Đối tượng áp dụng:
- Các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh.
- Cục thuế tỉnh, các chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước,các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
Hệ thống các giải pháp thực hiện
Giải pháp 1: Xác định danh mục hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp: Có 07 hành vi:
- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn khi đã kết thúc thời hạn góp vốn
- Tiếp tục hoạt động khi đã kết thúc thời hạn ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn
- Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh
- Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm dừng của cơ quan đăng ký kinh doanh
- Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
- Không công bố thông tin định kỳ đối với doanh nghiệp nhà nước.
Đối với lĩnh vực thuế: Có 09 hành vi:
* Về lĩnh vực kê khai thuế: Có 01 hành vi:
- Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
* Về lĩnh vực hóa đơn: Có 07 hành vi:
- Hành vi vi phạm quy định về báo cáo việc nhận in hóa đơn đặt in
- Hành vi vi phạm nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành
- Hành vi vi phạm nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng
- Hành vi vi phạm quy định về khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã thông báo phát hành
- Hành vi vi phạm quy định về hủy, tiêu hủy hóa đơn (do doanh nghiệp thông báo hủy hóa đơn không sử dụng hoặc do cơ quan thuế thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng)
- Hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn
- Hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.
* Về lĩnh vực cưỡng chế thuế: Có 01 hành vi:
-Hành vi vi phạm về tiền nợ thuế.
Giải pháp 2: Xác định tiêu chí cảnh báo sớm các vi phạm của doanh nghiệp.
- Tiêu chí cảnh báo sớm các vi phạm cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh;
- Tiêu chí cảnh báo sớm các vi phạm cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế;
Giải pháp 3: Giải pháp cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.
- Bước 1: Nhập thông tin vào Hệ thống Thông tin doanh nghiệp
- Bước 2: Gửi thông tin cảnh báo sớm cho doanh nghiệp. Các tin nhắn được lập trình tự động tại Hệ thống thông tin doanh nghiệp, có chế độ theo dõi và giám sát của cán bộ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Giải pháp 4: Thông báo doanh nghiệp vi phạm.
Đến hết thời hạn quy định mà doanh nghiệp không thực hiện các quy định của pháp luật về thuế và đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế gửi Thông báo vi phạm đến doanh nghiệp qua các kênh:
- Tin nhắn (email, tin nhắn điện thoại, tin nhắn Zalo,…). Các tin nhắn được lập trình tự động tại Hệ thống thông tin doanh nghiệp, có chế độ theo dõi và giám sát của cán bộ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
- Gửi văn bản bằng bản giấy đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Giải pháp 5: Xử lý vi phạm.
Cán bộ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế nhập thông tin quá trình vi phạm của doanh nghiệp vào Hệ thống Thông tin doanh nghiệp để theo dõi và giám sát đồng bộ.
Giải pháp 6: Xây dựng Quy chế liên thông giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế về cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.
Việc xây dựng Quy chế liên thông được thực hiện trên các nguyên tắc:
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhận được thông tin cảnh báo sớm nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, pháp luật về thuế, cũng như hạn chế và ngăn chặn ở mức thấp nhất các hành vi vi phạm, giảm thiểu các chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh thực hiện đúng các nội dung của Đề án này, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các cảnh báo sớm.
- Các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan khi nhận được các thông tin cảnh báo sớm từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế tỉnh.
Giải pháp 7: Tăng cường công tác đào tạo, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp.
Phát huy vai trò truyền thông của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh truyền hình (TRT, VTV8); các Tờ báo doanh nghiệp quan tâm như Báo đầu tư, Tạp chí kinh tế,…; trên các Trang Thông tin điện tử các các cơ quan, đơn vị, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Huế S, Fanpage,… để tăng cơ hội tiếp xúc và tiếp cận quy định pháp luật cho doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: là cơ quan tham mưu, điều phối về triển khai thực hiện Đề án.
Cục Thuế tỉnh: Là cơ quan phối hợp trong việc triển khai thực hiện Đề án.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, về thuế và hóa đơn; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận các cảnh báo sớm, thực hiện theo hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để hạn chế các hành vi vi phạm.
Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh: tuân thủ các quy định pháp luật trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; Có trách nhiệm phản hồi tại Hệ thống thông tin doanh nghiệp khi nhận được các tin nhắn nhắc nhở cảnh báo việc thực hiện các quy định pháp luật về thuế và đăng ký doanh nghiệp.Thực hiện theo hướng dẫn của Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế để tránh bị xử phạt hành chính các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.