Kế hoạch năm 2023 nhằm triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 08/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Quyết định số 3393/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng; Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Công văn số 4846/BTP-BTTP ngày 02/12/2022 của Bộ Tư pháp về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng. Qua đó, tăng cường vai trò tham mưu quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đảm bảo phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Các nhiệm vụ cụ thể gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về công chứng nhằm nâng cao trách nhiệm của công chứng viên, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong hoạt động công chứng và giá trị của văn bản công chứng, từ đó tránh những rủi ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng, giao dịch.
- Rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng.
- Tham mưu xây dựng Hệ thống quản lý công chứng, chứng thực và ngăn ngừa thất thu thuế.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng: kiểm tra quản lý việc tập sự hành nghề công chứng; tiếp nhận hồ sơ, tham mưu giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng kịp thời, đúng pháp luật; thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, hồ sơ đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; giám sát, trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng với các cơ quan, tổ chức nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, giấy tờ liên quan đến hoạt động công chứng.
- Phối hợp với Hội Công chứng viên trong việc giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; kịp thời phát hiện các tiêu cực trong hành nghề công chứng, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, ứng xử không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công chứng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
- Tăng cường chống thất thu thuế trong lĩnh vực công chứng hợp đồng giao dịch chuyển nhượng bất động sản: Quán triệt Công chứng viên thực hiện nghiêm túc việc giải thích, hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi ký kết hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản. Trong đó nhấn mạnh việc người dân, tổ chức mua bán, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng theo giá thực tế mua bán, chuyển nhượng để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 172/NQ-CP khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương về chính sách tài chính đối với tổ chức hành nghề công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; quy định về tài chính trong việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động công chứng làm cơ sở cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công chứng; hướng dẫn chế độ tài chính của Phòng công chứng nhằm giải quyết một số bất cập về tài chính của Phòng công chứng, đồng thời, bảo đảm Phòng công chứng giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất để tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ tự quản theo đúng quy định của Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng./.