Kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 35, Chỉ thị 26, Chỉ thị 07 và cam kết đã ký với VCCI
-
Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Với quan điểm quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tổ chức thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Chính thức đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế được hơn gần 03 năm. Cổng thông tin giúp cho doanh nghiệp tiến hành giao dịch thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp. Thẻ này cập nhật tất cả những giấy tờ Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp không cần phải nộp bản giấy này khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan trên địa bàn tỉnh góp phần giảm thành phần hồ sơ.
- Chuyển tất cả các thủ tục hành chính tại các Sở ban ngành, địa phương, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn vào tiếp nhận và giải quyết tập trung theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận kết quả của các xã, phường, thị trấn.
- Ban hành bộ chỉ số và cách thức triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban ngành và địa phương (DDCI) cùng Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 10/6/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban ngành và địa phương năm 2019 với mục đích đánh giá chất lượng năng lực điều hành cho trên 20 Sở, ngành và UBND cấp huyện, đồng thời phấn đấu năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm xếp hạng tốt hoặc khá.
2. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ
- Vận động được các nhà đầu tư tham gia góp vốn thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế với số tiền cam kết góp lên đến 03 tỷ đồng. Ngoài ra, còn huy động được hình thức hỗ trợ khác cho doanh nghiệp là hỗ trợ từ 6 tháng đến 1 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kế toán.
- Về công tác tuyên truyền: Tổ chức thành công các cuộc hội thảo, các sự kiện quảng bá, gắn với việc tuyên truyền các tấm gương điển hình về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các kênh truyền hình Đài TRT, VTV8, Báo Thừa Thiên Huế... nhằm hình thành một cộng đồng sinh viên và giới trẻ có thái độ đúng đắn về khởi nghiệp; có tinh thần, động lực khởi nghiệp mạnh mẽ; có kiến thức, kỹ năng, công cụ khi khởi nghiệp.
- Thúc đẩy thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên. Đến nay đã có các Câu lạc bộ khởi nghiệp tại Tỉnh Đoàn và các trường như: Cao đẳng Công nghiệp Huế, Đại học Y dược, Đại học Nông lâm Huế,…
- Tổ chức thành công các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp để thu hút các cá nhân và tổ chức tham gia. Hỗ trợ lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng và đưa vào chương trình ươm tạo, giúp các ý tưởng trở thành các dự án khởi nghiệp có sức sống và tồn tại được trên thị trường.
- Hình thành các “Vườn ươm khởi nghiệp”, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp như: đào tạo, tư vấn, cố vấn kèm cặp, kết nối với các nhà đầu tư, thông tin về các giải pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, các vấn đề về pháp lý và sở hữu trí tuệ... Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vườn ươm tại Tỉnh Đoàn, các trường đại học, cao đẳng và đặc biệt là vườn ươm tại CoPLUS.
- Thúc đẩy xây dựng các “không gian làm việc chung” (co-working space) và hỗ trợ văn phòng làm việc cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số co-working space tại Tỉnh Đoàn, các trường đại học, cao đẳng và Công ty CoPLUS.
3. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
- Định kỳ điều chỉnh, bổ sung và công khai kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh, địa phương và ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, các cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và công khai trên các trang thông tin của ngành và Cổng thông tin điện tử tỉnh.
- Công khai minh bạch và đầy đủ các thông tin về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn (quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất).
4. Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
- Tiếp tục thực hiện cấp thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp nhằm lưu giữ tất cả các hồ sơ doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai dịch vụ miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh với mục tiêu rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ miễn phí hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đồng thời hỗ trợ đăng ký kinh doanh trực tuyến qua mạng để giúp doanh nghiệp được miễn giảm lệ phí đăng ký kinh doanh đối với các hồ sơ hỗ trợ hoàn thiện và tất cả các hồ sơ về việc thông báo thay đổi thông tin thuế.
- Thực hiện tốt quy chế liên thông Mã số thuế - Con dấu – Tài khoản ngân nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các thủ tục cấp Mã số thuế, con dấu và tài khoản ngân hàng từ 10 ngày xuống còn 03 ngày; giảm đầu mối đi lại làm việc từ 03 cơ quan đơn vị xuống còn 01 cơ quan đơn vị; đồng thời hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành lập mới miễn phí cho doanh nghiệp.
- Tạo lập kênh trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với doanh nghiệp theo chủ đề để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như phổ biến những thông tin định hướng, những chính sách liên quan đến doanh nghiệp.
5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã công khai số điện thoại đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận tất cả các phản ánh từ các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo hướng thống nhất chương trình thanh tra, kiểm tra để tránh trùng lắp, đảm bảo không thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra.
6. Ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, như ban hành: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018; Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 01/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định định mức, điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
7. Tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các chương trình: cafe doanh nhân, các hoạt động của doanh nghiệp tại các buổi sinh hoạt hội viên do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân tỉnh tổ chức (Hội nghị đối thoại về chính sách lao động trong doanh nghiệp, Hội nghị ban chủ nhiệm CLB FDI Thừa Thiên Huế). Cơ quan Thuế đã thực hiện các phóng sự truyền hình phản ánh về công tác quản lý thuế, cải cách hành chính, tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và các nội dung khác nhằm kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giải pháp nào cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19”, Hội thảo “Phụ nữ khởi nghiệp - Phụ nữ là Doanh nhân”, Hội thảo “Các dòng vốn vay ưu đãi và Quản trị hiệu quả dòng tiền”, Hội thảo “Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn - Câu chuyện thực tiễn cho Thừa Thiên Huế” với sự tham gia của các Sở Ngành liên quan và hơn 800 doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024; Giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; biên soạn 80 tình huống pháp lý liên quan quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về các chuyên đề như: đăng ký doanh nghiệp, chính sách pháp luật về thuế, đất đai, môi trường, lao động, bảo hiểm xã hội,… cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để cập nhật, triển khai.
- 100% các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp nhận được văn bản phản hồi từ các sở ban ngành và địa phương liên quan.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế; tỉnh Thừa Thiên Huế xác định một số nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian tới như sau:
- Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 được ban hành tại Quyết định số 114/KH-UBND ngày 29/7/2016, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đặt ra.
- Tiếp tục chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.
- Tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện.. Duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước. Thực hiện các giải pháp cải thiện vị trí thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai hiệu quả chỉ số năng lực canh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
- Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, triển khai ISO điện tử (ISO online); rà soát các thủ tục hành chính để chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001:2015. Tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4, tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
- Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Kế hoạch 1540/KH-UBND ngày 10/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Kế hoạch hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025”; Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024. Tập trung hỗ trợ khu làm việc chung, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho khởi nghiệp sáng tạo... theo Quyết định 39/2018/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.