinh nghiệm công tác hơn 10 năm, do vậy, ông đủ điều kiện để bổ nhiệm Hòa giải viên.

7. Bà Văn Thị Mai hỏi: bà đã đủ điều kiện để bổ nhiệm Hòa giải viên. Vậy bà cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì và nộp hồ sơ xin bổ nhiệm Hòa giải viên ở đâu?

Trả lời:

Điều 11 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về bổ nhiệm Hòa giải viên như sau:

“1. Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm;

b) Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

d) Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật này;

đ) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 của Luật này.

3. Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm Hòa giải viên, Tòa án nơi nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên lựa chọn người có đủ điều kiện đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm.

4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

6. Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

7. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, bà Mai cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên gồm những giấy tờ theo quy định nêu trên và nộp hồ sơ tại Tòa án nơi bà có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

8. Ông Phan Cường đã kết thúc nhiệm kỳ Hòa giải viên vào tháng 6/2021 vừa qua, tuy nhiên, ông có nguyện vọng được tiếp tục công việc này. Ông muốn hỏi việc bổ nhiệm lại Hòa giải viên cần đảm bảo điều kiện nào và phải chuẩn bị những giấy tờ gì để nộp hồ sơ xin bổ nhiệm lại Hòa giải viên?

Trả lời:

Điều 12 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về bổ nhiệm lại Hòa giải viên như sau:

“1. Hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ được xem xét, bổ nhiệm lại, trừ các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ;

c) Thuộc 10% tổng số Hòa giải viên nơi họ làm việc mà trong 02 năm có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất, cần được thay thế.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm lại;

b) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

c) Báo cáo về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên;

d) Đánh, giá, nhận xét của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.

3. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại, công bố danh sách Hòa giải viên thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 11 của Luật này.

4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, nếu ông Cường không thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên thì ông có thể chuẩn bị hồ sơ theo quy định nêu trên.

9. Bà Phan Thị Cầm là Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân huyện QĐ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do sức khỏe ngày càng giảm sút, tinh thần mệt mỏi, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả công tác hòa giải. Bà muốn biết bà có thể xin miễn nhiệm Hòa giải viên không và trình tự thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về miễn nhiệm Hòa giải viên như sau:

“1. Việc miễn nhiệm Hòa giải viên được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nguyện vọng của Hòa giải viên;

b) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Luật này.

2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Hòa giải viên. Quyết định này được gửi cho người bị miễn nhiệm và Tòa án nơi họ làm việc.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định miễn nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xóa tên Hòa giải viên bị miễn nhiệm khỏi danh sách Hòa giải viên, công bố danh sách Hòa giải viên bị miễn nhiệm trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên đã làm việc; đồng thời gửi đến Tòa án nhân dân tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

4. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thu hồi thẻ Hòa giải viên sau khi xóa tên Hòa giải viên.”

Như vậy, bà Cầm có thể xin miễn nhiệm Hòa giải viên theo nguyện vọng và thủ tục miễn nhiệm Hòa giải viên được giải quyết theo trình tự quy định như trên.

10. Ông Nguyễn Đình Vượng được bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân thị xã HT, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông muốn biết khi tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa viên được thực hiện những quyền gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về quyền của Hòa giải viên như sau:

“1. Hòa giải viên có các quyền sau đây:

a) Tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này;

b) Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện; các thông tin, tài liệu liên quan khác càn thiết cho việc hòa giải, đối thoại;

c) Xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của một trong các bên;

d) Mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện;

đ) Không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;

e) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;

g) Từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

h) Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

i) Được cấp thẻ Hòa giải viên;

k) Được hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ;

l) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.”

11. Bà Phạm Thị Ngọc là Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà được chỉ định tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với vụ việc tranh chấp dân sự giữa anh Đức và anh Nam. Tuy nhiên, do anh Đức đã từng xảy ra mâu thuẫn với gia đình bà nên để đảm bảo vô tư, khách quan, bà đề nghị từ chối hòa giải vụ việc này. Bà muốn biết việc đề nghị từ chối tiến hành hòa giải có phù hợp với quy định hay không?

Trà lời:

Khoản 2 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về quyền của Hòa giải viên như sau:

“2. Hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này;

b) Tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan;

c) Bảo đảm bí mật thông tin theo quy định của Luật này;

d) Không ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ;

đ) Không được nhận tiền, lợi ích từ các bên;

e) Từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 của Luật này[1].  

g) Tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên, nếu nội dung thỏa thuận, thống nhất đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

h) Từ chối tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đối với vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành và được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, nếu bà Ngọc có căn cứ cho rằng bà không thể vô tư, khách quan khi tiến hành hòa giải thì bà có thể từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại đối với vụ việc nêu trên.

12. Anh Đặng Văn Nam trú tại huyện PĐ, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với vụ việc ly hôn của hai vợ chồng anh. Anh muốn hỏi anh có thể chỉ định ông Nguyễn Khiêm (hiện là Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân huyện QĐ, tỉnh Thừa Thiên Huế) làm Hòa giải viên thụ lý vụ việc của mình có được không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên như sau:

“ 3. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc và Hòa giải viên được lựa chọn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và người khởi kiện, người yêu cầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Hòa giải viên, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự lựa chọn của Hòa giải viên gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hòa giải viên; Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết.

Trường hợp nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác.”

Căn cứ quy định trên, anh Đặng Văn Nam có thể chỉ định ông Nguyễn Khiêm làm Hòa giải viên thực hiện hòa giải vụ việc của anh nếu được sự đồng ý bằng văn bản của ông.

13. Để tiến hành hòa giải, đối thoại vụ việc chấp dân sự của chị Lê Thị Thoa, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ định ông Trần Văn Minh làm Hòa giải viên. Tuy nhiên, chị Thoa cho rằng việc tranh chấp cũng có phần tài sản liên quan đến ông Minh. Do đó chị muốn hỏi có thể đề nghị đổi Hòa giải viên khác giải quyết vụ việc của chị được không?

Trả lời:

Khoản 1, 2 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định các trường hợp từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên như sau:

“1. Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;

b) Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;

d) Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

đ) Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật này.

2. Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này phải thông báo lý do cho các bên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

Các bên đề nghị thay đổi Hòa giải viên phải thông báo lý do cho Hòa giải viên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.”

Căn cứ quy định trên, do ông Minh có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại nên chị Thoa có quyền yêu cầu thay đổi Hòa giải viên và phải thông báo lý do cho ông Minh và Tòa án nhân dân thành phố H.

 

 

 


[1]a) Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;

b) Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

….

d) Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.545.368
Lượt truy cập hiện tại 17.241