Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.471.334
Truy cập hiện tại 2.328
15 tình huống hòa giải liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia
Ngày cập nhật 09/12/2022

1. Ông Thanh là người nghiện thuốc lá lâu năm, vợ của ông đã nhiều lần khuyên can ông bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhưng ông không nghe, thậm chí còn to tiếng trách vợ không có quyền cấm mình hút thuốc. Vợ ông Thanh muốn nhờ bà Cầm là hòa giải viên của tổ dân phố đến để giải thích với ông Thanh. Vậy, trường hợp này bà Cầm căn cứ vào quy định nào để có thể giải quyết?

Trả lời:

Điều 7 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Như vậy, bà Cầm căn cứ vào quy định nêu trên để giải thích với ông Thanh rằng người thân và gia đình ông Thanh có quyền được sống trong môi trường không có khói thuốc lá, bên cạnh đó vợ ông cũng có thể vận động, tuyên truyền người ông không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá theo quy định pháp luật.

2. Do bận sửa chữa đồ dùng trong gia đình nên anh Thân nhờ con trai của mình là cháu Vinh (15 tuổi) đi ra quầy tạp hóa để mua giúp anh gói thuốc lá. Biết được việc này, vợ anh đã phản đối vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Anh Thân thấy vợ ngăn cản thì to tiếng với vợ khiến hàng xóm phải nhờ hòa giải viên của tổ dân phố đến can ngăn. Trường hợp này hòa giải viên phải giải quyết như thế nào?

Trả lời

Điều 9 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.

2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.

5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.

6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.

9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích để anh Thân hiểu việc anh sử dụng con trai anh (là người chưa đủ 18 tuổi) thực hiện hành vi mua thuốc lá là không đúng quy định của pháp luật

3. Cuối tuần, chị Lý thường dẫn các con ra công viên dành cho trẻ em chơi. Hôm nay, khi mẹ con chị đến nơi, chị phát hiện một nhóm thanh niên đang tập trung hút thuốc lá và nói chuyện. Chị đã đề nghị nhóm thanh niên này đi chỗ khác hút thuốc vì đây là khu vui chơi của trẻ em. Tuy nhiên các thanh niên này không đồng ý khiến hai bên lời qua tiếng lại. Mọi người xung quanh đã mời hòa giải viên của địa phương đến giải quyết. Trường hợp này việc chị Lý yêu cầu nhóm thanh niên rời khỏi khu vui chơi là đúng hay sai?

 Trả lời:

Điều 11 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn như sau:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc;

b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;

c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích cho nhóm thanh niên hiểu cơ sở vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Do đó, nhóm thanh niên này không được hút thuốc lá tại đây và việc chị Lý yêu cầu nhóm này nếu tiếp tục hút thuốc thì phải rời đi khỏi khu vực là đúng quy định.

4. Bà Tâm muốn mở một nhà nghỉ để kinh doanh nhưng bà băn khoăn không biết nhà nghỉ có thuộc địa điểm cấm hút thuốc lá hay không. Bà đã hỏi bà Lan là hòa giải viên của địa phương, trường hợp này bà Lan cần tư vấn như thế nào cho bà Tâm?

Trả lời:

Điều 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

a) Khu vực cách ly của sân bay;

b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Lan cần giải thích cho bà Tâm biết: cơ sở lưu trú du lịch là một trong các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá và về các điều kiện để làm nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

5. Anh Quý là chủ khách sạn tại địa phương và khách sạn của anh có quy định về phòng dành riêng cho khách được hút thuốc lá. Tuy nhiên, anh phát hiện có một khách du lịch đang hút thuốc lá tại sảnh khách sạn làm ảnh hưởng đến những người khác. Anh Quý đã yêu cầu vị khách đó không được tiếp tục hút thuốc lá nếu không sẽ không tiếp tục phục vụ. Hai bên xảy ra mâu thuẫn nên mọi người đã nhờ hòa giải viên của địa phương tới. Trường hợp này, yêu cầu của anh Quý có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Trả lời:

Điều 14 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:

1. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:

a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại Điều 6 của Luật này;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích để hai bên cùng hiểu rằng: anh Quý là người quản lý khách sạn, do đó, anh có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá, đồng thời từ chối cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

6. Bà Nga muốn mở một cửa hàng chuyên bán thuốc lá nhưng bà không rõ việc kinh doanh thuốc lá cần phải đáp ứng điều kiện nào. Bà đã nhờ ông Sáng là hòa giải viên của địa phương để hỏi thăm. Trường hợp của bà Nga cần tư vấn như thế nào để đảm bảo đúng quy định pháp luật?

Trả lời:

Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định về việc bán thuốc lá như sau:

1. Việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ;

b) Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Căn cứ quy định nêu trên, ông Sáng cần giải thích để bà Nga được biết các điều kiện, yêu cầu để bán thuốc lá và các địa điểm không được bán thuốc lá đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

7. Chị Minh là hòa giải viên của địa phương. Gần đây chị phát hiện có một số cửa hàng tại khu vực chị sống đang bán thuốc lá giả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Chị muốn biết pháp luật quy định như thế nào về phòng chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả?

Trả lời:

Điều 26 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả như sau

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

2. Tổ chức và bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí, phương tiện cho lực lượng phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

3. Định kỳ, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

4. Tịch thu, tiêu hủy thuốc lá giả; tịch thu, tiêu hủy các loại máy, thiết bị dùng để sản xuất thuốc lá giả. Việc tiêu hủy phải sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn đối với môi trường. Kinh phí tiêu hủy do cá nhân, tổ chức vi phạm chịu trách nhiệm chi trả. Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm thì kinh phí tiêu hủy do ngân sách nhà nước chi trả.

5. Việc xử lý đối với thuốc lá nhập lậu được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Khuyến khích về vật chất và tinh thần cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và tố giác, tố cáo các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

7. Phối hợp ở cấp tỉnh, cấp quốc gia với các nước có chung đường biên giới và các nước có liên quan trong phòng, chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

Như vậy, chị Minh căn cứ quy định nêu trên để tham gia tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả tại khu vực, địa phương nơi chị sinh sống.

8. Ông Thành muốn thành lập một cơ sở cai nghiện thuốc lá mới được thành lập. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ nên ông không muốn xây dựng phòng dành riêng cho việc tư vấn cai nghiện thuốc lá, ông băn khoăn không rõ như vậy có vi phạm quy định hay không. Ông đã tìm đến hòa giải viên của địa phương và nói ra ý muốn của mình. Trường hợp này, hòa giải viên của địa phương giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Điều 4 Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 quy định chi tiết thi hành Luật phòng; chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về điều kiện thành lập cơ sở cai nghiện thuốc lá như sau:

1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở của Nhà nước hoặc có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở tư nhân.

2. Có đủ cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá:

a) Có tài liệu truyền thông về cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá bao gồm: Tủ sách, áp phích, tờ rơi, băng đĩa cung cấp thông tin về cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá;

b) Quản lý thông tin, dữ liệu về cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá trên máy tính;

c) Có phòng dành riêng cho hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá diện tích tối thiểu là 10m2; có đủ thiết bị bảo đảm hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá.

3. Có người trực tiếp thực hiện hoạt động cai nghiện thuốc lá và phải đáp ứng các Điều kiện sau đây:

a) Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

b) Thực hiện đúng quy trình cai nghiện thuốc lá.

4. Có người trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá có kiến thức, hiểu biết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá và nội dung tư vấn cai nghiện thuốc lá quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này.

Như vậy, hòa giải viên căn cứ quy định nêu trên để giải thích với ông Thành việc xây dựng phòng dành riêng cho hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá và có đủ thiết bị bảo đảm hoạt động tư vấn là một trong các điều kiện thành lập cơ sở cai nghiện thuốc lá.

9. Ông Nam là bảo vệ nhà của nhà văn hoá xã, tại đây đã treo biển cấm hút thuốc lá nhằm đảm bảo sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên trong một lần xã tổ chức hội họp, một số người dân muốn hút thuốc lá và đề nghị ông Nam đồng ý việc này. Ông Nam rất khó xử và nhờ ông Tú (hoà giải viên tại địa phương). Vậy trường hợp này phải giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Điều 25 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;

b) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;

c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;

d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Như vậy, ông Tú cần căn cứ quy định nêu trên để giải thích cho những người dân khác hiểu: nhà văn hoá xã đã có biển cấm hút thuốc, nếu những người này hút thuốc lá tại đây sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

10. Bà Ngân là chủ của cửa hàng bán, cung cấp thuốc lá của thị xã. Trong một lần đang đứng trông quầy, bà thấy một nhóm thanh niên đến và yêu cầu mua thuốc lá. Bà Ngân phát hiện những người này đang mặc đồng phục của trường cấp III gần đây nên bà từ chối bán. Nhóm thanh niên tức giận nên đã xảy ra tranh cãi với bà. Để giải quyết, bà đã nhờ bác Tình là hoà giải viên của địa phương đến. Vậy trường hợp này, bà Ngân không đồng ý bán là đúng hay sai?

Trả lời:

Điều 26 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;

b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

c) Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.

Như vậy, trường hợp này, bà Ngân từ chối bán thuốc lá cho nhóm thanh niên vì những người này dưới 18 tuổi là đúng quy định. Hoà giải viên cần giải thích cho nhóm thanh niên này biết rằng nếu bà Ngân bán thuốc lá cho họ thì sẽ vi phạm quy định bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

11. Chị Tình là hòa giải viên tại địa phương, do trong gia đình chị có người đang cai nghiện thuốc nên chị rất quan tâm các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chị muốn biết việc các gói thuốc lá không có ghi chú cảnh báo tác hại của thuốc lá đến sức khỏe thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 27 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) In cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc theo quy định của pháp luật;

b) Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật;

c) Không ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;

d) Sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam;

b) Ký hợp đồng, sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ trong nước khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này (nếu có).

Đồng thời khoản 5 điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

…..

5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 (đối với cá nhân) hoặc từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 (đối với tổ chức); đình chỉ hoạt động kinh doanh do có hành vi vi phạm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng. Đồng thời, buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ đối với sản phẩm thuốc lá không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì này.

12. Nhà của anh Cảnh có khu trọ cho thuê nên anh thường xuyên đi chơi cùng các sinh viên đại học đang thuê phòng trọ ở đây. Trong một lần, Cảnh bị Lâm (sinh viên thuê trọ) dụ dỗ hút thuốc lá, thấy Cảnh từ chối, Lâm ép buộc và nói rằng nếu không hút sẽ không cho đi chơi cùng. Trong lúc Cảnh đang phân vân thì bác Nghĩa (hoà giải viên của địa phương) vừa hay đi ngang qua. Trường hợp này, bác Nghĩa nên giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá;

b) Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.

…..

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi sản phẩm để khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;

b) Buộc hoàn trả số tiền lãi từ khoản chênh lệch do nộp chậm khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;

c) Buộc hoàn trả số tiền do sử dụng sai quy định đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này;

d) Buộc hoàn trả số tiền phải nộp và số tiền lãi (nếu có) do kê khai sai, trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.

Như vậy, bác Nghĩa cần căn cứ quy định nêu trên để giải thích với Lâm, nếu Lâm có hành vi vận động, ép buộc Cảnh sử dụng thuốc lá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

13. Ông Tiến là giám đốc của doanh nghiệp sản xuất gỗ của địa phương. Trong một lần họp cùng các nhân viên, có người đề xuất khi xây dựng kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp cần đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào để ngăn ngừa và bảo vệ sức khoẻ công nhân nhưng ông Tiến không đồng ý. Tuy nhiên ông vẫn hỏi ý kiến của hoà giải viên địa phương. Vậy, trường hợp này hoà giải viên cần xử lý và giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;

b) Cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;

c) Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;

d) Không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật.

….

Đồng thời khoản 5 điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

…..

5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hoà giải viên cần phân tích và giải thích để ông Tiến hiểu: việc không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm là hành vi vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

14. Để chúc mừng sinh nhật của Hoàng, Quyến (17 tuổi) cùng một số bạn học đã mua 10 chai bia và bánh kẹo tới nhà bạn để tổ chức liên hoan. Trong lúc mọi người đang chuẩn bị bữa tiệc thì chị Sương (chị ruột của Hoàng) phát hiện có có bia nên đã yêu cầu các em không được sử dụng với lý do chưa đủ tuổi. Hoàng và Quyến cho rằng bản thân đã lớn và có thể uống nên không muốn nghe lời chị Sương. Lúc này, chị Sương đã nhờ bác Linh, vừa là hàng xóm, vừa là hòa giải viên của khu phố đến để giải quyết. Trường hợp này, việc các bạn học sinh tổ chức uống bia có phù hợp quy định pháp luật hay không?

Trả lời:

Điều 30 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;

b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

b) Ép buộc người khác uống rượu bia.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích để các em Quyến và Quyết hiểu rằng: các em là những người đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi, do đó, nếu các em uống bia thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

15. Nhằm tận dụng căn nhà mặt tiền có lợi thế để kinh doanh, anh Hải đã dự định sẽ mở một cơ sở bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, đối diện với cơ sở giáo dục phổ thông của địa phương. Tuy nhiên, do có ý kiến phản đối từ gia đình nên anh Hải quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của ông Tám – hòa giải viên của tổ dân phố. Vậy trường hợp anh Hải mở cơ sở bán rượu, bia như trên có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Trả lời:

Điều 31 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về các hành vi vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;

b) Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật;

b) Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hòa giải viên cần giải thích để anh Hải hiểu nếu anh mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở giáo dục phổ thông, anh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày