Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 3.581
Kết quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023
Ngày cập nhật 13/12/2023

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và chất lượng hòa giải trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu, trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 475/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2022 về công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch triển khai công tác hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép trong Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

 

Để triển khai có hiệu quả và hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ của công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Công văn số 467/HĐPH ngày 10 tháng 3 năm 2023 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023;  Công văn số 524/HĐPH ngày  06  tháng 7  năm 2023 về hướng dẫn triển khai một số nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng cuối năm 2023 và Công văn số 1801/HĐPH ngày 18 tháng 8 năm 2023 về việc hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các xã biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh có 1.118 Tổ hòa giải với 6.614 hòa giải viên tại các thôn, bản, tổ dân phố (tăng 12 Tổ hòa giải và 16 hòa giải viên so với năm 2022), trong đó có 1.574 hòa giải viên là nữ (chiếm 23,8%). Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong năm 2023 là: 805 vụ, việc (giảm 66 vụ/việc so với năm 2022). Kết quả hòa giải thành là 612 vụ, việc; số vụ việc hòa giải không thành 163 vụ; số vụ việc chưa giải quyết xong 30 vụ, như vậy, kết quả hòa giải thành năm 2023 chỉ đạt 79% (tỉ lệ hòa giải thành năm 2023 có giảm nhẹ so với năm 2022 là 2,9%). Bên cạnh các địa phương có tỉ lệ hoà giải thành cao như: Huyện Phong Điền (91,2%), huyện Nam Đông (93,3%), huyện Quảng Điền và huyện Phú Lộc (83,9%), thị xã Hương Thủy (81,6%); cũng còn một số địa phương do nhiều nguyên nhân có tỉ lệ hòa giải thành chưa cao như: huyện A Lưới (70,8%), thành phố Huế (56,8%),... Nhìn chung, thông qua công tác hòa giải các mâu thuẫn, xung đột, các hòa giải viên đã góp phần tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật cơ bản, gần gũi với đời sống hằng ngày đến Nhân dân.

Tiếp tục tăng cường nghiệp vụ, cập nhật, cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức 09 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các huyện: Nam Đông, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, các thị xã: Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế cho hơn 500 đại biểu là Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; Trưởng phòng, chuyên viên Phòng Tư pháp các huyện, thị xã; Công chức Tư pháp - Hộ tịch, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn về các chuyên đề: Một số kỹ năng về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Kỹ năng hòa giải ở cơ sở.…

Thực hiện Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24 tháng 5 năm 2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Kết quả, sau vòng thi khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đội thi tỉnh Thừa Thiên Huế đạt giải khuyến khích cùng 01 giải phụ dành cho hòa giải viên cao tuổi nhất.

Biên soạn, cấp phát tờ gấp pháp luật: “Quy định pháp luật về tư vấn và hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình” với số lượng 20.000 tờ; đồng thời, thông qua Trang thông tin điện tử Sở, Trang Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và Fanpage Pháp luật với Cuộc sống đã biên tập, đăng tải 53 tình huống giải đáp pháp luật, 08 câu chuyện với các chủ đề liên quan đến lĩnh vực hòa giải như: pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình... để hỗ trợ cho các hòa giải viên và các tổ hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện đã thực hiện thay đổi hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ cho phù hợp với tình hình chung như cung cấp sách pháp luật đến các tổ hòa giải ở cơ sở với những đầu sách có nội dung thiết thực, tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở. Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, một số đơn vị như huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hòa giải viên theo Bộ Tài liệu ban hành kèm theo Quyết định số 1852/QĐ-TTg ngày 01/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho công chức tư pháp – hộ tịch và Hòa giải viên các Tổ hòa giải trên địa bàn.

Về kiểm tra, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Đoàn Kiểm tra tại 02 đơn vị, gồm: Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền và thị xã Hương Thủy và một số xã thuộc 02 huyện (đảm bảo đạt 10% tổng số xã của toàn tỉnh). Qua kiểm tra, các địa phương đã nhận thức đầy đủ và ngày càng quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, kết quả chung trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, nhìn chung công tác hòa giải ở cơ sở đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai sâu rộng (100% công chức, viên chức, người lao động được tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước). Nhờ đó, trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngày càng được nâng cao.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2023 về tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở đó, tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Thông qua Hội thảo đã ghi nhận các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ của hòa giải viên; những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật của cơ chế hòa giải nhằm tạo nền móng pháp lý vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, để biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương, tại Hội thảo đã tiến hành trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho đại diện 15 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời đề ra các hình thức thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Việc củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở được thực hiện kịp thời; công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên được tăng cường; năng lực, trách nhiệm của hòa giải viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, chất lượng của công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày