Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 1.170
Câu chuyện pháp luật: Tôn trọng giới tính của con
Ngày cập nhật 31/03/2023

Anh Huy và chị Ngọc kết hôn đã nhiều năm mới sinh được cháu Tuấn. Do tuổi đã lớn và sức khỏe không đảm bảo nên anh chị quyết định không sinh thêm con. Vì là đứa con trai duy nhất của gia đình nên anh chị dành toàn bộ yêu thương và hi vọng vào Tuấn. Anh Huy mong muốn rằng, sau này Tuấn trưởng thành sẽ tiếp tục nối nghiệp ba và trở thành một bác sĩ giỏi.

 

Tuy nhiên, ngay từ những ngày còn nhỏ, Tuấn đã có những biểu hiện, xu hướng không giống như những đứa trẻ là con trai khác. Tuấn chỉ thích chơi cùng bạn gái, thích những trò chơi như búp bê, nấu ăn, may vá, tính cách cũng rất nhẹ nhàng, có phần yểu điệu. Mặc dù phát hiện ra những điều này nhưng anh Huy và chị Ngọc vẫn không cảm thấy bất thường, anh chị cho rằng do trong gia đình nội, ngoại và hàng xóm có nhiều con gái hơn nên Tuấn mới có tính cách như vậy.

Chỉ đến khi Tuấn vào cấp 3, mọi việc mới trở nên phức tạp hơn. Trong các chương trình dạy nghề, Tuấn cũng đăng ký học nghề may vá bất chấp lớp học nghề này chỉ có một mình Tuấn là con trai. Trong lớp Tuấn cũng không chơi cùng bạn nam, thậm chí có em học sinh còn bắt gặp Tuấn đi vào nhà vệ sinh nữ lúc không có ai. Dần dần, các bạn trong lớp cũng nhận ra sự bất thường ở Tuấn và thường xuyên trêu chọc em. Sự việc đến tai của cô giáo chủ nhiệm nên cô giáo đã gọi điện và đề nghị ba mẹ của Tuấn chú ý, quan tâm đến các hành vi của Tuấn nhiều hơn.

Sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm phản ánh, vợ chồng anh Huy vô cùng bất ngờ, từ hoang mang rồi chuyển sang tức giận. Anh chợt nhớ về những lần bắt gặp Tuấn lân la hỏi mẹ về những món trang sức, mỹ phẩm, thậm chí có lần trong lúc giúp mẹ gấp quần áo, Tuấn còn cầm váy của chị Ngọc ướm lên mình. Anh đã nghe nhiều câu chuyện ngoài xã hội về những người chuyển giới tính và anh tạm thời không thể chấp nhận nếu con trai của mình cũng như thế.

Anh và chị Ngọc dự định đưa Tuấn đến gặp bác sĩ, các chuyên gia tâm lý để trao đổi, chữa trị, tuy nhiên Tuấn từ chối và cho rằng đây không phải là bệnh và yêu cầu anh chị phải tôn trọng và chấp nhận giới tính thật của mình. Quá tức giận và thất vọng vì không thể buộc con trai mình giống như những bạn nam khác, anh Huy bắt đầu chán nản và tìm mọi cách để buộc Tuấn thay đổi. Trong những bữa cơm, lúc cả nhà đi chơi cùng nhau hoặc về nhà ông bà nội ngoại, anh luôn nói những câu chuyện bóng gió nhằm tỏ thái độ kỳ thị, phân biệt về giới tính. Anh sử dụng những ngôn từ nặng nề để chì chiết, hành hạ tinh thần của Tuấn. Anh bắt đầu tìm những phương pháp cực đoan như nhốt Tuấn trong phòng không cho tham gia các lớp học nghề may vá Tuấn đã đăng ký, ngăn cản Tuấn đi chơi và giao lưu với các bạn gái và những hội nhóm đồng tính trên mạng xã hội, thậm chí anh còn sử dụng đòn roi đánh Tuấn để khiến Tuấn sợ hãi, phải nghe lời anh. Chính vì sự gây áp lực về tinh thần và những trận đòn roi vô cớ của anh Huy đã khiến Tuấn càng ngày càng sa sút, Tuấn nhem nhóm ý định bỏ học và trốn khỏi nhà. Khi biết được ý định này của con trai, anh Huy đã nhốt Tuấn trong phòng và khóa trái cửa, cấm không cho ai được tiếp xúc.

Chứng kiến gia đình của mình như vậy, chị Ngọc vô cùng đau khổ và mệt mỏi. Một mặt chị khuyên giải anh Huy mong anh có thể nhẹ nhàng, thông cảm cho con. Một mặt chị tâm sự, thấu hiểu cùng con trai để con giảm bớt sự ấm ức. Tuy nhiên anh Huy vẫn một mực cho rằng việc mình làm là tốt cho con trai mà không hề quan tâm đến lời nói của vợ. Cảm thấy không thể thuyết phục được chồng, chị Ngọc đành nhờ tới bác Vinh, vốn là cậu ruột của anh Huy. Bác Vinh là bác sĩ tâm lý vừa mới nghỉ hưu, hiện bác đang tham gia làm hòa giải viên tại địa phương. Sau khi nghe chị Ngọc kể lại câu chuyện, bác quyết định cần phải nói chuyện với anh Huy.

Sau khi hẹn gặp được anh Huy, bác Vinh đã yêu cầu anh Huy phải chấm dứt những hành vi của mình đối với Tuấn, bởi vì đó là những hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, trong đó, có các hành vi cụ thể như:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

….”

Đồng thời, bác Vinh cũng giải thích cho anh Huy hiểu, đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh nan y, càng không phải là một loại tệ nạn. Xã hội hiện nay đã dần chấp nhận và cảm thông cho những người này, và thực tế đã có rất nhiều người chuyển giới thành công trong nhiều lĩnh vực và được xã hội công nhận. Trách nhiệm của người làm cha mẹ là cần phải ở bên con cái, động viên, ủng hộ và quan trọng là phải tôn trọng giới tính của con, tạo điều kiện để con được là chính mình. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của gia đình mới là một đứa trẻ hạnh phúc.

Những lời đó khiến anh Huy giật mình nhớ lại những cách đối xử tệ bạc với con, anh ân hận và tự nhủ sẽ không bao giờ lặp lại những hành vi bạo lực về cả thể xác lẫn tinh thần với Tuấn nữa, đồng thời học cách chấp nhận sự khác biệt của con trai mình.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày