Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 3.869
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng
Ngày cập nhật 09/12/2022

Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định. Việc thỏa thuận này phải phải được lập thành văn bản theo đúng quy định mới đảm bảo giá trị pháp lý. Bài viết phân tích về một số nội dung liên quan đến vấn đề này để làm rõ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn và cơ chế.

 

1. Hình thức văn bản chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, cụ thể: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này (Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu); nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.  

Như vậy, khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì lập thành văn bản. Vậy văn bản này là văn bản gì? Trong một số trường hợp giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ chồng, các bên thường sử dụng văn bản cam kết tài sản riêng hoặc từ chối tài sản để bên còn lại được nhận tài sản đó là tài sản riêng. Tuy nhiên, văn bản cam kết hay từ chối này có đầy đủ cơ sở để xác định tài sản riêng hay không?

a) Văn bản cam kết tài sản riêng hoặc văn bản từ chối tài sản

Văn bản cam kết tài sản riêng hoặc văn bản từ chối nhận tài sản không được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, tuy nhiên, hình thức văn bản này thường được vận dụng trong việc xác định tài sản riêng của vợ chồng.

Xét về ý nghĩa, cần lưu ý rằng, việc cam kết một tài sản là tài sản riêng không phải là căn cứ để hình thành tài sản riêng của vợ chồng. Căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng là các căn cứ được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Nói cách khác, để xác định là tài sản chung hay tài sản riêng phải xem xét nguồn gốc hình thành của tài sản đó theo đúng quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; không thể căn cứ vào cam kết của một người để xác định đó là tài sản riêng vì cam kết này không chứng minh được nguồn gốc tài sản.

Đối với văn bản từ chối nhận tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng, đây cũng không phải là căn cứ để tài sản chung của vợ chồng đương nhiên thành tài sản riêng của người còn lại.

Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về từ bỏ quyền sở hữu: Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Khoản 4, 5, 6 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về định đoạt tài sản chung:

“4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này”

“Điều 228. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

2....”

Như vậy, khi một người từ chối nhận tại sản, hay nói cách khác là từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó như sau: nếu là bất động sản thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước; nếu là động sản phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

Với các phân tích như trên, văn bản cam kết tài sản riêng của vợ chồng hoặc văn bản từ chối nhận tài sản chưa bảo đảm căn cứ để xác định tài sản riêng của vợ chồng.

b) Văn bản thoả thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng. Tương tự, căn cứ để xác định tài sản riêng của vợ chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP và các quy định khác liên quan đến hoa lợi, lợi tức.

Trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì phải lập văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung (Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật) theo quy định Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các quy định liên quan khác.

 Như vậy, theo đúng quy định của Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tên gọi của văn bản này là Văn bản thoả thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng. Lưu ý rằng, việc chưa tài sản không thuộc trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu).

2. Những trường hợp không được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những trường hợp nếu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bị vô hiệu, cụ thể:

(1) Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

(2) Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

- Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, cụ thể:

“1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba”.

- Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về bậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:

“1. Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.

2. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.

3. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng”.

Từ hai quy định trên, xác định rằng: hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác). Ngoài ra, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng thì được xác định như thế nào? Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không đề cập đến vấn đề này, nhưng Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP lại có quy định “Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì... hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng”.

Quy định này có vẻ như mâu thuẫn với Điều 33 Luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 khi điều luật này quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm... hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng... trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này” (theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác). Mặt khác, nếu đặt quy định này trong toàn bộ nội dung Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì cũng mâu thuẫn với khoản 1 và khoản 2 Điều này. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải thích nội dung trên được rõ ràng, thống nhất trong áp dụng pháp luật.

4. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định tại Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì  sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 (tài sản chung của vợ, chồng) và Điều 43 (tài sản riêng của vợ, chồng) của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

5. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

Vợ, chồng cũng được phép nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày