Mới nghe tên Cuộc vận động, nhiều người nghĩ ngay rằng, không tiếng còi xe nghĩa là không sử dụng còi, vậy thì "tháo cái còi vứt đi cho nhanh". Tất nhiên không phải vậy, bấm còi xe vẫn cần trong những tình huống cần thiết để tránh nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc này cần phải hạn chế đến mức thấp nhất. Văn hóa giao thông thể hiện khá rõ ở việc một người bấm còi xe trong những tình huống như thế nào. Khi tham giao thông, trong chúng ta, không ít lần cảm thấy bực bội vì sự bấm còi xe một cách vô lý của người khác, đó là vì muốn vượt nhanh qua người khác, lạng lách, hay đường đang bị kẹt nhưng vẫn cứ bấm còi inh ỏi để giành đường, hoặc đang dừng đèn đỏ nhưng vẫn thể hiện hành vi này, thậm chí có người bấm còi chỉ vì “thích thì bóp”… Hậu quả không chỉ là sự phản cảm, gây ức chế cho người khác mà có khi còn làm chết người.
Có lẽ vì vậy, Cuộc vận động “Huế - Không tiếng còi xe” nhận được sự ủng hộ rất lớn không chỉ từ các nhà quản lý mà cả từ phía người dân, doanh nghiệp. Tại sao vậy? Chúng ta có thể điểm qua một số lợi ích của việc thực hiện “không tiếng còi xe”.
Đầu tiên, đó là những hộ gia đình sinh sống, kinh doanh ven đường. Nếu bạn đã từng sống hay làm việc tại những khu vực sầm uất, ngay các tuyến phố lớn hoặc các tuyến đường quốc lộ, sẽ hiểu rất rõ sự mệt mỏi do tiếng còi xe mang lại. Đối với những người chưa quen, sẽ không thể nào tập trung làm việc, thậm chí không ngủ được. Hệ lụy này còn ảnh hưởng đến thế hệ con trẻ.
Thứ hai, lợi ích lớn nhất, đó chính là thiết lập được một trật tự an toàn giao thông chung cho mọi người, hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật. Rõ ràng, khi tham gia giao thông đúng luật, đi đúng tốc độ cho phép, không lạng lách, vượt ẩu… thì cũng sẽ không cần bấm còi, hạn chế tai nạn giao thông.
Thứ ba, đây chính là điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà. Một trong những vấn đề nhức nhối của Việt Nam là tình trạng giao thông ùn tắc, lộn xộn. Chính vì vậy, nếu chúng ta xây dựng được một thành phố “không tiếng còi xe” thì đó chính là nét đặc trưng của Huế, sẽ nhận được sự ủng hộ và tìm đến của du khách thập phương. Cuộc vận động này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Thứ tư, thực hiện Cuộc vận động chính là cơ hội để rèn luyện tính cách cho chính bạn, trở nên trầm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn. Để không thực hiện các hành vi buộc phải sử dụng tiếng còi xe, người tham gia giao thông phải từ tốn, chậm rãi, biết nhường đường, biết mặc cảm có lỗi khi vi phạm quy tắc giao thông… Từ nhận thức đó về văn hóa giao thông, người tham gia giao thông sẽ rèn luyện được cho mình những tính cách tốt.
Thứ năm, “Không tiếng còi xe” là Cuộc vận động mà xét trên nhiều khía cạnh, chúng ta đạt được những cái lợi lớn, trong khi đó lại không tốn kém tiền bạc ngân sách hay hao tổn tiền túi cá nhân. Vì vậy, tại sao chúng ta lại không thực hiện?
Trên đây chỉ là điểm qua một số lợi ích của “không tiếng còi xe”. Hẳn hiên, khi đi sâu phân tích hơn thì sẽ còn nhiều những mặt được khác. Lợi ích là vậy, thế nhưng việc thực hiện liệu có khả thi? Đó cũng là băn khoan của không ít người, cả nhà quản lý và người dân. Có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí trái chiều quanh vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng là vấn đề cần nhiều thời gian, hình thành từng tí một, một cách từ từ, kiểu như “mưa dầm thấm lâu”. Vậy nên, nét văn hóa giao thông “không tiếng còi xe” cũng sẽ như vậy. Bước đầu triển khai còn vấp phải những khó khăn, nhưng với đặc thù của Huế, mật độ giao thông còn thấp, không đông đúc như các thành phố lớn, con người hiền hòa, từ tốn thì Cuộc vận động này sẽ không còn là “vận động” mà trở thành ý thức văn hóa giao thông trong mỗi người dân cố đô khi tham gia giao thông.