Trả lời (Chỉ mang tính chất tham khảo):
Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 111/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu như sau: Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa là thời gian tối đa được tính theo năm mà phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu là thời gian tối đa được tính theo năm mà phương tiện thủy đã hoạt động được phép nhập khẩu về Việt Nam.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa như sau:
- Tàu chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở xô khí hóa lỏng: Tàu vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 30 năm; tàu vỏ gỗ không quá 25 năm.
- Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi: Tàu vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 35 năm; tàu vỏ gỗ không quá 20 năm.
- Tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí: Tàu vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 30 năm; tàu vỏ gỗ không quá 25 năm.
- Tàu cao tốc chở khách: Tàu vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 20 năm.
- Tàu đệm khí: Tàu vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 18 năm.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu đối với tàu khách và tàu chở người không quá 10 năm, đối với các phương tiện thủy khác không quá 15 năm.
Điều 14 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định vi phạm quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng như sau:
1. Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở xô khí hóa lỏng; tàu đệm khí.
2. Phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng đối với tàu khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí.
3. Phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng từ 02 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 nêu trên.
Như vậy, nếu quá niên hạn sử dụng mà vẫn đưa phương tiện vào hoạt động thì sẽ bị xử phạt. Trong trường hợp trên tàu của anh Quang có sức chở trên 12 người sẽ bị phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng và còn bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng từ 02 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm.