Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 7 Điều 32 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có biên bản kiểm tra máy móc, thiết bị trước khi đưa vào thi công xây dựng công trình theo quy định;
b) Không hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao (trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác);
c) Không có nhật ký thi công hoặc nhật ký thi công lập không đúng quy định;
d) Làm thất lạc mốc định vị hoặc mốc giới công trình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc có biên bản kiểm tra máy móc, thiết bị trước khi đưa vào thi công xây dựng công trình theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên
b) Buộc phải hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên;
c) Buộc ghi nhật ký thi công đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 nêu trên;
d) Buộc xác định lại mốc định vị, mốc giới công trình đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 nêu trên.
Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Quy định về nhật ký thi công xây dựng công trình như sau:
1. Nhật ký thi công xây dựng công trình do nhà thầu thi công xây dựng lập cho từng gói thầu xây dựng hoặc toàn bộ công trình xây dựng. Trường hợp có nhà thầu phụ tham gia thi công xây dựng thì tổng thầu hoặc nhà thầu chính thỏa thuận với nhà thầu phụ về trách nhiệm lập nhật ký thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.
2. Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình.
3. Nội dung nhật ký thi công xây dựng bao gồm các thông tin chủ yếu sau:
a) Diễn biến điều kiện thi công (nhiệt độ, thời tiết và các thông tin liên quan); số lượng nhân công, thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường; các công việc xây dựng được nghiệm thu hàng ngày trên công trường;
b) Mô tả chi tiết các sự cố, hư hỏng, tai nạn lao động, các vấn đề phát sinh khác và biện pháp khắc phục, xử lí trong quá trình thi công xây dựng công trình (nếu có);
c) Các kiến nghị của nhà thầu thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng (nếu có);
d) Những ý kiến về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công xây dựng của các bên có liên quan.
4. Trường hợp chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình phát hành văn bản để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trên công trường thì các văn bản này được lưu giữ cùng với nhật ký thi công xây dựng công trình.
Như vậy, việc ghi nhật ký thi công xây dựng bao gồm các thông tin chủ yếu như trên. Trường hợp ghi chép không đầy đủ thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; buộc ghi nhật ký thi công đúng quy định.