1.Chị Hoa ở phường VN, thành phố H hỏi: đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành ándân sự không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 10 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về yêu cầu thay đổi Chấp hành viên như sau:
1. Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp sau đây:
a) Thuộc trường hợp: Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì;
b) Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;
c) Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án;
d) Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
2. Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên. Trường hợp Chấp hành viên đang thi hành vụ việc là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi Chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi Chấp hành viên thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu thay đổi Chấp hành viên và nêu rõ lý do.
Như vậy, đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án.
2. Anh Phúc ở phường VN, thành phố H hỏi: đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sựđược nhận thông báo về thi hành án bằng email không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 12Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nêu trên quy định về thông báo về thi hành án như sau:
1. Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau:
a) Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo;
b) Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.
2. Trường hợp người được thông báo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì việc thông báo cho họ thông qua người thân thích được thực hiện: văn bản thông báo được giao cho một trong số nhữngngười thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự.
3. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết để thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.
4. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ.
5. Việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định, ngoài ra có thể được công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Công thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Như vậy, đương sự có yêu cầu được nhận thông báo bằng email thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự.
3. Anh Minhở phường AC, thành phố H hỏi: mức tiền tối thiểu để lại khi thu tiền từ hoạt động kinh doanhcủa người phải thi hành án dân sựđược thực hiện như thế nào ?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 22Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án như sau:
1. Chấp hành viên thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án theo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm tùy theo tính chất ngành nghề kinh doanh của người phải thi hành án.
Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án.
2. Mức tiền tối thiểu để lại cho người phải thi hành án phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể.
Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án và mức ấn định này có thể được điều chỉnh.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, mức tiền tối thiểu để lại cho người phải thi hành án phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể.Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án và mức ấn định này có thể được điều chỉnh.
4. Chị Hoa ở phường TL, thành phố H hỏi: trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án thì người thứ ba có phải chịu trách nhiệm gì không?
Trả lời (có tính chất tham khảo)
Điều 23Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy địnhvề thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ như sau:
1. Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu.
2. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án.
Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật./.