Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
10 tình huống giải đáp pháp luật về lĩnh vực y tế
Ngày cập nhật 27/06/2023

Xử phạt hành vi sử dụng công nghệ để hỏa táng không bảo đảm yêu cầu xử lý các chất thải theo quy định của pháp luật

  Tình huống 1.  Doanh nghiệp A kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cở sở hỏa táng tại xã P huyện H. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hỏa táng cho các thi hài bị mắc bệnh truyền nhiễm, doanh nghiệp A đã sử dụng công nghệ hỏa táng không bảo đảm yêu cầu xử lý các chất thải theo quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường tại thôn B xã P. Hành vi của doanh nghiệp A có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Pháp luật quy định xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

          - Khoản 5, 6 Điều 16 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về mai táng, hỏa táng như sau:

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công nghệ để hỏa táng không bảo đảm yêu cầu xử lý các chất thải theo quy định của pháp luật.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi sử dụng công nghệ hỏa táng không bảo đảm yêu cầu xử lý các chất thải theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc doanh nghiệp A phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn B xã P.

Xử phạt hành vi không tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS

Tình huống 2. Anh Nguyễn Hải An là nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Ánh, anh thấy trong nội quy của công ty có quy định về việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cho nhân viên, người lao động của công ty nhưng thực tế công ty chưa bao giờ tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Anh muốn hỏi công ty không tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho nhân viên, người lao động bị xử phạt không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi không tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo một trong các mức như sau:

a) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động dưới 50 người;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 50 người đến dưới 100 người;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 100 người đến dưới 200 người;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 200 người đến dưới 500 người;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 500 người đến dưới 1.000 người;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 1.000 người đến dưới 1.500 người;

g) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 1.500 người đến dưới 2.000 người;

h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 2.000 người đến dưới 2.500 người;

i) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 2.500 người trở lên.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, tùy theo số lượng người lao động của công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Ánh sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức tiền gấp đôi tương ứng với quy định viện dẫn như trên.

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về xét nghiệm HIV

Tình huống 3. Phòng khám tư nhân An Dương thực hiện xét nghiệm HIV cho 50 trường hợp trong 02 tháng khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV, hành vi này bị 01 nhân viên trong phòng khám tố cáo, với hành vi vi phạm này, phòng khám tư nhân An Dương sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 4, 5, 6 Điều 20 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về xét nghiệm HIV như sau:

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt buộc xét nghiệm HIV đối với đối tượng không thuộc đối tượng giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và xét nghiệm HIV bắt buộc theo quy định của pháp luật;

b) Xét nghiệm HIV khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV;

c) Không xét nghiệm túi máu, chế phẩm của máu trước khi sử dụng.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 nêu trên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 nêu trên.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi thực hiện xét nghiệm HIV khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV, phòng khám tư nhân An Dương sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động của phòng khám trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc xét nghiệm HIV cho 50 trường hợp.

Xử phạt hành vi không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật

Tình huống 4. Vào đầu năm 2023, doanh nghiệp A xuất ra thị trường 2.0000 bao thuốc lá, tuy nhiên, cảnh báo sức khỏe in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá bị che khuất bởi các hình ảnh không liên quan đến việc cảnh báo sức khỏe. Hành vi này của doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 2, 3, 4 Điều 27 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá như sau:

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam;

b) Ký hợp đồng, sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ trong nước khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên (nếu có).

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi vi phạm của mình, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ hành vi vi phạm. Trường hợp không khắc phục được thì buộc tiêu hủy.

 

 

Xử phạt hành vi quảng cáo bia trên phương tiện giao thông

Tình huống 5. Anh Trần Duy Tuấn là trưởng phòng của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia HA. Anh muốn hỏi nếu quảng cáo bia trên phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 2, 5 Điều 33 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia sau đây:

a) Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia;

c) Quảng cáo trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

d) Quảng cáo trên phương tiện giao thông;

đ) Quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật;

e) Quảng cáo trên phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật;

g) Quảng cáo không có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật;

h) Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác mà không có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi, gỡ quảng cáo để loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 2 nêu trên.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, hành vi vi phạm quảng cáo bia trên phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân) và buộc phải gỡ quảng cáo bia trên phương tiện giao thông.

Xử phạt hành vi gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi

Tình huống 6. Anh Nguyễn Tuấn Vũ là bác sĩ của phòng khám Q, từ tháng tháng 02/2023 đến tháng 04/2023, trong quá trình khám cho bệnh nhân, bác sỹ Vũ đã  móc nối với bệnh viện K, gợi ý chuyển người bệnh tới bệnh viện K điều trị để thu lợi cho bản thân và bị Giám đốc phòng khám Q phát hiện. Giám đốc phòng khám Q muốn hỏi hành vi của bác sỹ K sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 5 Điều 38 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và điểm c khoản 8 Điều 2 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CPngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về hành nghề như sau:

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi;

c) Lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh;

d) Người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được cơ sở đào tạo chuyên ngành y do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận thành thạo tiếng Việt hoặc bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng;

đ) Chỉ định điều trị, kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà ngôn ngữ đó chưa được đăng ký sử dụng hoặc người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch sang tiếng Việt;

e) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh;

g) Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh;

h) Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ hai cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trở lên;

i) Làm người phụ trách từ hai khoa lâm sàng trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trong cùng một thời gian hành nghề đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

k) Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp;

l) Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.

m) Người hành nghề không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, hành vi vi phạm của bác sỹ Vũ sẽ bị xử phạt mức tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Xử phạt hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Tình huống 7. Phòng khám M tổ chức khai trương và cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vào ngày 15/3/2023 tại thành phố H, ngày 4/4/2023, tại phòng khám xảy ra sự cố y khoa, cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra thì phát hiện phòng khám chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám M sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 6, 7 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về hành nghề như sau:

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;

c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;

d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;

đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 nêu trên;

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, phòng khám M sẽ bị xử phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Xử phạt hành vi không hủy tinh trùng của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn và đề nghị hủy tinh trùng của chính mình

Tình huống 8. Tháng 5/2022, anh Hoàng Trọng Nhật đã gửi tinh trùng tại Bệnh viện đa khoa TA để thực hiện quy trình sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đến tháng 01/2023, anh Nhật ly hôn và có đơn đề nghị Bệnh viện đa khoa TA hủy tinh trùng của mình nhưng đến tháng 4/2023, anh Nhật biết được thông tin Bệnh viện đa khoa TA không thực hiện hủy tinh trùng theo đề nghị của anh. Anh muốn hỏi hành vi của Bệnh viện đa khoa TA sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp tên tuổi, địa chỉ hoặc hình ảnh của người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, nhận phôi;

b) Sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công;

c) Không hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học đối với tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết trong trường hợp sinh con thành công;

d) Không mã hóa tinh trùng, phôi của người cho hoặc mã hóa nhưng không ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc;

đ) Lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;

e) Không hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;

g) Hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết mà vợ hoặc chồng của người đó đã có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;

h) Không hủy tinh trùng, noãn của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn và đề nghị hủy tinh trùng, noãn của chính mình;

i) Không hủy phôi của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn và có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng đề nghị hủy phôi của chính họ;

k) Hủy phôi của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn nhưng đã có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;

l) Không thực hiện nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận trong việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi; không sử dụng biện pháp mã hóa các thông tin về người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi hiến tặng cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi để cho người khác, trừ trường hợp hiến tặng cho mục đích nghiên cứu khoa học;

m) Tiếp nhận gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi ngoài các trường hợp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Bệnh viện đa khoa TA sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không huỷ tinh trùng của người gửi tinh trùng khi có yêu cầu huỷ.

Xử phạt hành vi ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người

Tình huống 9. Bệnh viện đa khoa quốc tế QK có hành vi ép người thân của chị Nguyễn Thị Nhứt phải hiến cho chị Nhứt 01 quả thận để cấy ghép cho chị Nhứt bị suy đa thận. Hành vi của Bệnh viện đa khoa quốc tế QK có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 7, 8, 9 Điều 44 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người như sau:

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến;

b) Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi;

c) Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 6 và 7 Điều 44 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cá nhân bị thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 7 nêu trên. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Bệnh viện đa khoa quốc tế QK sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa quốc tế QK còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại.

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Tình huống 10. Công ty cổ phần dược ABC sản xuất và xuất xưởng 01 lô thuốc ra thị trường Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất lô thuốc này được làm từ nguyên liệu đã hết hạn dùng. Hành vi của công ty cổ phần dược ABC có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 6, 8, 9 Điều 57 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi vi phạm vi phạm quy định về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc như sau:   

 6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất và đưa ra lưu hành tại Việt Nam thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, trừ trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải đăng ký trước khi lưu hành theo quy định của pháp luật;

b) Sản xuất thuốc từ nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng;

c) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng địa điểm trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 57 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP;

d) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc chưa được đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định của pháp luật;

đ) Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;

e) Sản xuất sản phẩm không phải là thuốc trên dây chuyền sản xuất thuốc, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

g) Sản xuất, chế biến, bào chế thuốc cổ truyền có chứa dược chất mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 5 và điểm b khoản 6 nêu trên;

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với hành vi quy định tại khoản 6 nêu trên;

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Công ty cổ phần dược ABC sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần dược ABC còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với lô thuốc này.

 

Hồ Thị Ly
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.512.034
Lượt truy cập hiện tại 24.204