Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Chị Trần Thị Hà là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Hà, Công ty chị có kế hoạch đầu tư một số xe buýt phục vụ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định từ tháng 6 năm nay trên địa bàn thành phố H, tỉnh B. Chị muốn biết theo quy định của pháp luật hiện nay, xe ô tô để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt cần đáp ứng yêu cầu gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 29 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải ) quy định:
1. Phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.
2. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
3. Có phù hiệu “XE BUÝT” theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
4. Niêm yết thông tin:
a) Niêm yết bên ngoài xe:
Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm;
Hai bên thành xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT;”.
b) Niêm yết bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; số điện thoại di động đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách;
c) Bên trong xe có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm ở vị trí hành khách dễ quan sát, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; biển cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Như vậy, xe ô tô để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt cần đáp ứng các yêu cầu như đã nêu trên.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
2. Anh Nguyễn Đình Thuận là Giám đốc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp anh muốn làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế. Do đó anh muốn hỏi: Công ty anh phải nộp hồ sơ gồm những tài liệu gì để làm thủ tục này?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 144/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức quy định:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 144/2018/NĐ-CP nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác theo quy định. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 144/2018/NĐ-CP;
b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật;
c) Báo cáo tài chính được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện kiểm toán thì phải được tổ chức ngân hàng hoặc tổ chức, cá nhân khác bảo lãnh tương đương; hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 144/2018/NĐ-CP nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 144/2018/NĐ-CP;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do Cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
3. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc ngày đến ghi trên dấu bưu điện, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 144/2018/NĐ-CP.
Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
5. Nếu có thay đổi một trong những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trong thời hạn có hiệu lực, người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế phải làm thủ tục theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 144/2018/NĐ-CP để đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.
Như vậy, việc để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế thì Công ty anh Thuận cần hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục theo các quy định nêu trên.
Việc thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải
3. Ông Bùi Tấn H và ông Trần Đăng A là Giám đốc các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 24 chỗ và vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ, xe đầu kéo. Qua tìm hiểu ông H và ông A được biết trong năm 2021 các loại xe này phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe nên hai ông muốn hỏi việc thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải cần đảm bảo các yêu cầu gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định:
2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau:
a) Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p. Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng (bao gồm cả vào ban đêm);
b) Dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640x480 pixel. Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại;
c) Các dữ liệu được ghi và lưu trữ tại camera lắp trên xe và tại máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình bảo đảm quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe. Đơn vị kinh doanh vận tải niêm yết hướng dẫn việc trích xuất dữ liệu từ camera ở vị trí dễ quan sát để người lái xe theo dõi, các thông tin niêm yết gồm:
a) Số điện thoại, địa chỉ liên hệ đơn vị lắp đặt camera lắp trên xe;
b) Trạng thái hoạt động, truyền dữ liệu của thiết bị thông qua tín hiệu hoặc báo hiệu;
c) Thao tác kết nối camera với máy tính hoặc kết nối với thiết bị chuyên dụng để đọc, trích xuất dữ liệu.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe ô tô.
Như vậy, việc thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải cần đảm bảo các yêu cầu như đã viện dẫn nêu trên.
Trình tự thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể cho trung tâm sát hạch lái xe loại 1
4. Bà Trần Thị Hồng cho biết Doanh nghiệp chị đang chuẩn bị làm thủ tục đề nghị chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể cho trung tâm sát hạch lái xe loại 1. Để đảm bảo cho việc bố trí mặt bằng cho trung tâm sát hạch đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành. Chị muốn hỏi trình tự thực hiện thủ tục này được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 3 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ) quy định:
5. Trung tâm sát hạch lái xe là cơ sở được xây dựng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cung cấp dịch vụ sát hạch lái xe và được phân loại như sau:
a) Trung tâm sát hạch loại 1: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F (FB2, FC, FD, FE);
b) Trung tâm sát hạch loại 2: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2 và hạng C;
c) Trung tâm sát hạch loại 3: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 và hạng A4.
Như vậy, Trung tâm sát hạch loại 1 là Trung tâm thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F (FB2, FC, FD, FE);
Điều 20 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 138/2018/NĐ-CP) quy định khi làm thủ tục chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể hình sát hạch trung tâm sát hạch lái xe loại 1 thì cần phải nộp các hồ sơ và trình tự thực hiện như sau:
1. Hồ sơ bao gồm:
a) Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) trừ các dự án không phải phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên) (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
b) Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể;
c) Giấy phép xây dựng (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
d) Hồ sơ thiết kế hình sát hạch, bản kê khai loại xe cơ giới dùng để sát hạch, loại thiết bị chấm điểm tự động.”.
2. Trình tự thực hiện
a) Tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị kèm 02 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản chấp thuận gửi tổ chức, cá nhân đồng thời gửi Sở Giao thông vận tải; trường hợp không chấp thuận phải trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quá thời hạn trên, nếu không có văn bản trả lời thì được coi như đã chấp thuận đề nghị.
Như vậy, để được chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể hình sát hạch trung tâm sát hạch lái xe loại 1 thì chị Hồng cần phải nộp hồ sơ và thực hiện theo trình tự thủ tục nêu trên.
Đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp
5. Anh Nguyễn Văn B là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hưng Thịnh có trụ sở đặt tại phường P thành phố H chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa, để mở rộng thị trường kinh doanh cho công ty, anh B muốn mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại phường C, thành phố Đông Hà, tỉnh QT. Do đó, anh hỏi theo quy định hiện nay, việc đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Điều 20 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định:
1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp.
2. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
3. Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
4. Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
Như vậy, việc đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 20 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.
Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm sát hạch lái xe loại 3
6. Doanh nghiệp anh Đặng Trần Q đã đầu tư xây dựng trung tâm sát hạch lái xe loại 3 trên địa bàn thành phố H. Hiện doanh nghiệp anh đang chuẩn bị làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm này. Do đó, anh muốn biết theo quy định của pháp luật thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và các hồ sơ cần phải nộp, trình tự thực hiện được quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 3 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ) quy định:
5. Trung tâm sát hạch lái xe là cơ sở được xây dựng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cung cấp dịch vụ sát hạch lái xe và được phân loại như sau:
a) Trung tâm sát hạch loại 1: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F (FB2, FC, FD, FE);
b) Trung tâm sát hạch loại 2: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2 và hạng C;
c) Trung tâm sát hạch loại 3: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 và hạng A4.
Như vậy, Trung tâm sát hạch loại 3 là Trung tâm để thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 và hạng A4.
Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động trung tâm sát hạch lái xe như sau:
a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2;
b) Sở Giao thông vận tải cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm sát hạch lái xe loại 3 trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”.
Như vậy, Sở Giao thông vận tải tỉnh H là đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm sát hạch lái xe loại 3 trên địa bàn tỉnh.
Về hồ sơ, trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận hoạt động trung tâm sát hạch lái xe loại 3 được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP như sau:
1. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy phép xây dựng (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
b) Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể, hồ sơ thiết kế kích thước hình sát hạch, loại xe cơ giới dùng để sát hạch.
2. Trình tự thực hiện
a) Sau khi xây dựng xong trung tâm sát hạch lái xe, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Giao thông vận tải đề nghị cấp giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động;
b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô
7. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung là Giám đốc doanh nghiệp HQ có trụ sở tại phường A, thành phố H. Doanh nghiệp chị muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô. Do đó, chị muốn biết theo quy định của pháp luật hiện nay thì để kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô cần phải đáp ứng các điều kiện gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 5, Điều 6, Điều 7 và khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ) quy định:
Điều 5. Điều kiện chung của cơ sở đào tạo lái xe ô tô
Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật
1. Hệ thống phòng học chuyên môn
a) Bao gồm các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 02 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 02 phòng học Kỹ thuật lái xe; với lưu lượng 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 03 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 03 phòng học Kỹ thuật lái xe;
c) Phòng học Pháp luật giao thông đường bộ: Có thiết bị nghe nhìn (màn hình, máy chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình;
d) Phòng học Cấu tạo và sửa chữa thông thường: Có mô hình cắt bỏ động cơ, hệ thống truyền lực; mô hình hệ thống điện; hình hoặc tranh vẽ sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái;
đ ) Phòng học Kỹ thuật lái xe: Có phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (băng đĩa, đèn chiếu...); có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe;
e) Phòng học Nghiệp vụ vận tải: Có hệ thống bảng, biểu phục vụ giảng dạy nghiệp vụ chuyên môn về vận tải hàng hóa, hành khách; có các tranh vẽ ký hiệu trên kiện hàng;
g) Phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa: Có hệ thống thông gió và chiếu sáng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; nền nhà không rạn nứt, không trơn trượt; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để bảo dưỡng sửa chữa; có tổng thành động cơ hoạt động tốt, hệ thống truyền động, hệ thống lái, hệ thống điện; có bàn tháo lắp, bảng, bàn ghế cho giảng dạy, thực tập;
2. Xe tập lái
a) Có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;
b) Thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng;
d) Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo;
3. Sân tập lái xe
a) Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;
b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 02 sân tập lái xe theo quy định;
c) Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng;
d) Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường; hình các bài tập lái xe ô tô phải được bó vỉa;
đ) Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành;
e) Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8.000 m2; hạng B1, B2 và C là 10.000 m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000 m2.
Điều 7. Điều kiện về giáo viên
1. Có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này.
2. Đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên dạy thực hành lái xe trên 01 xe tập lái.
Điều 8. Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, Giấy chứng nhận và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe ô tô
1. Tiêu chuẩn chung: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
2. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;
3. Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
b) Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;
c) Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 65/2016/NĐ-CP.
Như vậy, để kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô thì phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, về cơ sở vật chất, giáo viên phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định viện dẫn nêu trên.
Kiểm định cân ô tô
8. Anh Bùi Xuân A là giám đốc doanh nghiệp tư nhân X có trụ sở tại phường B, thành phố H, anh A cho biết hiện Doanh nghiệp anh đang chuẩn bị nhập khẩu cân ô tô để kinh doanh. Anh muốn biết cân ô tô cần phải thực hiện những hoạt động kiểm định nào? Yêu cầu đối với việc thực hiện kiểm định cân ô tô được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2 Điều 21 Luật Đo lường năm 2011 quy định:
2. Phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, kiểm định sau sửa chữa.
Cân ô tô thuộc phương tiện đo nhóm 2 được quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (được sửa đổi tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo quy định tại Bảng này, cân ô tô phải thực các biện pháp kiểm định gồm: Kiểm định ban đầu, Kiểm định định kỳ, Kiểm định sau sửa chữa.
Yêu cầu đối với việc thực hiện kiểm định được quy định tại Điều 20 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN như sau:
Điều 20. Yêu cầu đối với thực hiện kiểm định
1. Việc kiểm định do cơ sở có phương tiện đo cần kiểm định lựa chọn, thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức kiểm định được chỉ định có phạm vi kiểm định phù hợp thuộc Danh mục các tổ chức kiểm định được chỉ định.
Danh mục các tổ chức kiểm định được chỉ định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục (viết tắt của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
2. Việc kiểm định do kiểm định viên đo lường của tổ chức kiểm định được chỉ định thực hiện. Kiểm định viên đo lường phải được chứng nhận và cấp thẻ theo quy định.
3. Việc kiểm định được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại quy trình kiểm định phương tiện đo tương ứng do Tổng cục ban hành.
4. Trường hợp phương tiện đo chưa có quy trình kiểm định, Tổng cục chỉ định một tổ chức kiểm định xây dựng, trình Tổng cục phê duyệt quy trình kiểm định tạm thời và tiến hành kiểm định.
Căn cứ để xây dựng quy trình kiểm định tạm thời là khuyến nghị của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), tiêu chuẩn của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn của nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến mẫu.
5. Chứng chỉ kiểm định được làm theo mẫu thống nhất trong toàn quốc.
6. Chứng chỉ kiểm định phải được in ấn, chế tạo, phát hành, quản lý và sử dụng theo đúng quy định. Chứng chỉ kiểm định cấp cho phương tiện đo được kiểm định đạt yêu cầu có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
7. Thời hạn có giá trị của chứng chỉ kiểm định sẽ chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Chu kỳ kiểm định đã hết;
b) Đã có sự thay đổi hoặc cải tiến làm thay đổi đặc trưng kỹ thuật đo lường của phương tiện đo;
c) Phương tiện đo đã hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định;
d) Các chứng chỉ kiểm định bị mất, bị hỏng hoặc hư hại khác.
Như vậy, cân ô tô cần phải thực hiện những hoạt động kiểm định và việc thực hiện kiểm định cân ô tô được thực hiện theo các quy định viện dẫn nêu trên.
Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
9. Doanh nghiệp anh Lê Văn Đông đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Anh muốn biết những trường hợp nào thì giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường sẽ bị chấm dứt hiệu lực và thẩm quyền chấm dứt hiệu lực được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 8 Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường quy định:
Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp không còn hiệu lực khi bị chấm dứt hiệu lực. Trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thực hiện như sau:
1. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không duy trì đúng một trong các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 3 hoặc không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều 11; nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 105/2016/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quyết định chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký đã cấp (sau đây viết tắt là quyết định chấm dứt hiệu lực chứng nhận đăng ký).
2. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm vi phạm pháp luật bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký, đình chỉ hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quyết định chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký.
3. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bị phá sản hoặc giải thể, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quyết định chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký.
4. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đề nghị không tiếp tục thực hiện toàn bộ lĩnh vực hoạt động đã được chứng nhận đăng ký, trình tự chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thực hiện như sau:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ gửi trực tiếp văn bản đề nghị kèm theo giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc đăng ký trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quyết định chấm dứt hiệu lực chứng nhận đăng ký.
Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường sẽ bị chấm dứt hiệu lực và thẩm quyền chấm dứt hiệu lực được thực hiện theo các quy định viện dẫn nêu trên.
Hợp đồng mua bán hàng hóa
10. Công ty anh H và doanh nghiệp X ký hợp đồng mua bán hàng hóa, đã thỏa thuận về thời điểm giao hàng của Doanh nghiệp X cho công ty anh H và không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên doanh nghiệp X lại giao hàng trước thời điểm đã thỏa thuận là 03 ngày. Do đó anh H hỏi trong trường hợp này, Công ty anh có quyền không nhận hàng hóa không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 quy định giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa:
1. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
2. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật này.
Điều 37 Luật Thương mại năm 2005 quy định thời hạn giao hàng:
1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.
2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.
Điều 38 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Như vậy, căn cứ quy định tại Điều 38 Luật Thương mại năm 2005 thì trường hợp doanh nghiệp X giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận mà các bên không có thỏa thuận khác thì Công ty anh H có quyền nhận hoặc không nhận hàng.
Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển
11. Chị Bùi Thị H cho biết Doanh nghiệp chị đang xây dựng hồ sơ yêu cầu mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển và hồ sơ yêu cầu cung cấp nước, nước đá chợ đầu mối thủy sản do Doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, chị muốn hỏi về yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển và yêu cầu về nước, nước đá đối với chợ đầu mối nông lâm thủy sản được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điểm 1.3.1 mục 1.3 Phần 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản - Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
1.3.1. Chợ đầu mối nông lâm thủy sản
Nơi có địa điểm cố định, diễn ra các hoạt động tập kết, mua bán sản phẩm, hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm), sau đó được phân phối đến các chợ bán lẻ hoặc các kênh lưu thông khác.
Mục 2.4, mục 2.5 Phần 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản - Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
2.4. Yêu cầu về nước, nước đá
2.4.1. Nước rửa, sơ chế sản phẩm phải đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT.
2.4.2. Nước để vệ sinh chợ, thiết bị, dụng cụ phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT.
2.4.3. Nước đá bảo quản thủy sản được cung cấp từ cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đáp ứng QCVN 02-08:2009/BNNPTNT; nước đá sử dụng để ăn uống trực tiếp theo quy định tại QCVN 10:2011/BYT; quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng nước đá phải bảo đảm vệ sinh.
2.5. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển
2.5.1. Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm sản phẩm, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT và QCVN 12-4:2015/BYT tương ứng.
2.5.2. Trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, bảo quản, vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm; dễ làm vệ sinh và khử trùng; được vệ sinh sạch trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc hoạt động mua bán.
2.5.3. Thiết bị, dụng cụ giám sát, đo lường chất lượng, an toàn sản phẩm phải đảm bảo độ chính xác, được bảo dưỡng và kiểm định định kỳ theo quy định pháp luật về đo lường.
2.5.4. Dụng cụ thu gom rác thải có nắp đậy; phương tiện và dụng cụ làm vệ sinh được cất giữ khu vực riêng.
2.5.5. Phương tiện vận chuyển phải bảo đảm vệ sinh; duy trì điều kiện bảo quản phù hợp với tính chất của từng loại sản phẩm và theo công bố nhà sản xuất.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Chợ đầu mối nông lâm thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu về nước, nước đá và yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển theo quy định tại mục 2.4 và mục 2.5 Phần 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản - Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như đã viện dẫn nêu trên.
Hoạt động kiểm định xe cơ giới
12. Anh Ngô Văn D là Giám đốc Doanh nghiệp A đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và chuẩn bị đi vào hoạt động. Để đảm bảo việc hoạt động của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật anh muốn biết số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm được quy định thế nào? Tại đơn vị đăng kiểm thì cần phải niêm yết những nội dung gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 26 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới như sau:
Số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 08 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định như sau:
1. Trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên.
2. Không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Trường hợp dây chuyền kiểm định loại II chỉ sử dụng để kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg thì số lượng xe kiểm định được áp dụng như đối với dây chuyền loại I.
Dây chuyền kiểm định loại I và dây chuyền kiểm định loại II được giải thích tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP như sau:
Dây chuyền kiểm định là nơi bố trí vị trí kiểm định, lắp đặt các thiết bị kiểm tra. Dây chuyền kiểm định gồm có hai loại:
a) Dây chuyền kiểm định loại I là dây chuyền kiểm định được xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg.
b) Dây chuyền kiểm định loại II là dây chuyền kiểm định được xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 13.000 kg.
Điều 12 Thông tư số 18/2019/TT-BGTVT ngày 20/5/2019 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định:
1. Phòng chờ phải được niêm yết các nội dung về quy trình kiểm định, biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (nếu có).
2. Xưởng kiểm định phải được niêm yết các nội dung sau:
a) Quy định về an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy;
b) Nội quy sử dụng thiết bị kiểm tra: được trình bày thành từng bảng có vị trí treo tương ứng với từng thiết bị;
c) Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng.
Như vậy, số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm và nội dung cần phải niêm yết tại đơn vị đăng kiểm được thực hiện theo các quy định viện dẫn nêu trên.
Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa
13. Chị Trần Kiều Trang là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ MT cho biết trong quý IV năm nay, công ty chị bắt đầu triển khai hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa. Để chuẩn bị phương tiện kinh doanh, chị muốn biết những nội dung cần đáp ứng đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá theo quy định hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 46 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá phải đáp ứng các quy định tại khoản 6 Điều 9 và Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
2. Phải được niêm yết các thông tin theo quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT .
3. Vị trí niêm yết thông tin
a) Đối với xe ô tô tải, xe đầu kéo: niêm yết ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái;
b) Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc có thùng chở hàng: niêm yết ở mặt ngoài hai bên thùng xe;
c) Đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc không có thùng chở hàng: niêm yết thông tin trên bảng bằng kim loại được gắn với khung xe tại vị trí dễ quan sát bên cạnh hoặc phía sau.
4. Xe ô tô vận tải hàng hóa phải có kích thước thùng xe đúng theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
5. Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn sử dụng theo quy định, dụng cụ thoát hiểm.
6. Phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ” gắn trên xe công-ten-nơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này; Phù hiệu “XE TẢI” gắn trên xe tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT; phù hiệu “XE ĐẦU KÉO” gắn trên xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
7. Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
Khoản 6 Điều 9 và Điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 9. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
6. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 14. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Như vậy, ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá cần đáp ứng các quy định như đã viện dẫn nêu trên.
Kinh doanh bến xe hàng
14. Doanh nghiệp anh Đặng Ngọc Tuân muốn đầu tư xây dựng bến xe hàng, dự định đưa vào khai thác từ cuối năm 2021. Để đảm bảo việc kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, anh muốn biết những quy định cần tuân thủ của đơn vị kinh doanh bến xe hàng theo quy định hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 57 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Bến xe hàng đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe.
2. Nội dung kinh doanh bến xe hàng
a) Dịch vụ xe ra, vào bến;
b) Dịch vụ xếp, dỡ hàng hoá;
c) Dịch vụ trông giữ phương tiện vận tải hàng hóa;
d) Kinh doanh các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.
3. Quy định đối với đơn vị kinh doanh bến xe hàng
a) Thực hiện các quy định tại khoản 13 Điều 3, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và các quy định tại Điều 6 của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
b) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại bến xe hàng;
c) Niêm yết công khai nội quy bến xe hàng, giá các dịch vụ tại bến xe, tên và số điện thoại Sở Giao thông vận tải địa phương để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
d) Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng tài sản, hàng hoá trong thời gian đơn vị cung ứng dịch vụ theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết hoặc theo thảo thuận giữa hai bên hoặc theo phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài;
đ) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 nêu trên;
g) Thu giá dịch vụ xe ra, vào bến xe theo quy định;
h) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bến xe hàng để đón, trả khách;
i) Có quyền từ chối phục vụ đối với khách hàng không chấp hành nội quy bến xe;
k) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Định kỳ hàng tháng, Sở Giao thông vận tải công bố thông tin về danh mục các bến xe hàng trên địa bàn trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì bến xe hàng cần phải đảm bảo theo các quy định viện dẫn nêu trên.
Đại lý bán vé cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
15. Chị Lê Thanh Tâm ở tại phường Phú Hội, thành phố H muốn làm đại lý bán vé cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định. Do đó, chị hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành để làm đại lý bán vé cần đáp ứng những quy định gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định:
Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.
Điều 58 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải có quy định cụ thể về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm nơi đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp trùng với điểm cho phép xe dừng đón, trả khách do Sở Giao thông vận tải địa phương công bố.
Như vậy, đại lý bán vé cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định cần đáp ứng các quy định tại Điều 58 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT như viện dẫn nêu trên.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
16. Do tình hình dịch Covid - 19 nên hoạt động taxi của Công ty HT do anh Trần Ngọc T làm Giám đốc gặp nhiều khó khăn vì vậy Công ty anh muốn đăng ký hoạt động kinh doanh hành khách bằng xe taxi vào Quý IV năm 2021. Anh muốn hỏi xe taxi để kinh doanh vận tải hành khách theo quy định hiện nay cần đáp ứng yêu cầu gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 38 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Xe taxi phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
2. Phải được niêm yết thông tin như sau:
a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã. Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả.
3. Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
4. Phù hiệu của xe taxi
a) Phù hiệu “XE TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Phù hiệu xe taxi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định riêng đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý hoặc theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.
Phù hiệu riêng phải có mã code QR và kích thước thống nhất theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp địa phương tự in ấn, phát hành phải thông báo mẫu phù hiệu riêng về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện;
c) Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
5. Cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính phía trước và kính phía sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này (trừ trường hợp xe có gắn hộp đèn).
6. Trong xe phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn.
Điều 6 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
a) Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;
c) Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
2. Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền
a) Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình;
b) Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
a) Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến;
b) Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
4. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị trước khi thực hiện kinh doanh vận tải.
6. Xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
Như vậy, xe taxi để vận chuyển hành khách phải đáp ứng các quy định tại Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và Điều 6 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.
Xe trung chuyển hành khách
17. Công ty anh Ngô Văn Ngọ chuyên kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Từ tháng 2 năm 2021, Công ty anh bắt đầu sử dụng xe trung chuyển hành khách. Do đó, anh muốn hỏi các quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách doanh nghiệp cần phải tuân thủ được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 21 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Xe trung chuyển phải đáp ứng các quy định tại khoản 9 Điều 3, khoản 5 Điều 4, khoản 1 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, niên hạn được tính theo quy định về niên hạn của xe ô tô chở người quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ.
2. Phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã. Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm.
3. Phù hiệu cấp cho xe trung chuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.
Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.
Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định:
Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng:
1. Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng.
2. Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người.
3. Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01 tháng 01 năm 2002.
Như vậy, xe trung chuyển hành khách phải đáp ứng các quy định theo Điều 21 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và các quy định viện dẫn nêu trên.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
18. Công ty chị Lê Thị Diệu H đang chuẩn bị phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định. Chị muốn biết theo quy định của pháp luật hiện nay xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có bắt buộc phải có phù hiệu không? Nếu có thì việc lắp dán phù hiệu được thực hiện như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 7 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định:
Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
Khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
a) Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm;
c) Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:
Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Như vậy, theo các quy định trên thì doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”. Việc lắp dán phù hiệu thực hiện theo quy định tại tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.
Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí
19. Anh Trần Minh Phương mới được tuyển dụng làm trưởng bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí (LPG, LNG, CNG). Để phục vụ hoạt động quản lý doanh nghiệp, anh muốn biết về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định:
1. Khí quy định tại Nghị định là khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng và khí thiên nhiên nén.
2. Khí dầu mỏ hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (công thức hóa học C3H8) hoặc butan (công thức hóa học C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khí được nén đến một áp suất hoặc làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng.
3. Khí thiên nhiên hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon ở thể lỏng, có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hóa học: CH4 tên tiếng Anh: Liquefied Natural Gas (viết tắt là LNG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LNG ở thể khí và khi được làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LNG chuyển sang thể lỏng.
4. Khí thiên nhiên nén là sản phẩm hydrocabon ở thể khí được nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar), có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hóa học: CH4 tên tiếng Anh: Compressed Natural Gas (viết tắt là CNG).
Điều 34 Nghị định 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định:
1. Chỉ vận chuyển khí theo hợp đồng cho thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và thực hiện đúng cam kết đã ghi trong hợp đồng.
2. Không vận chuyển khí không có nguồn gốc xuất xứ, khí kém chất lượng; LPG chai không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; không mua, bán, vận chuyển các loại chai LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác không có hợp đồng đang lưu thông trên thị trường.
3. Được thuê phương tiện vận chuyển khí bảo đảm đủ điều kiện quy định hiện hành, được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
4. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan về an toàn vận chuyển hàng hóa; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng khí trong quá trình giao nhận, vận chuyển.
5. Mua bảo hiểm phương tiện vận chuyển theo quy định và mua bảo hiểm hàng hóa sau khi thỏa thuận đã được chủ hàng chấp nhận.
6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của thương nhân thuê vận chuyển và cơ quan chức năng có thẩm quyền.
7. Người điều khiển phương tiện, người áp tải, thủ kho phải được huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định.
8. Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Như vậy, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 34 Nghị định 87/2018/NĐ-CP như đã viện dẫn nêu trên.
Quy định về kinh doanh bến xe khách
20. Doanh nghiệp tư nhân của anh Văn Viết Huy đang đầu tư kinh doanh bến xe khách, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 9 năm 2021. Để xây dựng kế hoạch quản trị doanh nghiệp, anh muốn biết đơn vị kinh doanh bến xe khách hiện nay cần phải tuân thủ những quy định gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 56 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định:
1. Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương các quy định của đơn vị về quyền hạn, trách nhiệm, danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào Lệnh vận chuyển.
2. Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bến xe khách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT .
3. Thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách theo quy định
a) Trang bị phần mềm quản lý bến xe và cung cấp các thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với thời gian không quá 03 phút, kể từ khi được cập nhật trên phần mềm của bến xe khách. Dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, không cắt xén, không bị sửa đổi hoặc hiệu chỉnh làm sai lệch giá trị trước, trong và sau khi truyền;
b) Thông tin do bến xe khách cung cấp được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông vận tải khi có yêu cầu;
c) Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý bến xe khách cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi có yêu cầu;
d) Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin về phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến và các thông tin tại điểm a khoản này tối thiểu 03 năm;
đ) Trực tiếp thực hiện các quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản này hoặc ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý.
4. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách cần phải tuân thủ các quy định viện dẫn nêu trên.