Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 6.552
Câu chuyện pháp luật: Cai nghiện ma túy tự nguyện
Ngày cập nhật 24/11/2022

Ông Ba và bà Cúc lập gia đình muộn nên vui mừng khi sinh được một cậu con trai là Minh. Sự ra đời của con trai làm ông bà hạnh phúc và cố gắng làm việc để con có cuộc sống tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, mấy ngày nay, bà Cúc trằn trọc chẳng đêm nào được ngủ ngon. Trong nhà bà không khí buồn như có đám, chẳng ai buồn nói với ai câu nào. Tất cả bắt đầu kể từ khi vợ chồng ông Ba và bà Cúc phát hiện ra cháu Minh con trai duy nhất bị nghiện ma túy. Tính ra cháu Minh nghiện đã hơn nửa năm rồi mà hai vợ chồng bà không hay biết. Mãi đến khi nhà trường có thông báo gửi về đến tận nhà vì Minh bỏ học, ông bà mới hay. Rồi dạo này, nó cũng có vẻ gầy yếu, lúc nào cũng lén lút như làm việc gì mờ ám. Ông bà dò hỏi mãi, nó mới thú nhận mình đã nghiện vì đua đòi bạn bè hút xách. Ông bà giận con lắm. Nó vốn là đứa ngoan, chỉ do bạn bè dụ dỗ, ham vui mà nghiện ngập lúc nào không hay. Mấy hôm nay ông Ba đưa nó về quê nghỉ ngơi vài ngày, rồi xem thế nào? Cả hai vợ chồng vẫn đang cố gắng tìm cách để giải quyết việc của con.

 

Đang ngồi buồn, bà Cúc nghe giọng ai gọi ngoài cổng: “ Bà Cúc ơi. Bà có nhà không?”

Bà Cúc đứng dậy và đi ra ngoài cổng: “Ai như bà Lan? Mời bà vào nhà chơi. Bà đến nhà tôi có việc gì không?”

Bà Lan vào nhà, vừa đi vừa nói: “Cả tuần nay, không thấy bà đi tập thể dục với chị em trong xóm. Mà tôi lại bận đi chăm con mới sinh cháu, nên hôm nay mới rảnh rỗi đến thăm bà được. Bà có ốm đau hay bận việc gì không?”

Bà Cúc vừa nói, vừa rót chén trà mời bà Lan “Vâng, mời bà xơi nước. Mấy hôm nay, tôi ốm quá, chẳng đi đâu cả”.

Bà Lan nhìn bà Cúc chăm chú, rồi hỏi: “Sao không gặp mấy ngày mà trông bà tiều tụy thế? Chị em thân thiết, tôi hỏi khí không phải nhà bà có chuyện gì? Nghe đồn, thằng Minh nhà bà nghiện rồi sao?”

Bà Cúc ngập ngừng: “vâng, chẳng giấu gì bà. Cháu nó bị nghiện mất rồi. Chúng tôi mới phát hiện được gần tuần nay. Giờ chẳng biết phải làm thế nào?Tôi buồn quá chẳng muốn làm gì nữa? Nghĩ đến con là ứa nước mắt, con dại cái mang. Chẳng lẽ bỏ mặc nó”

 Bà Lan “Sao bà không có cháu nó cai nghiện đi. Còn nước còn tát. Ông bà phải cứu lấy nó”.

 Bà Cúc hỏi “Vâng, vợ chồng tôi cũng đang rối trí, chẳng biết phải làm gì cả. Ông nhà tôi đang cho cháu nó về quê mấy ngày để tách nó tránh xa lũ bạn xấu. À, tôi quên mất, bà là cán bộ xã, chắc bà có biết về việc cai nghiện ma túy phải không?

Bà Lan “Có, tôi có biết. Hôm nay tôi đến đây cũng là có ý định trao đổi với ông bà, giúp ông bà tìm hiểu về biện pháp cai nghiện ma túy cho cháu Minh”.

Bà Cúc hỏi “Thế có những biện pháp cai nghiện nào hả bà?”

Tôi có tìm hiểu rồi nên đem cho bà xem đây “Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định về các biện pháp cai nghiện ma túy như sau:

1. Biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm:

a) Cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Cai nghiện ma túy bắt buộc.

2. Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Trong đó, theo tôi, biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình có lẽ phù hợp với trường hợp của cháu Minh nhà ta…”

Bà Cúc “Thế hả bà? Thế cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình quy định như thế nào?”

Bà Lan “ Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng như sau:

1. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

3. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy được hỗ trợ kinh phí.

4. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

b) Hướng dẫn, quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

c) Cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

b) Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

c) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

d) Bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

7. Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có trách nhiệm sau đây:

a) Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

b) Thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

8. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.”

Bà  Cúc lo lắng hỏi “Thế việc tổ chức cai nghiện cho cháu được thực hiện như thế nào. Có khó lắm không?

Bà Lan Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy quy định quy trình cai nghiện ma túy như sau:

1. Quy trình cai nghiện ma túy bao gồm các giai đoạn sau đây:

a) Tiếp nhận, phân loại;

b) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;

c) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;

d) Lao động trị liệu, học nghề;

đ) Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

2. Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ các giai đoạn quy định tại khoản 1 nêu trên; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 nêu trên.”

 Nghe bà Lan trả lời xong, bà Cúc rơm rớm nước mắt “May có bà hiểu biết, giảng giải giúp tôi mới hiểu hơn về việc cai nghiện ma túy tại gia đình cho con. Có gì thì tôi lại sang hỏi bà thêm. Tôi sẽ quyết tâm cho cháu nó cai nghiện, rồi tính chuyện học hành sau.”

Bà Lan “Ừ. Gia đình cố gắng cai nghiện cho cháu để làm lại cuộc đời nhé. Thôi tôi về đây, cũng đến giờ nấu cơm trưa rồi.”

Bà Cúc “Vâng, cảm ơn bà. Để tôi tiễn bà về.”

Bà Lan về lúc lâu rồi, mà bà Cúc vẫn đứng bần thần ở cửa mãi. Trong lòng, bà nung nấu về một kế hoạch cai nghiện tại gia đình thật chi tiết cho con trai. Bà sẽ gọi điện ngay về quê cho chồng đưa con lên cai nghiện. Con trai bà sẽ hết nghiện, đi học trở lại và sau này sẽ có tương lai, công việc ổn định. Đối với ông bà, thế là mừng rồi không mong gì hơn./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày