Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 Ngày cập nhật 04/08/2022
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022. Về bố cục của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm có 08 Chương, 96 Điều. Cụ thể: Chương I, những quy định chung, gồm 15 điều, từ điều 1 đến điều 15; Chương II, tổ chức thi đua, danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, gồm 17 điều, từ điều 16 đến điều 32; Chương III, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng, gồm 43 điều, từ điều 33 đến điều 76; Chương IV, thẩm quyền quyết định, trao tặng; thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, gồm 8 điều, từ điều 77 đến điều 85; Chương V, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong thi đua, khen thưởng, gồm 2 điều, từ điều 86 đến 87; Chương VI, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về thi đua, khen thưởng, gồm 4 điều, từ điều 88 đến điều 92; Chương VII, xử lý vi phạm, gồm 01 điều, điều 93; Chương VIII, điều khoản thi hành, gồm 3 điều, từ điều 94 đến điều 96. Luật Thi đua, khen năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Việc thi đua được thực hiện theo các nguyên tắc: tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện. Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định các hình thức khen thưởng gồm có: khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất; khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân… Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Luật cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên đối với cá nhân, tập thể có thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định.
Để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng; cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng…
Theo quy định của Luật, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có trách nhiệm thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; tham mưu, tư vấn cho cấp có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; định kỳ đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tham mưu tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng; kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng. Luật giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thực hiện quản lý công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi ngành.
Ngoài các nội dung sửa đổi về thi đua, khen thưởng, thẩm quyền và phân cấp khen thưởng, Luật cũng có những sửa đổi về thủ tục khen thưởng theo hướng cải cách thủ tục hành chính (giản tiện, rút gọn về hồ sơ khen thưởng) và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng./.
Các tin khác
|
|