Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày cập nhật 04/11/2022

Tài liệu làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu

1. Doanh nghiệp X đang làm hồ sơ để đăng ký sở hữu công nghiệp về sáng chế. Tuy nhiên, trong thành phần hồ sơ lại có tài liệu chứng minh quyền đăng ký bằng tiếng Anh. Xin hỏi, pháp luật có cho phép sử dụng tài liệu được làm bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt để nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định:

Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:

1. Giấy uỷ quyền;

2. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Doanh nghiệp X có thể sử dụng tài liệu chứng minh quyền đăng ký bằng tiếng Anh để nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp với điều kiện phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu.

 

Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

2. Doanh nghiệp KH đang làm đơn đăng ký nhãn hiệu. Doanh nghiệp KH hỏi, mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau có được không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 dưới đây.

2. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.

3. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;

b) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.

4. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.

 

Ủy quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

3. Doanh nghiệp MS muốn ủy quyền cho ông Lê Văn H để tiến hành các thủ tục liên quan đến gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ. Vậy, việc ủy quyền này có cần phải lập thành văn bản không? Nếu có thì giấy ủy quyền phải có nội gì và thời hiệu là bao nhiêu lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định việc ủy quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Việc ủy quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.

2. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Phạm vi uỷ quyền;

c) Thời hạn uỷ quyền;

d) Ngày lập giấy uỷ quyền;

đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

3. Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.

Như vậy, để tiến hành các thủ tục liên quan đến gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, Doanh nghiệp MS phải lập giấy ủy quyền cho ông Lê Văn H. Nội dung và hiệu lực của giấy ủy quyền, Doanh nghiệp tư nhân MS có thể tham khảo theo quy định nêu trên.

 

Tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn

4. Doanh nghiệp XS đã nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Doanh nghiệp XS muốn biết ngày nộp đơn được xác định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định việc tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn, như sau:

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận nếu có ít nhất các thông tin và tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;

b) Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý;

c) Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

2. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.

3. Đơn đăng ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.

 

Thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

5. Doanh nghiệp HN nhận được Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền với lý do “Đối tượng nêu trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là đối tượng không được bảo hộ”. Doanh nghiệp HN hỏi, trong trường hợp nào thì Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định:

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;

b) Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;

c) Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;

d) Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn theo quy định của pháp luật;

đ) Người nộp đơn không nộp đủ phí, lệ phí theo quy định;

e) Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định của pháp luật.

3. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối;

c) Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí;

d) Thực hiện thủ tục quy định tại khoản 4 dưới đây nếu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.

4. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 nêu trên thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

5. Đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối theo quy định tại khoản 3 nêu trên bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 nêu trên thì Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây: Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức; Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ; Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn; Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn theo quy định của pháp luật; Người nộp đơn không nộp đủ phí, lệ phí theo quy định; Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định của pháp luật.

 

Sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

6. Doanh nghiệp V nhận được Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của mình. Xin hỏi trong trường hợp này, Doanh nghiệp V có được quyền sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định việc sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có các quyền sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung đơn;

b) Tách đơn;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn;

d) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và ngược lại.

2. Người yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1 nêu trên phải nộp phí và lệ phí.

3. Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.

4. Trong trường hợp tách đơn thì ngày nộp đơn của đơn được tách được xác định là ngày nộp đơn của đơn ban đầu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Doanh nghiệp V có quyền sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp với điều kiện Doanh nghiệp V phải thực hiện các quy định tại khoản 2, 3, 4 nêu trên.

 

Rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

7. Do không còn nhu cầu muốn bảo hộ đối với sở hữu công nghiệp, Doanh nghiệp TT muốn rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của mình. Xin hỏi, trong trường hợp này Doanh nghiệp TT có được quyền rút đơn không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 116 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định việc rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền tuyên bố rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng văn bản do chính mình đứng tên hoặc thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu giấy uỷ quyền có nêu rõ việc uỷ quyền rút đơn.

2. Từ thời điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.

3. Mọi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa công bố và mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Doanh nghiệp TT có quyền rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng văn bản do chính mình đứng tên hoặc thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu giấy ủy quyền có nêu rõ việc ủy quyền rút đơn trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

 

Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

8. Doanh nghiệp WS đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận  đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Doanh nghiệp WS muốn biết Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định về hình thức và nội dung trong thời gian bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:

a) Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;

b) Đối với nhãn hiệu không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn;

c) Đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng, kể từ ngày công bố đơn;

d) Đối với chỉ dẫn địa lý không quá sáu tháng, kể từ ngày công bố đơn.

3. Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.

4. Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên; thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định tương ứng quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên.

Trên đây là quy định của pháp luật về thời hạn thẩm định hình thức và nội dung của Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Doanh nghiệp WS có thể tham khảo.

 

Quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

9. Doanh nghiệp MN hỏi: Trong trường hợp trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký của mình nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, như sau:

1. Trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

2. Người có quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho phép.

Vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì trường hợp trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký của mình nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

 

Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

10. Công ty cổ phần cơ khí AC dự định trong thời gian đến sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình cho Công ty R. Công ty cổ phần cơ khí AC muốn biết việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có bị hạn chế không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và và khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. 

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

6. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, Công ty cổ phần cơ khí AC có thể tham khảo để phục cho việc kinh doanh của mình.

 

Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

11. Để chuẩn bị cho việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình cho Công ty IK, Công ty LF phải xây dựng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đảm bảo các nội dung gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: 

1. Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

2. Căn cứ chuyển nhượng;

3. Giá chuyển nhượng;

4. Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Như vậy, Doanh nghiệp LF có thể tham khảo quy định của pháp luật nêu trên để thực hiện soạn thảo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đảm bảo đúng quy định.

 

Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

12. Công ty BB đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu công nghiệp, hỏi: Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị hạn chế trong trường hợp nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định việc hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, như sau: 

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005).

Trên đây là các trường hợp bị hạn chế trong chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, Doanh nghiệp BB có thể tham khảo.

 

Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

13. Để thuận tiện trong việc điều hành hoạt động kinh doanh của mình, Doanh nghiệp NC đề nghị cho biết: Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:

1. Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

2. Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;

3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Trên đây là các dạng Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, Doanh nghiệp NC có thể tham khảo để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.

 

Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

14. Bà Nguyễn Thanh Vân là địa diện của một Doanh nghiệp hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Nay, Doanh nghiệp của bà Vân muốn kinh doanh thêm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có được không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 dưới đây.

2. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Do đó, Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Vân sẽ không được phép kinh doanh trong lĩnh vực này.

 

Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

15. Bà Lê Hồng M là đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài K có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam. Bà M hỏi, trong trường hợp doanh nghiệp M chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới thì có được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng này không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, như sau:

1. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 nêu trên bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài là công dân quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới hoặc quốc gia có ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng; cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ của quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới.

Như vậy, trong trường hợp này Doanh nghiệp nước ngoài K sẽ được quyền bảo hộ đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật nêu trên.

 

Đăng ký quyền đối với giống cây trồng

16. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên M đã đầu tư cho ông Nguyễn Văn A để nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên M muốn biết, giống cây trồng do ông A trực tiếp chọn tạo sẽ do ai thực hiện quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng, như sau:

1. Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:

a) Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 dưới đây;

c) Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

3. Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. 

4. Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.

Như vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên M đã đầu tư cho ông Nguyễn Văn A để nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên M sẽ là tổ chức thực hiện quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng, trừ trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên M và ông A có thoả thuận khác.

 

Điều kiện được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền

17. Doanh nghiệp H muốn chuyển sang kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền. Vậy, Doanh nghiệp tư nhân H cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022) quy định tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền:

1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

2. Có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Như vậy, Doanh nghiệp H muốn chuyển sang kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền thì Doanh nghiệp H phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

 

Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng

18. Doanh nghiệp M đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với giống cây thân gỗ. Doanh nghiệp M muốn biết Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trong thời gian bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 và khoản 2 Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng như sau:

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thân gỗ; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

Như vậy, Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thân gỗ; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

 

Đình chỉ, phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng

19. Công ty cổ phần giống cây trồng T bị cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng với lý do Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định. Xin hỏi, trong trường hợp này, Công ty cổ phần giống cây trồng T phải làm gì để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định:

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây: 

a) Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;

b) Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;

c) Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;

d) Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

2. Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. 

3. Trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên, khi hết thời hạn nộp lệ phí duy trì hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp.

4. Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ hoặc ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ.

5. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đăng thông báo trên tạp chí chuyên ngành và nêu rõ lý do đình chỉ, đồng thời gửi thông báo cho chủ bằng bảo hộ. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo, chủ bằng bảo hộ có quyền gửi đơn đề nghị được khắc phục các lý do bị đình chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và nộp lệ phí để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong thời hạn chín mươi ngày kể từ ngày nộp đơn, chủ bằng bảo hộ phải khắc phục những lý do bị đình chỉ đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 nêu trên. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xem xét phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ và thông báo trên tạp chí chuyên ngành. 

Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên, hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ được phục hồi sau khi chủ sở hữu chứng minh được giống đã đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định và được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng xác nhận.

Như vậy, để được phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng, Công ty cổ phần giống cây trồng T phải gửi đơn đề nghị được khắc phục lý do bị đình chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và nộp lệ phí để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong thời hạn chín mươi ngày kể từ ngày nộp đơn, chủ bằng bảo hộ phải khắc phục những lý do bị đình chỉ đối với các trường hợp không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định.

 

Đơn đăng ký bảo hộ

20. Doanh nghiệp PQ đã đầu tư và chọn tạo được một giống cây trồng mới. Nay, Doanh nghiệp PQ muốn nộp đơn để đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng này. Vậy, Doanh nghiệp PQ phải chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định:

1. Đơn đăng ký bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;

c) Giấy ủy quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

2. Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu:

a) Giấy uỷ quyền;

b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên của đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm:

a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn;

b) Giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

4. Mỗi đơn chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng quy định:

 Đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được lập thành 02 bộ, nộp tại cơ quan bảo hộ giống cây trồng.

Trên đây là quy định về đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, Doanh nghiệp PQ có thể tham khảo để chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng của mình.

 

Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ

21. Công ty cổ phần lâm nghiệp TH đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đã xảy ra một số sơ suất. Vậy, trong trường hợp này Công ty cổ phần lâm nghiệp TH có được phép sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 179 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ, như sau:

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có các quyền sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung đơn nhưng không được làm thay đổi bản chất đơn đăng ký bảo hộ;

b) Yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của người đăng ký;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người đăng ký do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng hoặc thừa kế, kế thừa; 

2. Người yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1 nêu trên phải nộp phí, lệ phí.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Công ty cổ phần lâm nghiệp TH có thể sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nhưng không được làm thay đổi bản chất đơn đăng ký bảo hộ.

 

Rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng

22. Doanh nghiệp Tư nhân S đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nay, Doanh nghiệp Tư nhân S muốn rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mà mình đã nộp. Xin hỏi, việc rút đơn của Doanh nghiệp Tư nhân S có được pháp luật cho phép không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 180 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và khoản Điều 71 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định việc rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, như sau:

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp hay từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký có quyền rút đơn đăng ký bảo hộ. Yêu cầu rút đơn phải được lập thành văn bản. 

2. Từ thời điểm người đăng ký rút đơn đăng ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.

Như vậy, Doanh nghiệp Tư nhân S được quyền rút đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mà mình đã nộp trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp hay từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Từ thời điểm người đăng ký rút đơn đăng ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.

 

Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

23. Doanh nghiệp X là Chủ bằng bảo hộ giống cây cà chua tím đã cho phép bà L sử dụng quyền chào hàng của mình liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ. Xin hỏi, hành vi này của Doanh nghiệp X có được pháp luật cho phép không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, như sau:

1. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:

a) Sản xuất hoặc nhân giống;

b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

c) Chào hàng;

d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;

đ) Xuất khẩu;

e) Nhập khẩu;

g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e nêu trên.

2. Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng quy định tại khoản 1 nêu trên được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.

3. Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ; sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ; sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định của pháp luật.

4. Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Doanh nghiệp X có quyền cho phép bà L sử dụng quyền chào hàng có liên quan đến vật liệu nhân giống của giống cà chua tím mà mình đã được bảo hộ.

 

Các hành vi không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ

24. Hộ gia đình ông A là hộ sản xuất cá thể đã sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng của Công ty M (chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng) để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình. Công ty M cho rằng hành vi của Hộ gia đình ông A là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ. Vậy, xin hỏi Công ty M nhận định như vậy có đúng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định hạn chế quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng, như sau:

1. Các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ:

a) Sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại;

b) Sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thử nghiệm;

c) Sử dụng giống cây trồng để tạo ra giống cây trồng khác, trừ trường hợp quy định tại Điều 187 của Luật này;

d) Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.

2. Quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi sau đây:

a) Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;

b) Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên hành vi sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng của Công ty M (chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng) để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình là không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ.

 

Nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

25. Doanh nghiệp Q vừa được cơ quan có thẩm quyền cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Với tư cách là chủ sở hữu của Bằng bảo hộ giống cây trồng, Doanh nghiệp Q có cần phải thực hiện nghĩa vụ gì không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 74 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) quy định nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng, như sau:

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 dưới đây, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định như sau:

a) 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;

b) 15% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;

c) 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng trả thù lao cho tác giả theo quy định sau đây:

a) Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;

b) Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;

c) Tối thiểu 20% và tối đa 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Trong trường hợp giống cây trồng có đồng tác giả, mức thù lao quy định tại khoản 1 và khoản 2 dưới đây là mức dành cho các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng chi trả.

4. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ giống cây trồng.

5. Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong thời hạn ba tháng sau ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với năm hiệu lực đầu tiên và trong tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm sau.

6. Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo tính trạng mô tả tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trên đây là quy định của pháp luật về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng, Doanh nghiệp Q có thể tham khảo để thực hiện.

 

Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

26. Công ty cổ phần nông nghiệp P cho biết, Công ty cổ phần nông nghiệp P và Doanh nghiệp tư nhân C là đồng sở hữu đối với giống cây trồng T. Nay Công ty cổ phần nông nghiệp P muốn chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng này cho một doanh nghiệp khác. Vậy, Công ty cổ phần nông nghiệp P có cần sự đồng ý của Doanh nghiệp tư nhân C không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 192 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, như sau:

1. Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ cho phép người khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng đối với giống cây trồng của mình.

2. Trường hợp quyền sử dụng giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

3. Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

4. Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng không được có những điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng, đặc biệt là những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, Công ty cổ phần nông nghiệp P muốn chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho một doanh nghiệp khác thì phải được sự đồng ý của Doanh nghiệp tư nhân C.

 

Quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng

27. Doanh nghiệp V đã thực hiện chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho Doanh nghiệp H. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên Doanh nghiệp H muốn chuyển giao quyền này cho một bên thứ ba. Xin hỏi, trong trường hợp này Doanh nghiệp H có được quyền chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho bên thứ ba không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 193 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, như sau:

1. Bên chuyển giao quyền sử dụng có quyền cho phép hoặc không cho phép bên nhận chuyển giao quyền sử dụng chuyển giao lại quyền sử dụng cho bên thứ ba.

2. Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng có các quyền sau đây:

a) Chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba, nếu được bên giao quyền sử dụng cho phép;

b) Yêu cầu bên giao quyền sử dụng thực hiện các biện pháp cần thiết phù hợp để chống lại các hành vi xâm phạm của bên thứ ba gây thiệt hại cho mình;

c) Tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi xâm phạm của bên thứ ba, nếu trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên chuyển giao quyền sử dụng không thực hiện yêu cầu quy định tại điểm b nêu trên.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên Doanh nghiệp H có quyền chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba, nếu được bên giao quyền sử dụng là Doanh nghiệp V cho phép.

 

Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng

28. Doanh nghiệp Z đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng từ Doanh nghiệp B. Vậy, xin hỏi trong trường hợp này Doanh nghiệp Z đã trở thành Chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng chưa?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng, như sau:

1. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.

2. Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

3. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì Doanh nghiệp Z được làm chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.

 

Quyền của chủ bằng bảo hộ trong trường hợp bị bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng

29. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên D là Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho Công ty Môi trường và Đô thị S để sử dụng vào mục đích phục vụ công cộng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên D muốn biết, Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được hưởng quyền lợi gì không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 197 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định Chủ bằng bảo hộ bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có các quyền sau đây:

1. Nhận đền bù tương ứng với giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó hoặc tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng theo hợp đồng có phạm vi và thời hạn tương ứng;

2. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng sửa đổi, đình chỉ hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực của việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng khi điều kiện dẫn đến việc chuyển giao đó đã chấm dứt và việc sửa đổi, huỷ bỏ, đình chỉ hiệu lực đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc.

Trên đây là quy định của pháp luật về quyền của Chủ bằng bảo hộ bị bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên D có thể tham khảo.

 

Nhận đơn đăng ký bảo hộ

30. Doanh nghiệp Y đã hoàn tất đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Doanh nghiệp Y có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng qua bưu điện được không? Nếu được thì ngày nhận đơn được xác định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng quy định:

1. Cơ quan bảo hộ giống cây trồng nhận đơn theo một trong các hình thức sau:

a) Nhận trực tiếp từ người nộp đơn;

b) Nhận đơn qua bưu điện. Trường hợp đơn được gửi qua bưu điện, ngày nộp đơn được xác định là ngày gửi đơn theo dấu bưu điện.

c) Nhận đơn qua mạng công nghệ thông tin.

2. Khi nhận đơn, cơ quan bảo hộ giống cây trồng phải đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn; ghi số đơn, vào sổ đăng ký tiếp nhận đơn; gửi 01 bộ cho người nộp đơn.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Doanh nghiệp Y có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng qua bưu điện và ngày nộp đơn được xác định là ngày gửi đơn theo dấu bưu điện.

----------------

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.519.638
Lượt truy cập hiện tại 2.051