Tình huống 1. Ông Nguyễn An đang lập hồ sơ đăng ký công ty cổ phần, ông muốn biết cùng với việc nộp hồ sơ đăng ký công ty cổ phần thì ông nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu được không? Nếu được thì hồ sơ đăng ký thuế lần đầu bao gồm những giấy tờ gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì hồ sơ đăng ký thuế là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Người nộp thuế là tổ chức đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký thuế;
b) Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực;
c) Các giấy tờ khác có liên quan.”
Như vậy, cùng với việc nộp hồ sơ đăng ký công ty cổ phần thì ông Nguyễn An có quyền nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và hồ sơ đăng ký thuế cùng với đăng ký công ty cổ phần là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu bao gồm các loại giấy tờ nêu tại khoản 2 như trên.
Tình huống 2. Nhà máy của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Nguyệt đi vào hoạt động được 2 năm không may bị chập điện cháy kho hàng, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không thể nộp thuế đúng thời hạn quy định. Vậy, trong trường hợp này việc nộp thuế của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Nguyệt có được gia hạn hay không? Nếu được gia hạn thì thời gian bao lâu? Hồ sơ gia hạn như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
1. Khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Quản lý thuế;
Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế quy định trường hợp bất khả kháng bao gồm:
Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.”
2. Khoản 3 Điều 62 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định thời gian gia hạn nộp thuế như sau:
Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Quản lý thuế năm 2019.
Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
3. Khoản 2 Điều 64 Luật quản lý thuế năm 2019 quy định hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm:
Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn nêu trên nếu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Nguyệt có đơn đề nghị chậm nộp thuế với lý do bị hỏa hoạn cháy kho hàng thì được gia hạn nộp thuế. Thời gian gia hạn hộp thuế không quá 02 năm. Hồ sơ gia hạn nộp thuế bao gồm văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế và tài liệu chứng minh lý do gia hạn theo quy định viện dẫn như trên.
Tình huống 3. Ông Cao Văn Thành là chủ doanh nghiệp tư nhân Đại Thành, trong khi điều khiển xe mô tô từ công ty về nhà thì bị một người lái xe ô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm ông Thành bị chấn thương sọ não, đã điều trị nhưng ông Thành mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Được biết, trước thời gian xảy ta tai nạn, doanh nghiệp Đại Thành đã nợ tiền thuế. Vậy trong trường hợp này, doanh nghiệp tư nhân Đại Thành có được khoanh tiền thuế nợ không? Nếu được thì thủ tục, thời gian, hồ sơ như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
1. Khoản 1 Điều 83 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ:
Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày được cấp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
2. Hồ sơ, thời gian, thủ tục được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1,điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (viết tắt là Nghị định 126/2020/NĐ-CP) như sau:
+ Hồ sơ gồm: Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
+ Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày có quyết định của Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự đến khi Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự hoặc được xóa nợ theo quy định.
+ Thủ tục khoanh nợ: Khi có đầy đủ hồ sơ nêu trên thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành quyết định khoanh nợ theo Mẫu số 01 /KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm bắt đầu của thời gian khoanh nợ quy định.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì kể từ ngày có Quyết định của Tòa án tuyên bố ông Cao Văn Thành mất năng lực hành vi dân sự thì doanh nghiệp tư nhân Đại Thành được khoanh tiền thuế nợ. Hồ sơ, thời gian, thủ tục được hướng dẫn theo trình tự nêu trên.
Tình huống 4. Doanh nghiệp tư nhân Lộc Phát ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Ngô Đồng mua 02 xe ô tô tải. Doanh nghiệp tư nhân Lộc phát muốn biết khi doanh nghiệp đưa 02 xe ô tô này vào chuyên kinh doanh việc đưa đám tang có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 4 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế, trong đó có xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;”
Như vậy, việc doanh nghiệp tư nhân Lộc Phát đưa 02 xe ô tô vào chuyên kinh doanh việc đưa đám tang không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như quy định viện dẫn nêu trên.
Tình huống 5. Anh Nguyễn Ngọc vừa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Ngọc, kinh doanh mặt hàng rượu và thuốc lá điếu, xì gà. Anh Ngọc băn khoăn không biết với những mặt hàng mà doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Ngọc kinh doanh phải chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định:
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá, dịch vụ được quy định theo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt sau đây:
BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
STT
|
Hàng hoá, dịch vụ
|
Thuế suất (%)
|
I
|
Hàng hoá
|
|
1
|
Thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá
|
65
|
2
|
Rượu
|
|
|
a) Rượu từ 20 độ trở lên
|
|
|
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012
|
45
|
|
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013
|
50
|
|
b) Rượu dưới 20 độ
|
25
|
Như vậy, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu và thuốc lá điếu, xì gà được tính theo quy định viện dẫn nêu trên.
Tình huống 6. Chị Chi vừa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân Chi Lăng chuyên sản xuất, mua bán vàng mã, hàng mã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đợt lũ lụt năm 2020, kho để vàng mã, hàng mã của doanh nghiệp bị chìm trong nước lũ dẫn đến hàng hóa bị thấm nước hỏng 50%. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có được miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 9 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn nêu trên, doanh nghiệp Chi Lăng không được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt mà chỉ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mức giảm không quá 30% số thuế phải nộp của năm 2020.
Tình huống 7. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Tín chuyên kinh doanh đồ nội thất, trong quá trình hoạt động sản xuất có tuyển dụng 01 kế toán vừa mới ra trường, trong quá trình thực hiện hồ sơ khai thuế, do chưa có kinh nghiệm nên trong hồ sơ khai thuế của công ty đã khai không đúng căn cứ tính thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp cho Nhà nước nhưng sau đó đã tự nộp bổ sung đầy đủ cho Nhà nước trước khi cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại công ty. Vậy, trong trường hợp này, với sai sót trong nghiệp vụ của kế toán, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Tín có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức xử phạt bao nhiêu?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
- Điểm a khoản 1 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bao gồm: Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, trên các hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
- Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn quy định:
+ Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:
Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 nêu trên nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;
Như vậy, với hành vi khai sai căn cứ tính thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Tín sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mặc dù sau đó công ty đã tự nộp bổ sung đầy đủ cho Nhà nước trước khi cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại công ty với mức phạt được quy định như viện dẫn nêu trên.
Tình huống 8. Trong quá trình kinh doanh hàng điện tử, công ty cổ phần Đại Tín đã không ghi chép vào sổ kế toán các khoản thu từ việc bán một số mặt hàng điện tử mà công ty đã đăng ký kinh doanh dẫn đến thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Với hành vi này của công ty cổ phần Đại Tín sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
1. Điều 17 Nghị định số125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn như sau:
a) Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP;
- Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
b) Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
c) Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a nêu trên mà có một tình tiết tăng nặng.
d) Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a nêu trên có hai tình tiết tăng nặng.
e) Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a nêu trên có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
g) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, e nêu trên.
Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các điểm a, b, c, d, e nêu trên đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, e nêu trên.
h) Các hành vi vi phạm: Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP; Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm; Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
2. Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội trốn thuế như sau:
a) Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
c) Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
d) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
e) Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt như sau:
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm a nêu trên trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c nêu trên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công ty cổ phần Đại Tín sẽ bị xử phạt hành chính hay phạt hình sự như viện dẫn nêu trên.
Tình huống 9. Công ty cổ phần Bình Minh mới đi vào hoạt động, chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc với 08 phân xưởng, 200 công nhân gia công. Công ty muốn biết với hoạt động kinh doanh sản xuất, gia công hàng may mặc thì công ty phải đóng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (viết tắt là Thông tư 219/2013/TT-BTC) và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC .
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.
Ví dụ 50: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.
Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.”
Như vậy, với hoạt động sản xuất, gia công hàng may mặc thì công ty cổ phần Bình Minh phải đóng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.
Tình huống 10. Doanh nghiệp A đang tham khảo để nhập khẩu một số thiết bị, máy móc của Nhật Bản sản xuất để xử lý nước thải trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn biết việc nhập khẩu thiết bị, máy móc này có được miễn thuế nhập khẩu hay không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu quy định hàng hóa sau đây khi nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường, bao gồm:
a) Máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến nước thải, rác thải, khí thải, quan trắc và phân tích môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường;
b) Sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Như vậy, trường hợp các thiết bị, máy móc doanh nghiệp A nhập khẩu của Nhật Bản để xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất nếu các thiết bị, máy móc này trong nước chưa sản xuất thì khi nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu theo quy định viện dẫn nêu trên.