Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN PHÁP LÝ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
Ngày cập nhật 22/12/2020

Các tình huống liên quan pháp lý tài chính - ngân hàng

Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng

Tình huống 1: Ông Thành là chủ doanh nghiệp A, ông muốn góp vốn để thành lập một tổ chức tín dụng để thực hiện một số các hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông chưa biết nên đầu tư theo hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng nào, nên ông muốn biết pháp luật quy định các hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng quy định hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng:

1. Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

4. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

5. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

6. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Căn cứ nội dung trên, ông Thành có thể nghiên cứu để thực hiện đầu tư thành lập tổ chức tích dụng phù hợp.

 

Mức nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Tình huống 2: Các hộ gia đình tại huyện X muốn thành lập một tổ chức tín dụng dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số các hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, để cụ thể dự toán kinh phí chung, các hộ gia đình này muốn biết mức nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 1 Thông tư 33/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng như sau:

Tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng nộp lệ phí như sau:

1. Kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, nộp lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm a và điểm b Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng (sau đây gọi là Thông tư số 150/2016/TT-BTC).

Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC.

2. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC.

Căn cứ nội dung trên, Các hộ gia đình tại huyện X có thể nghiên cứu để thực hiện nộp lệ phí phù hợp với quy định của pháp luật.

Mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng

Tình huống 3: Ông Nguyễn Thắng là một Việt kiều hồi hương, ông muốn cộng tác với bạn bè của ông thành lập một tổ chức tín dụng để thực hiện một số các hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, ông muốn biết pháp luật quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 2 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

1. Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.

2. Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.

3. Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.

4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD).

5. Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.

6. Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng.

7. Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng.

8. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.

9. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

 Bảo mật thông tin

Tình huống 4: Ông Nam năm nay 60 tuổi, ông có một số tiền lớn muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng ông không muốn cho con, cháu biết. Tuy nhiên, ông lo lắng ngân hàng có đảm bảo được thông tin gửi tiết kiệm này của ông hay không. Ông muốn biết pháp luật quy định về bảo mật thông tin cá nhân có liên quan đến hoạt động ngân hàng như thế nào ?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng quy định bảo mật thong tin:

1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên ông Nam hoàn toàn yên tâm về chính sách bảo mật thông tin của khách hang.

 

 Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ

 Tình huống 5: Ông Trung là nhân viên của ngân hàng Y, ông đang được cân nhắc để bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo của ngân hàng. Tuy nhiên, ông không biết pháp luất quy định những trường hợp nào không được đảm nhiệm chức vụ?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ:

1. Những người sau đây không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương của tổ chức tín dụng:

a) Người thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

c) Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc (Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng;

d) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trừ trường hợp là đại diện theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, củng cố doanh nghiệp đó;

đ) Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 37 của Luật này hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;

e) Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được là thành viên Ban kiểm soát của cùng tổ chức tín dụng;

g) Người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được là Tổng giám đốc (Giám đốc) của cùng tổ chức tín dụng.

 

2. Những người sau đây không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của tổ chức tín dụng:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án;

c) Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;

d) Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xoá án tích;

đ) Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;

e) Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng;

g) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng quy định:

Bổ sung điểm h vào khoản 1 Điều 33 như sau:

“h) Người phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.”

3. Cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và vợ, chồng của những người này không được là Kế toán trưởng hoặc là người phụ trách tài chính của tổ chức tín dụng.

Căn cứ nội dung trên, ông Trung có thể nghiên cứu để thực hiện phù hợp với pháp luật.

 Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Tình huống 6: Ông Nam là cổ đông của Ngân hàng cổ phần X, ông muốn biết tiêu chuẩn của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16/11/2020 (Có hiệu lực kể từ ngày 01/01/20121) của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp:

- Bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp: Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước lập hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ Tổ chức cán bộ;”

-  Miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp:

+ Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước lập hồ sơ miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 14/2020/TT-NHNN này gửi Vụ tổ chức cán bộ;

+ Trong thời hạn tối đa 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản gửi đơn vị đề nghị và nêu rõ lý do.

2. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Trường hợp người không có trình độ đại học nhưng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực nêu tại Điều 3 Thông tư này và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thực tiễn trở lên ở lĩnh vực đó thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

 

Quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Tình huống 7: Ông Lê Tấn Sinh thành viên của tổ chức tín dụng O. Ông muốn biết muốn biết pháp luật quy định phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 3 Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16/11/2020 (Có hiệu lực kể từ ngày 01/01/20121) của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:

 Giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm giám định tư pháp về:

1. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;

2. Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng;

3. Hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;

4. Bảo hiểm tiền gửi;

5. Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nội dung trên, ông Sinh có thể nghiên cứu để thực hiện các quyền lợi của mình phù hợp với pháp luật.

 

Mức thu, nộp phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

Tình huống 8: Bà Lan là chủ Doanh nghiệp tư nhân X, bà muốn dùng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên trên đất tại phường X (Xưởng và Văn phòng của doanh nghiệp bà Lan) nghiệp để vay vốn ngân hàng. Nhưng không biết mức nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 1 Thông tư số 49/2020/TT-BTC ngày 01/6/2020 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, nộp phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.quy định:

 Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển nộp phí như sau:

1. Kể từ ngày có hiệu lực của Thông tư này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020:

a) Trường hợp yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc đăng ký giao dịch bảo đảm nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Thông tư số 202/2016/TT-BTC) và 80% mức thu phí quy định tại Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC (sau đây gọi là Thông tư số 113/2017/TT-BTC).

b) Trường hợp yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển nộp phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC.

c) Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển theo quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1; Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.

2. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, nộp phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển theo quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1; Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Điểm c, đ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.

Căn cứ nội dung trên, bà Lan có thể nghiên cứu để thực hiện hoạt động vay vốn của mình phù hợp với pháp luật.

 

Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa

Tình huống 9: Một thương nhân A có thực hiện hoạt động kinh doanh chuyn khẩu hàng hóa. Thương nhân A muốn biết pháp luật quy định về thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 3 Thông tư 02/2020/TT-NHNN ngày 30/3/2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóaquy định:

1. Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán và chuyển tiền riêng biệt: giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa. Giao dịch chuyển tiền thanh toán có thể được thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền.

2. Mọi hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép.

3. Thương nhân chỉ được thanh toán và chuyển tiền trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu theo hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán chính hàng hóa đó tại cùng một ngân hàng được phép.

4. Thương nhân được sử dụng ngoại tệ trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân đó, ngoại tệ mua của ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài thanh toán cho các hợp đồng mua hàng hóa.

Điều 4 Thông tư 02/2020/TT-NHNN ngày 30/3/2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóaquy định:

1. Xây dựng quy định nội bộ, trong đó có quy định về việc kiểm tra đồng thời cả hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán hàng hóa trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu khi thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài, giám sát luồng ngoại tệ chuyển ra - vào lãnh thổ Việt Nam trong kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa thông qua việc thống kê, theo dõi số liệu chuyển tiền ra và nhận tiền về trong cùng một giao dịch chuyển khẩu.

2. Khi thực hiện các giao dịch bán ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa cho khách hàng, ngân hàng được phép có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thực hiện nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Điều 5 Thông tư 02/2020/TT-NHNN ngày 30/3/2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóaquy định:

1. Xuất trình chứng từ theo quy định của ngân hàng được phép khi mua ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền phục vụ kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép.

2. Cung cấp thông tin nguồn tiền nhận về từ hợp đồng bán hàng hóa để ngân hàng được phép thống kê, theo dõi được số liệu chuyển tiền ra và nhận tiền về trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin đã cung cấp cho ngân hàng được phép.

3. Thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Không được sử dụng bộ hồ sơ chứng từ của một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa để mua ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền tại nhiều ngân hàng được phép.

Như vậy, căn cứ viện dẫn nêu trên thương nhân A thực hiện việc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo đúng quy định.

 

Nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng

Tình huống 10: Công ty X muốn thực hiện mua bảo hiểm dài hạn để tặng cho nhân viên trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên công ty X không biết các tổ chức tín dụng thường đến chào hàng có chức năng được thực hiện các hoạt động đại lý bảo hiểm không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31/12/2019 của Ngân hang nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định:

Hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm gồm một hoặc một số các hoạt động sau đây:

1. Giới thiệu khách hàng:

Tổ chức tín dụng giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chào bán bảo hiểm.

2. Chào bán bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng chào bán trực tiếp, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm; hoặc chào bán bảo hiểm thông qua các phương thức điện tử, bảo hiểm trực tuyến hoặc các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng hướng dẫn, hỗ trợ cho khách hàng lập hợp đồng bảo hiểm, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

4. Thu phí bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

5. Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm để thẩm định, ra quyết định bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền, tổ chức tín dụng bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.

6. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, các tổ chức tín dụng được hoạt động đại lý bảo hiểm.

 

Thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của tổ chức tài chính vi mô

Tình huống 11: Tổ chức tài chinh vi mô A muốn  thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện nhưng không biết cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của tổ chức tài chính vĩ mô?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 05/11/2019 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô quy định:

1. Thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô;

b) Bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô;

c) Chấp thuận chuyển đổi các đơn vị trực thuộc chương trình, dự án tài chính vi mô thành chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện của tổ chức tài chính vi mô.

2. Thẩm quyền của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn (bao gồm cả trường hợp thay đổi địa điểm trước khi khai trương hoạt động);

b) Chấp thuận việc tự nguyện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô.

Căn cứ vào viện dẫn nêu trên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của tổ chức tài chính vĩ mô.

 

Quy định về điểm giao dịch của tổ chức tài chính vi mô

Tình huống 12: Ông Nguyễn Văn Thắng là thành viên góp vốn của tổ chức tài chính vi mô L. Ông muốn tham mưu mở rộng về số lượng các điểm giao dịch. Ông muốn biết pháp luật quy định về điểm giao dịch của tổ chức tài chính vi mô như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 05/11/2019 của Ngân hang nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô quy định:

1. Tổ chức tài chính vi mô quyết định và chịu trách nhiệm về việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch do chi nhánh, phòng giao dịch quản lý trong phạm vi địa bàn hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch đó theo Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch và quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-NHNN. Việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi điểm giao dịch hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tài chính vi mô quyết định mở hoặc chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch.

2. Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện một hoặc một số hoạt động sau tại điểm giao dịch:

a) Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng;

b) Tư vấn, hướng dẫn việc thành lập nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn;

c) Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ vay vốn; tiếp nhận hồ sơ vay vốn; giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng đã ký giữa chi nhánh hoặc phòng giao dịch với khách hàng;

d) Nhận tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của một khách hàng tài chính vi mô không quá 1.000.000 đồng trong 01 ngày;

đ) Chi trả tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu tiên hàng quý, tổ chức tài chính vi mô hoặc chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô gửi văn bản thông báo danh sách các điểm giao dịch qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô. Văn bản thông báo danh sách các điểm giao dịch phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Danh sách các điểm giao dịch hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố tính đến hết ngày làm việc cuối cùng của quý trước, trong đó có các thông tin về tên chi nhánh, phòng giao dịch chịu trách nhiệm quản lý hoạt động điểm giao dịch và địa điểm nơi điểm giao dịch hoạt động;

b) Danh sách các điểm giao dịch đã mở và chấm dứt hoạt động trong quý trước.

 

 

Số lượng chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô

Tình huống 13: Tổ chức tài chính vi mô Thành Hưng muốn mở thêm chi nhánh để hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức này muốn biết pháp luật quy định số lượng chi nhánh tối đa mà tổ chức tài chính vi mô được phép thành lập?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 05/11/2019 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô quy định:

Số lượng chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô bao gồm số chi nhánh đã thành lập và số chi nhánh đang đề nghị thành lập phải đảm bảo:

03 tỷ đồng * N < C

Trong đó:

- C là giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tài chính vi mô được xác định bằng vốn điều lệ cộng (trừ) lợi nhuận lũy kế chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý) được phản ánh trên sổ sách kế toán đến thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị;

- N là số chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập.

 

  Điều lệ của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn

Tình huống 14: Ông Trung là thành viên mới của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn. Qua nắm bắt tình hình chung ông nhận thấy Điều lệ của công ty có nhiều nội dung chưa phù hợp, nhưng ông không có cơ sở pháp lý để có ý kiến. Do đó, ông muốn biết pháp luật quy định việc xây dựng các Điều lệ của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn gồm những nội dung gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng quy định Điều lệ của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn không như sau:

1. Điều lệ của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn không được trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều lệ phải có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

b) Nội dung, phạm vi hoạt động;

c) Thời hạn hoạt động;

d) Vốn điều lệ, phương thức góp vốn, tăng, giảm vốn điều lệ;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;

e) Thể thức bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;

g) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của chủ sở hữu, thành viên góp vốn đối với tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần;

h) Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên góp vốn đối với tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; quyền, nghĩa vụ của cổ đông đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần;

i) Người đại diện theo pháp luật;

k) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm soát và kiểm toán nội bộ;

l) Thể thức thông qua quyết định của tổ chức tín dụng; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

m) Căn cứ, phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;

n) Các trường hợp giải thể;

o) Thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

 

Mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị

Tình huống 15: Bà Hằng là thành viên của Hội đồng quản trị của Công ty M (là 01 tổ chức tín dụng) tại tỉnh H. Vừa qua, công ty bà có một thành viên của Hội đồng quản trị bị tai nạn rất nghiêm trọng. Sau khi đi làm lại, hành vi của người này khác với ngày thường, gây nhiều hậu quả bất lợi cho công ty. Bà nhận định người này có vấn đề về thần kinh, nên bà muốn biết pháp luật quy định những trường hợp nào mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 35 Luật Các tổ chức tín dụng quy định đương nhiên mất tư cách như sau:

1. Các trường hợp sau đây đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc):

a) Mất năng lực hành vi dân sự, chết;

b) Vi phạm quy định tại Điều 33 của Luật Các tổ chức tín dụng về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ;

c) Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của

tổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tư cách pháp nhân;

d) Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức;

đ) Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Khi tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;

g) Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực;

h) Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

2. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh về việc các đối tượng đương nhiên mất tư cách theo quy định tại khoản 1 nêu trên gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng trên đương nhiên mất tư cách và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này; thực hiện các thủ tục bầu, bổ nhiệm chức danh bị khuyết theo quy định của pháp luật.

3. Sau khi đương nhiên mất tư cách, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.

                                                               

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.544.547
Lượt truy cập hiện tại 16.841