Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 15/04/2021

Ngày 14 tháng 4 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND kèm theo Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 và thay thế Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, một số nội dung trọng tâm được quy định, như sau:

 

Về thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức 

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

a) Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định nội dung nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và nhận định chiều hướng, triển vọng phát triển của cán bộ, công chức, viên chức.

b) Đối với các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các Trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xếp loại chất lượng.

c) Đối với các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các Trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện. Người được giao thẩm quyền đánh giá phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

2. Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

- Cấp Sở: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

- Cấp huyện: Trưởng phòng đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

b) Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về kết quả đánh giá.

Về phương pháp đánh giá

1. Tập thể, cá nhân có thẩm quyền thực hiện nhận xét, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

2. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng nơi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Về tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức

1. Tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá theo các tiêu chí sau: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Ngoài tiêu chí chung tại Khoản 1, Điều 7 Quy định này, cán bộ, công chức, viên chức đánh giá thêm các tiêu chí sau:

2.1. Các chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù, gồm: kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức; lãnh đạo, chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức; kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính; kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hàng năm của đơn vị.

Đối với các tiêu chí: Kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính; kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hàng năm của đơn vị trên địa bàn tỉnh được tính như sau: Tại thời điểm đánh giá chưa công bố kết quả của năm đánh giá thì lấy kết quả của năm trước liền kề để chấm điểm cho năm đánh giá. Không chấm điểm đối với các tiêu chí không phát sinh nhiệm vụ trong năm. Kết quả được tính theo tỷ lệ giữa tổng điểm đạt được của các tiêu chí có phát sinh nhiệm vụ với tổng điểm tối đa của các tiêu chí có phát sinh nhiệm vụ trong năm nhân với 100.

2.2. Các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan hành chính thuộc Sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trưởng, Phó các Chi cục và tương đương thuộc Sở, gồm: kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức; kết quả xếp loại thi đua của Phòng được giao lãnh đạo, quản lý.

2.3. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm: tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử.

2.4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ thuộc đơn vị, gồm: việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; năng lực tập hợp, đoàn kết; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết được thể hiện ở khối lượng, chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện công việc; kết quả xếp loại thi đua của đơn vị, phòng được giao quản lý, phụ trách.

2.5. Viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm: tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết được thể hiện ở khối lượng, chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện công việc.

2.6. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, gồm: kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức.

Về trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

1. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

a) Làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách nhiệm vụ được giao theo mẫu số 1, số 2, số 4, số 6;

b) Tổ chức cuộc họp tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị để nhận xét, đánh giá (đối với cán bộ); Tổ chức cuộc họp toàn thể cơ quan, tổ chức, đơn vị để nhận xét, đánh giá (đối với công chức, viên chức); Trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

c) Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý công tác;

d) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác cán bộ tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá theo điểm b, điểm c khoản 1, Điều 8 và tài liệu liên quan (nếu có) đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng; cấp có thẩm quyền quản lý xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng;

đ) Thông báo bằng văn bản và công khai về kết quả đánh giá cho người được đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

2. Công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Đối với công chức

- Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 3;

- Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức;

- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cho công chức theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

b) Đối với viên chức

- Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 5;

- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị, các thành viên tham dự đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức;

- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cho viên chức theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm trong năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể, cụ thể hóa công việc theo từng vị trí công tác hoặc vị trí việc làm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức chấm điểm theo định kỳ hàng quý trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công. Kết quả chấm điểm hàng quý là cơ sở để Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp đánh giá, xếp loại cả năm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức./.

 

Thiên An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 4.004