Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 901
QUY ĐỊNH VỀ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
Ngày cập nhật 13/04/2023

Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 3 năm 2023.

Theo đó, Quyết định quy định về chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như sau:

1. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn thành 04 nhóm sau: Nhóm tái chế, tái sử dụng: giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại, thủy tinh các loại; nhóm chất thải thực phẩm; nhóm chất thải nguy hại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng, các loại chất thải nguy hại khác; nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng và xác chết động vật nuôi)

- Chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như: tủ, giường, nệm, bàn, ghế salon, tranh, gốc cây, thân cây, cành cây to phải được phân loại riêng, chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản, khi chưa được vận chuyển, xử lý.

2.. Thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt sau khi phân loại

- Phương tiện và thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thải phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Riêng chất thải nguy hại thực hiện thu gom, lưu chứa tại một số điểm tập kết được UBND các cấp huyện lựa chọn và được thu gom, vận chuyển theo quy định.

- Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp với điều kiện của mỗi hộ gia đình, đảm bảo không phát tán mùi, nước rỉ ra môi trường.

- Phương thức thu gom: Đơn vị thu gom, vận chuyển sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác đã được thỏa thuận với cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải khi đến lấy chất thải rắn sinh hoạt. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thu gom riêng biệt các nhóm chất thải sau phân loại. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có thể thu gom cùng lúc các nhóm chất thải sau phân loại. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo phương tiện thu gom có thiết bị lưu giữ riêng các nhóm chất thải sau phân loại bên trong phương tiện thu gom.

Tùy thuộc vào khối lượng chất thải rắn phát sinh, đặc điểm của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và đại diện của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải (tổ trưởng tổ dân phố/ban quản lý chung cư/trưởng thôn) xác định thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của nhà nước.

- Tùy thuộc vào khối lượng chất thải rắn phát sinh, đặc điểm của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tần suất thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, trong đó: chất thải rắn sinh hoạt thông thường tối thiểu 02 lần/tuần, chất thải rắn sinh hoạt nguy hại tối thiểu 01 năm/01 lần.

Trường hợp, các hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh khi có phát sinh chất thải đột xuất hay có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nhiều như: có tiệc, ma chay, cưới hỏi, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và các chủ nguồn thải (là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) có nhu cầu được tổ chức thu gom hàng ngày các nhóm chất thải phát sinh mà khác với quy định của địa phương được nêu trên thì phải thực hiện trả thêm chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển (hộ gia đình, chủ nguồn thải tự thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển về tần suất và chi phí thu gom, vận chuyển tăng thêm).

3. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 28 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

- Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được xử lý như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, cá nhân định kỳ thu gom, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc cơ sở tái chế nhựa để tái chế, tái sử dụng hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để thu gom, chuyển giao lại cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm: sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas); các cá nhân đủ điều kiện thực hiện thu gom để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng và xác chết động vật nuôi): cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải nguy hại: tùy thuộc vào khối lượng phát sinh trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp huyện định kỳ hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt.

- Chất thải rắn cồng kềnh: Chủ nguồn thải phải tự thỏa thuận với chủ cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến địa điểm tập kết. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn, bố trí địa điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh, Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác định, được thực hiện định kỳ ít nhất 01 lần/quý và được Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý; chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ tháo rời, thu gom chất thải rắn cồng kềnh từ nơi phát sinh vận chuyển đến địa điểm tập kết theo giá tự thỏa thuận với đơn vị cung ứng dịch vụ; nghiêm cấm việc tự ý đổ thải chất thải rắn cồng kềnh xuống các ao, hồ, kênh, mương, sông, suối và các địa điểm khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Tại các địa phương cung cấp rác cho nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn (thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang, Phú Lộc) nhóm các chất hữu cơ và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng và xác chết động vật nuôi) được xử lý bằng phương pháp đốt tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn.

4. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt

- Tự trang bị túi (bao bì), thùng để phân loại, chứa chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày theo các nhóm.

- Thực hiện ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo quy định của pháp luật.

- Trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

- Thực hiện nghiêm túc việc phân loại lại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định trước khi đưa đến điểm tập kết.

- Phải bỏ chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đúng vị trí và giờ quy định của địa phương.

- Tuyệt đối không được để lẫn chất thải rắn xây dựng, xác chết động vật nuôi, chất thải nguy hại (pin thải; bóng đèn hư hỏng hoặc linh kiện điện tử hư hỏng) vào chất thải rắn sinh hoạt.

- Khi có phát sinh chất thải rắn xây dựng, phải có trách nhiệm thu gom và liên hệ với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

- Không được vứt, thải, đổ, bỏ chất thải rắn trước mặt nhà, trên lòng lề đường, miệng hố ga, ao hồ, sông, suối, kênh hoặc vào các nơi công cộng khác.

- Các cá nhân khi lưu thông trên đường, những nơi công cộng có nhu cầu thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt phải bỏ vào thùng rác công cộng hoặc những nơi do cơ quan chức năng quy định.

- Cá nhân, chủ nguồn thải kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bố trí thùng rác tại mỗi bàn ăn hoặc bố trí thùng chứa riêng để phục vụ cho vị trí kinh doanh dịch vụ ăn uống.

5. Trách nhiệm của đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt

- Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau phân loại đến các điểm tập kết, điểm trung chuyển hoặc đến cơ sở xử lý theo quy định.

- Tuyên truyền, nhắc nhở hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Khuyến khích đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt sử dụng các tín hiệu riêng trong quá trình thu gom chất thải hữu cơ, chất thải còn lại để thông báo đến tổ chức, cá nhân, hộ gia đình biết và chuyển giao các nhóm chất thải sau phân loại.

- Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đi xử lý.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác định vị trí các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, thùng rác công cộng.

6. Trách nhiệm của các đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Trang bị đầy đủ phương tiện đáp ứng yêu cầu vận chuyển chất thải đã được phân loại theo quy định về vệ sinh môi trường; khuyến khích và ưu tiên sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển.

- Thực hiện vận chuyển riêng chất thải đã phân loại bằng các phương tiện vận chuyển phù hợp đến điểm tập kết, điểm trung chuyển hoặc vận chuyển trực tiếp đến các nhà máy, khu xử lý theo quy định.

- Có trách nhiệm chuyển đổi, cải tạo, bổ sung phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đảm bảo thu gom, vận chuyển theo lộ trình, tần suất và thời gian thu gom do địa phương quy định

- Được quyền yêu cầu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại đạt yêu cầu theo quy định trước khi tiếp nhận.

- Ghi nhận, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về các trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao chất thải đã phân loại tại nguồn cho đơn vị vận chuyển tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại không đúng quy định.

7. Trách nhiệm của các đơn vị tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Đầu tư các tổ hợp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thành phần, tính chất, nhóm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.

- Bố trí các khu vực tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; áp dụng công nghệ xử lý hợp vệ sinh đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường như đã cam kết với Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Lập, trình thẩm định và phê duyệt phương án giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày