1. Anh Minh ở phường TH, thành phố H hỏi: trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ áp dụng quy định nào?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 4 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như sau:
1. Trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc xử lý tài sản bảo đảm thì áp dụng quy định đặc thù đó.
Trường hợp bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm bị tuyên bố phá sản thì việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản, xử lý khoản nợ có bảo đảm và các biện pháp bảo toàn tài sản áp dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định này mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
3. Trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản.
4. Trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận này.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản.
2. Anh Hùng cho biết muốn nhận bảo lãnh cho anh Tiến vay tiền của ông B. Tuy nhiên, giữa anh Hùng và ông B không thỏa thuận lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm trong trường hợp anh Tiến không trả tiền cho ông B. Do đó, ông B hỏi: tôi có quyền áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 5 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản như sau:
1. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.
2. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông B có quyền áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.
3. Chị Huế dự định vay tiền và muốn dùng tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, anh Huế hỏi: tài sản này có được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 8 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Căn cứ quy định nêu trên, tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu là tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
4. Anh Quân ở phường AH, thành phố H hỏi: việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất có được không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 10 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
1. Việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất, dùng tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với quyền sử dụng đất.
2. Trường hợp tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký và cũng chưa được đăng ký theo yêu cầu mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền, nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất là cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng mà chủ sở hữu và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển.
3. Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang là bất động sản hưởng quyền bất động sản liền kề được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì quyền đối với bất động sản liền kề vẫn có hiệu lực với mọi cá nhân, pháp nhân.
4. Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành trong tương lai không áp dụng đối với quyền sử dụng đất.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với tài sản gắn liền với đất.
5. Chị Ánh hỏi: giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và tài sản hình thành từ việc góp vốn có được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định như sau:
1. Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi
Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng việc mô tả tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về giấy tờ có giá, chứng khoán, ngân hàng.
2. Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
Bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư; quyền cho thuê, cho thuê lại; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, lợi ích khác trị giá được bằng tiền hình thành từ hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3. Tài sản hình thành từ việc góp vốn
Chủ thể góp vốn được dùng cổ phần, phần vốn góp, quyền mua phần vốn góp hoặc lợi tức phát sinh từ cổ phần, phần vốn góp trong pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật liên quan và điều lệ của pháp nhân (nếu có).
Như vậy, giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và tài sản hình thành từ việc góp vốn theo quy định nêu trên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
6. Anh Thành cho biết đang dự định mở rộng kinh doanh nên cần số vốn lớn. Để vay vốn, anh Thành hỏi: tôi có thể dùng quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 16 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên như sau:
Chủ thể có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật liên quan được dùng quyền khai thác khoáng sản; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; tài nguyên nước, bao gồm nước mặt, nước biển và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; yến sào thiên nhiên; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác trị giá được bằng tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Việc dùng quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều này phải phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Thành được dùng quyền khai thác khoáng sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
7. Chị Tú hỏi: chủ sở hữu có thể sử dụng quyền tài sản phát sinh từ quyền đối với giống cây trồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khi thực hiện giao dịch dân sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 17 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ như sau:
Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Tú được dùng quyền tài sản phát sinh từ quyền đối với giống cây trồng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
8. Anh Mạnh hỏi: chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 18 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định về dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư như sau:
Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư mà Luật Đầu tư, luật khác liên quan không cấm chuyển nhượng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp dự án đầu tư dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án khác mà theo quy định của pháp luật liên quan phải có Giấy chứng nhận, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc căn cứ pháp lý khác thì việc mô tả trong hợp đồng bảo đảm phải thể hiện được căn cứ pháp lý này.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.