Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 1.052
05 tình huống hòa giải liên quan đến kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại
Ngày cập nhật 09/12/2022

1. Bà Loan dự định mở cơ sở kinh doanh tổng hợp tại phố A với diện tích khoảng 300 m2 và đặt tên là siêu thị Phương Loan. Bà Loan có trao đổi ý định với ông Bình là Tổ trưởng Tổ dân phố A, đồng thời là hòa giải viên để nhờ ông hỗ trợ, tư vấn thêm. Ông Bình còn phân vân về tên gọi siêu thị, ông không rõ quy định về việc đặt tên siêu thị như thế nào và ông đề nghị cho biết cơ sở kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn gì mơí được gọi tên là siêu thị? Nếu không đạt tiêu chuẩn siêu thị mà đặt tên là siêu thị thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 2 Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  (viết tắt là Quy chế) quy định: “Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng”.

Điều 3 Quy chế về tiêu chuẩn Siêu thị quy định: Được gọi là Siêu thị và phân hạng Siêu thị nếu cơ sở kinh doanh thương mại có địa điểm kinh đoanh phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh, thành phố và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của một trong ba hạng Siêu thị theo quy định là siêu thị hạng I, siêu thị hạng II, siêu thị hạng III. Trong đó, tiêu chuẩn siêu thị hạng III như sau:

“3.1. Áp dụng đối với Siêu thị kinh doanh tổng hợp:

3.1.1. Có diện tích kinh doanh từ 500 rn2 trở lên;

3.1.2. Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên;

3.1.3. Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của Siêu thị;

3.1.4. Có kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh hiện đại;

3.1.5. Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân, có các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, giao hàng tận nhà.

3.2. Áp dụng đối với Siêu thị chuyên doanh: tiêu chuẩn 3.1.1 là từ 250 m2 trở lên; tiêu chuẩn 3.1.2 là từ 500 tên hàng trở lên; các tiêu chuẩn khác như Siêu thị kinh doanh tổng hợp”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp bà Loan kinh doanh tổng hợp thì nếu áp dụng tiêu chuẩn của siêu thị hạng III, phải có diện tích kinh doanh từ 500 rn2 trở lên và các điều kiện khác như quy định từ 3.1.1 đến 3.1.5. Cơ sở kinh doanh của bà Loan có diện tích 300m2 thì chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích. Do đó, việc đặt tên siêu thị là không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn siêu thị mà vẫn đặt tên gọi là siêu thị thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 78 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ), cụ thể: Đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là siêu thị, trung tâm thương mại hoặc từ ngữ tương đương bằng tiếng nước ngoài mà không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm.

2. Ông Hoàng xây dựng trung tâm thương mại TH. Để tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của trung tâm thương mại, ong Hoàng tiến hành xây dựng nội quy của trung tâm. Ông đề nghị cho biết, nội quy của trung tâm phải có những nội dung gì và có bắt buộc phải được phê duyệt bởi cơ quan chức năng không? Trường hợp không có sự phê duyệt thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 3, 4 Điều 8 Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  (viết tắt là Quy chế) quy định Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại phải có nội quy hoạt động. Nội quy của Siêu thị hoặc trung tâm thương mại bao gồm những nội dung chính sau:

- Quyền hạn và trách nhiệm đối với khách hàng của cán bộ, nhân viên Siêu thị, trung tâm thương mại.

- Quyền và nghĩa vụ của thương nhân tham gia kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại.

- Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, trung tâm thương mại.

- Quyền và nghĩa vụ của khách tham gia giao dịch, mua bán, tham quan trong Siêu thị, Trung tâm thương mại.

- Bảo vệ trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường trong Siêu thị, trung tâm thương mại.

- Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp tại Siêu thị, Trung tâm thương mại.

Nội quy của Siêu thị hoặc trung tâm thương mại do thương nhân kinh doanh Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại xây dựng theo hướng dẫn và phê duyệt của Sở Thương mại. Bản tóm tắt những điểm chính của Nội quy phải được ghi rõ ràng, niêm yết ở nơi dễ nhìn để mọi người biết và thực hiện.

Điểm b khoản 1 Điều 78 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Nội quy hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại, nội quy chợ thể hiện không đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không được phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, nội quy của trung tâm thương mại phải có nhưngx nội dung chính như trên và phải được Sở Thương mại (nay là Sở Công thương) phê duyệt. Trường hợp vi phạm quy định này thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm.

3. Bà Trần thành lập siêu thị đi vào hoạt động gần 01 năm. Vừa qua, bà nhận được văn bản của Sở Công thương yêu cầu báo cáo về tình hình hoạt động của siêu thị. Bà Trần đề nghị cho biết, trách nhiệm báo cáo được quy định ở văn bản nào và nếu không thực hiện thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 8 Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  (viết tắt là Quy chế) quy định Thương nhân kinh doanh Siêu thị, trung tâm thương mại phải tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Siêu thị, Trung tâm thương mại; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động của Siêu thị, Trung tâm thương mại theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

Điểm d khoản 1 Điều 78 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:  Không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Như vậy, siêu thị có trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động của Siêu thị theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại. Trường hợp không thực hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.

4. Ông Lanh lập kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại và đặt tên là Trung tâm thương mại Nguyễn Lanh. Ông Lanh đề nghị cho biết, pháp luật quy định về việc đặt tên trung tâm thương mại như thế nào? Trường hợp vi phạm quy định về đặt tên thì bị xử phạt hành chính không?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

 Khoản 3 Điều 5 Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  (viết tắt là Quy chế) quy định biển hiệu của Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại được ghi theo quy định sau đây:

- Phải ghi bằng tiếng Việt Nam là SIÊU THỊ hoặc TRUNG TÂM THUƠNG MẠI trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ chỉ địa danh hay tính chất của Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại (Ví dụ: Siêu thị A, Siêu thị sách B, Siêu thị máy tính C; Trung tâm thương mại D... ).

- Nếu ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn kích cỡ tên tiếng Việt Nam và phải đặt dưới hoặc sau tên tiếng Việt Nam.

- Phải ghi rõ tên thương nhân kinh doanh Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại, địa chỉ, số điện thoại và hạng của Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại.

Điểm b khoản 2 Điều 78 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Ghi biển hiệu siêu thị hoặc trung tâm thương mại không đúng nội dung và hình thức theo quy định.

Như vậy, việc đặt tên trung tâm thưowng mại phải bảo đảm quy định nêu trên. Trường hợp vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

5. Chị Bình thường đi mua hàng tại một siêu thị gần nhà vì có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chị không rõ hàng hóa kinh doanh tại siêu thị được quy định như thế nào? Trường hợp hàng có chế độ bảo hành mà không ghi rõ thời hạn và địa điểm bảo hành thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (mang tính chất tham khảo):

Điều 7 Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  (viết tắt là Quy chế) quy định hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại như sau:

1. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật và thực hiện những yêu cầu cụ thể sau đây:

1.1. Có tên thương mại riêng hoặc tên thương mại của Siêu thị hoặc Trung tâm thương mại (nếu hàng hóa, dịch vụ không có tên thương mại riêng phải có tên hàng hóa, dịch vụ) và phải ghi rõ xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.

1.2. Có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý của Siêu thị, Trung tâm thương mại và giám sát của khách hàng.

1.3. Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.

1.4. Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.

1.5. Hàng hóa có bảo hành phải ghi rõ thời hạn và địa điềm bảo hành.

1.6. Nguồn hàng được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất kinh doanh.

2. Không được kinh doanh tại siêu thị, Trung tâm thương mại các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:

2.1. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...).

2.2. Hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoa tiêu thụ đặc biệt.

2.3. Hàng hóa có chứa chất phóng xạ hoặc thiết bị phát bức xạ i-on hóa quá mức độ cho phép theo quy định.

2.4. Các loài vật liệu nổ; các loại chất lỏng, chất khí dễ gây cháy nổ (như xăng dầu, gas, khí nén...).

2.5. Các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.6. Hàng hóa có chứa hóa chất độc hại thuộc danh mục hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điểm đ khoản 2 Điều 78 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ) quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Hàng hóa bán trong siêu thị, trung tâm thương mại có chế độ bảo hành mà không ghi rõ thời hạn và địa điểm bảo hành theo quy định.

Như vậy, pháp luật quy định cụ thể về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị như trên. Trường hợp siêu thị có hành vi không ghi rõ thời hạn và địa điểm bảo hành theo quy định đối với hàng hóa bán trong siêu thị mà có chế độ bảo hành thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày