Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.545.998
Truy cập hiện tại 6.254
Câu chuyện pháp luật: Câu chuyện về ông Lân tốt bụng
Ngày cập nhật 24/11/2022

Cứ đến tầm 4 giờ chiều, chiếc xe đẩy bán hàng rong của ông Lân lại được dựng sẵn trước cổng công viên để chuẩn bị cho một buổi bán hàng mới. Ông Lân nhanh nhẹn sắp xếp từng chiếc bàn, chiếc ghế theo trật tự để sẵn sàng đón khách, xong đâu vào đấy, ông lại bật đèn để chiếc bảng hiệu nhỏ trên chiếc xe nhấp nháy vui mắt, thu hút người qua đường. Kể từ ngày khu này trở thành phố đi bộ, công việc kinh doanh thức ăn đường phố của ông trở nên thuận lợi hơn, ông cũng có thêm nhiều khách quen hơn. Những ai đã từng thưởng thức qua đồ ăn của ông đều cho rằng món ăn của ông rất ngon, bày biện rất gọn gàng, sạch sẽ, ông Lân lại là người rất chỉn chu, luôn mang bao tay và khẩu trang nên càng yên tâm hơn.

 

Nhờ có hàng xe đẩy của ông Lân mà đoạn đường này trở nên tấp nập hơn hẳn. Trong số những người buôn bán hàng rong xung quanh khu vực của ông Lân có anh Vinh là người bán hàng lưu niệm. Do là đồng hương nên anh và ông Lân nói chuyện rất hợp nhau, ông Lân vốn sống một mình không con cái nên ông vô cùng quý anh Vinh, thỉnh thoảng ông cũng tặng anh vài chiếc bánh nóng hổi do mình làm ra, còn anh thì cũng phụ ông khi đông khách, mối quan hệ của hai người nhờ vậy mà trở nên thân thiết.

Một lần, anh Vinh dò hỏi ông Lân về việc chia sẻ bí quyết làm bánh, anh cũng muốn mở một xe hàng bán như ông vì thấy việc bán đồ lưu niệm không có lời lãi bằng bán bánh. Anh sợ ông Lân nghĩ mình muốn giành khách của ông nên đã nói trước là mình sẽ bán ở khu vực khác, không làm ảnh hưởng đến ông. Ông Lân ngẫm nghĩ một lát rồi bảo ngày hôm sau sẽ trả lời anh.

Buổi tối trở về nhà, ông Lân nằm suy nghĩ mãi, ông rất quý anh Vinh, thực lòng ông cũng không phải con người ích kỷ, muốn giấu nghề, ông cũng đã lớn tuổi rồi nên việc buôn bán có lẽ cũng không được bao lâu, nếu tìm được một người để truyền nghề thì cũng là việc tốt. Tuy nhiên, điều ông lấn cấn ở đây là ông để ý anh Vinh mắc bệnh viêm da truyền nhiễm, anh thường xuyên phải thoa thuốc để điều trị, nếu một người bán thức ăn mà lại bị các bệnh ngoài da thì khách hàng sao dám mua. Nghĩ đi nghĩ lại, không biết phải từ chối anh Vinh thế nào để khỏi mất lòng, ông quyết định ngày mai sẽ đi tìm chị Thoa để hỏi, chị Thoa là cán bộ của một cơ quan y tế, có lẽ chị Thoa sẽ giải quyết được việc này.

Hôm sau, nhân ngày nghỉ, ông Lân vội sang nhà chị Thoa, sau khi được chị mời vào nhà uống nước, ông Lân liền đem câu chuyện và băn khoăn trong lòng mình nói với chị Thoa, mong được chị tư vấn. Nghe chuyện của ông Lân, chị Thoa suy nghĩ một lát rồi trả lời:

- Bác lo lắng như vậy là đúng đấy ạ. Về việc kinh doanh thức ăn đường phố cũng cần đáp ứng yêu cầu riêng. Trường hợp của bác, nếu anh truyền nghề cho anh Vinh rồi để anh ấy chế biến thức ăn là không phù hợp với quy định pháp luật đâu ạ. Điều 16 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 01/01/2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã quy định hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;

b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;

d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;

đ) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Ngừng một chút, chị Thoa thong thả nói tiếp:

- Nếu anh Vinh mắc bệnh viêm da nhiễm trùng như bác nói mà vẫn cố tình chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đấy ạ.

- Cám ơn cô Thoa nhé, bây giờ thì tôi đã hết băn khoăn rồi, buôn bán thì cần phải chấp hành đúng quy định, nhất định tôi sẽ lựa lời và khuyên nhủ cậu Vinh.

Rời khỏi nhà chị Thoa ra về, ông Lân cảm thấy rất nhẹ nhõm, ông cảm thấy mình thật sáng suốt khi đã nhờ sự giúp đỡ của chị. Ông tự nhủ sẽ khuyên can và động viên anh Vinh, dù làm gì cũng phải tuân thủ theo pháp luật, dẫu chỉ là một xe hàng thức ăn trên đường phố. Ông sẽ tìm cách giúp đỡ anh Vinh, không làm được việc này thì sẽ làm việc khác, có cố gắng nhất định sẽ có thành công.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày