Trả lời (chỉ có tính chất tham khảo):
Khoản 1 Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi của anh bạn, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Nếu hành vi của anh bạn chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự:
Anh bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình về hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ, cụ thể như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
* Nếu hành vi của anh bạn đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự:
Anh bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình ” (Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).